Xuân Bắc đưa vợ con đi chiêm ngưỡng mẫu tượng rồng thời Lý – Trần bằng gốm nâu siêu hiếm

Hà Tùng Long Thứ hai, ngày 13/11/2023 10:26 AM (GMT+7)
NSƯT Xuân Bắc lần đầu đưa vợ và các con đến Trung tâm “Ngàn năm gốm Việt” để chiêm ngưỡng mẫu tượng rồng thời Lý – Trần bằng gốm nâu siêu hiếm.
Bình luận 0

Mới đây, NSƯT Xuân Bắc, nhạc sĩ Huy Tuấn, ca sĩ Việt Hoàn, Tô Minh Thắng, Phạm Quỳnh Anh, MC Đặng Diễm Quỳnh, Đức Bảo, Hồng Nhung, BTV Hoài Anh, Hoàng Trang… đã có mặt ở Bát Tràng để dự lễ ra mắt Trung tâm "Ngàn năm gốm Việt". Nghệ sĩ Xuân Bắc không đi một mình mà đưa cả vợ con đến chiêm ngưỡng các mẫu gốm. Bản thân anh cũng hào hứng vào nơi sản xuất gốm, xắn tay áo vào trải nghiệm như một du khách thực thụ.

Xuân Bắc đưa vợ con đi chiêm ngưỡng mẫu tượng rồng thời Lý – Trần bằng gốm nâu siêu hiếm - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Xuân Bắc cùng vợ và các con trải nghiệm các hoạt động tại "Ngàn năm gốm Việt". Ảnh: HCC

Đạo diễn Hoàng Công Cường – PGĐ Trung tâm "Ngàn năm gốm Việt" chia sẻ, anh và các cộng sự tại "Ngàn năm gốm Việt" muốn nâng tầm gốm Việt, đặc biệt là sản phẩm của Bát Tràng, bằng cách đưa những sản phẩm tinh xảo này đi ra thế giới.

"Mỗi sản phẩm gốm của chúng tôi đều độc bản, nó mang câu chuyện riêng của mỗi cá nhân, được đắp thêm tâm huyết, sự tinh xảo của những bàn tay người thợ thủ công. Mỗi sản phẩm đều là báu vật của người tiêu dùng cũng như người đam mê sưu tầm gốm" – đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ.

Trung tâm "Ngàn năm gốm Việt" đã và đang nghiên cứu, chế tác nhằm tiến tới khôi phục lại dòng gốm hoa nâu, một dòng gốm thuần Việt được chế tác và phát triển rực rỡ dưới thời Lý - Trần, với mong ước đưa những sản phẩm gốm hoa nâu này trưng bày trong các không gian đương đại, cũng như trở thành những quà tặng văn hóa của quốc gia.

img
img
img

Trong khi con trai Bi béo đi ngắm các tác phẩm gốm thì bố Xuân Bắc tập trung ngồi nặn gốm. Ảnh: HCC

"Gốm hoa nâu trở thành nguồn cảm hứng to lớn cho sự ra đời của thương hiệu "Ngàn năm gốm Việt". Những sản phẩm gốm hoa nâu độc bản, mang đượm bản sắc thuần Việt và khơi gợi về một ký ức vàng son của văn minh Đại Việt sẽ được những người yêu văn hóa Việt sử dụng làm vật phẩm quà tặng trong những dịp quan trọng như nghi lễ đối nội, đối ngoại trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các du khách quốc tế sẽ được chạm tay vào các tác phẩm gốm hoa nâu độc bản được chế tác khéo léo, tỉ mỉ bởi bàn tay của các nghệ nhân Bát Tràng, được ngắm nhìn những nét chạm trổ điêu khắc trên thân gốm với những đường nét và hoa văn đượm tâm hồn người Việt", ông Nguyễn Trung Thành – GĐ Trung tâm "Ngàn năm gốm Việt" bày tỏ.

Nhân dịp này, Trung tâm ra mắt bộ sưu tập độc bản "Long Phi vận hội" với 100 sản phẩm độc bản điêu khắc rồng trên gốm. Theo đó, các chuyên gia và nghệ nhân đã dày công nghiên cứu, phục dựng hình tượng rồng Việt từ thời Lý, thời Trần, thời Lê đến thời Nguyễn. Các tác phẩm Long Phi với cảm hứng từ hình tượng rồng Việt, thể hiện ước mong về một năm Giáp Thìn đầy may mắn và mạnh mẽ để nắm bắt những vận hội mới, ước vọng về những kỳ tích "cá chép hóa rồng" hay "cá chép vượt vũ môn".

Xuân Bắc đưa vợ con đi chiêm ngưỡng mẫu tượng rồng thời Lý – Trần bằng gốm nâu siêu hiếm - Ảnh 3.

Đạo diễn Hoàng Công Cường trao tặng mẫu gốm "Phi Long vận hội" cho BTV Hoài Anh. Ảnh: HCC

Xuân Bắc hào hứng nặn gốm Bát Tràng

Mỗi tác phẩm là một tác phẩm điêu khắc gốm độc bản được các nghệ nhân của Trung tâm chế tác tỉ mỉ trong nhiều tháng trời, với mong ước mang đến vượng khí và tài lộc, may mắn cho chủ nhân tương lai của các tác phẩm này. Đây không chỉ là những tác phẩm điêu khắc gốm đơn thuần mà còn chứa đựng cả một nền văn hóa lâu đời và những câu chuyện di sản ngàn năm.

"Long Phi vận hội" lấy từ cảm hứng mùa Thu năm 1010, vua Lý Công Uẩn xuống "Chiếu dời đô", chuyển kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long, đặt định vị trí đế đô của nhà Lý và cũng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trong cuộc khởi đầu của bình minh Thăng Long ấy, lịch sử ngàn năm gốm Việt đã được khởi tạo với sự ra đời của các trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng tại Thăng Long, Bát Tràng, Kim Lan, rồi tới Chu Đậu. Đây là minh chứng cho sự phồn vinh và thịnh vượng của văn minh Đại Việt.

Xuân Bắc đưa vợ con đi chiêm ngưỡng mẫu tượng rồng thời Lý – Trần bằng gốm nâu siêu hiếm - Ảnh 5.

Nghệ sĩ Xuân Bắc và Việt Hoàn tham quan không gian trưng bày gốm tại "Ngàn năm gốm Việt". Ảnh: HCC

Các quốc bảo đồ gốm hoa nâu với màu sắc nâu trầm thuần Việt, hoa văn đượm chất Phật giáo đã trở thành sáng tạo độc đáo và riêng biệt, di sản trường tồn của người Việt kể từ đó. Mùa Xuân năm Mậu Thìn 1428, Lê Lợi đánh bại quân Minh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, định đô tại Thăng Long, khởi đầu cho một kỷ nguyên "Long Phi vận hội" của dân tộc Việt Nam.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem