Phạm Xuân Nguyên
Thứ hai, ngày 23/01/2023 14:00 PM (GMT+7)
Lâu nay, thơ Xuân Quỳnh thường được định vị và bị trói vít vào chữ NỮ từ phái tính của nhà thơ. Người ta đọc thơ bà dưới góc độ tính nữ, nữ tính và gần đây thậm chí là nữ quyền. Đó là cái đọc đã bị điều kiện hóa trong một sinh quyển đời sống và văn hóa của một xã hội nam trị và nam quyền.
Chính vì như thế người ta đã không hiểu hết Xuân Quỳnh. Không hiểu hết bà ở ngay chỗ tưởng đã hiểu hết bà, tức là ngay cả khi đã đem bà đọc dưới góc độ NỮ (phụ nữ, đàn bà, nữ tính) vẫn không hiểu hết bà. Không hiểu hết bà cả trong những bài thơ nổi tiếng nhất, được nói đến nhiều nhất của bà. Người ta đã chỉ đọc Xuân Quỳnh một chiều - chiều sáng, chiều lặng, trong nhiều chiều mâu thuẫn đối lập biện chứng của thơ bà.
Những báo hiệu một cuộc đời không yên ổn…
Hãy nghĩ xem Xuân Quỳnh, người con gái 20 tuổi đã nghĩ về lá vàng và chồi biếc, về sự rơi rụng và mọc lên, 21 tuổi đã ví mình như "lòng thuyền đau rạn vỡ" giữa lòng biển cả, 25 tuổi đã thấy mình là sóng "dữ dội và dịu êm" trên mặt nước và dưới lòng sâu. Ba bài thơ này (Chồi biếc - 1963, Thuyền và biển - 1963, Sóng - 1967) ở ngay bước đầu vào văn chương của Xuân Quỳnh đã báo hiệu một cuộc đời, một số phận, một con người không yên ổn. Vậy mà lâu nay nó đã chỉ được/bị đọc bằng cách đọc tình yêu nhìn từ phía người nữ. Một cách đọc êm đềm và an toàn, như không đúng với Xuân Quỳnh.
Ấy vậy mà lâu nay người đọc thơ bà cứ bị đóng khung cái nhìn vào một Xuân Quỳnh dịu êm và lặng lẽ. Chúng ta chưa đủ dữ dội để hiểu được con sóng êm và cánh chuồn mỏng của Xuân Quỳnh chăng?
Xuân Quỳnh viết thơ từ vị thế người nữ là đương nhiên vì bà là một phụ nữ. Nhưng tiếng thơ của bà được cất lên trước hết và chủ yếu trong tư cách một con người có ý thức về bản thân mình. Đọc thơ Xuân Quỳnh tôi muốn đọc ở góc độ con người "phi phái tính" này.
Đầu tiên là ý thức về cơ thể mình. Xuân Quỳnh có lẽ là nhà thơ duy nhất đã không ngại tả thực mình qua những đặc điểm của cơ thể. Đặc biệt bà nói nhiều đến hai bàn tay:
Trán tôi dô ra bướng bỉnh hơn, bàn tay thô lại còn vụng nữa
(Thơ viết cho mình và những người con gái khác)
Gia tài chỉ có bàn tay
Đường gân xanh, vết chai dày từ xưa
(Thơ viết tặng anh)
Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả
(Bàn tay em)
Đây không phải những hình ảnh tu từ mà là những nét đời thực. Đôi bàn tay trong thơ Xuân Quỳnh là của một phụ nữ mà từ nhỏ đã phải "hái rau dền, rau rệu nấu canh" trong một hoàn cảnh gia đình vất vả, khó khăn.
Ý thức về dung nhan của mình mà không ít lần Xuân Quỳnh nói đến trong các bài thơ cho bà ý thức về phận người của mình. Đó là một phận người đời thường như bao người thường khác.
Mà em người đời thường
Biết là anh có ở
(Anh)
Người đời thường ở đây trong văn cảnh bài thơ hiểu như em là người bình thường, khiêm nhường, lặng lẽ, đối sánh với người khác thường là anh "con đường xa ngái, bức vẽ không màu, nghìn nỗi lo âu, dòng thơ nổi gió". Trái tim của người đời thường-người yêu đó cũng "là máu thịt đời thường ai chẳng có /cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa", nhưng kỳ diệu ở chỗ "biết yêu anh cả khi chết đi rồi".
Vì ngay cả trong tình yêu (hay chính trong tình yêu) Xuân Quỳnh đã từ rất sớm bộc lộ mình quyết liệt và tuyệt đối. Em yêu anh, yêu anh như điên (Thơ viết cho mình và những người con gái khác). Đốt lòng em câu hỏi: "Yêu em nhiều không anh?" (Mùa hoa doi).
Ngay cả cách nói nhún như hạ mình trong tương quan đối lập như trên vừa nói, và ở đây nữa: anh là mặt trời – em là hạt muối, là rong rêu, là ngọn cỏ dưới chân, là hạt bụi vô tình trên áo, thì cũng chỉ để khẳng định con người mình ở một công việc nội trợ được mặc định là của nữ giới: Nhưng nếu chiều nay em chẳng đong được gạo/Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn (Thơ vui về phái yếu). Câu thơ đọc lên bật cười (thì nhà thơ đã gọi là "thơ vui" mà lại) nhưng cho thấy vị thế đồng đẳng của phụ nữ với đàn ông.
Những bình thường và phi thường trong thơ Xuân Quỳnh
Rộng ra ngoài cách nói trong tình yêu, "người đời thường" của Xuân Quỳnh là người sống với cuộc sống bình thường. Thời chiến tranh mỗi người đều bị buộc phải sống phi thường. Thơ do vậy cũng hay nói chuyện to tát. Xuân Quỳnh thì ngược lại. Là người đời thường nên bà gần với cỏ dại hoa hèn, gắn với gió Lào cát trắng.
Có mấy ai nhớ về ngọn cỏ
Mọc vô tình trên lối ta đi
Dẫu nhỏ nhoi không đáng nhớ làm chi
Không nghĩ đến nhưng mà vẫn có
(Cỏ dại)
Nói cách khác bà cúi xuống mặt đất dưới chân mình và mỗi sáng dậy tôi chào mặt đất (Bầu trời đã trở về) ngay cả khi tôn cao người yêu lên đến tầm mặt trời, bầu trời. Vì thế Xuân Quỳnh đưa được vào thơ những chi tiết thực tế ít ai ngờ tới và ít nhà thơ ghi lại, nhưng nhờ đó thơ bà đã lưu lại được dấu vết hoàn cảnh xã hội một thời.
Đoàn thương binh mới trở về
Đánh nhau trước cửa hàng bia lúc chiều
Ai đồn rằng cọ cháy cao
Người dân Vĩnh Phú đốt bao nhiêu đồi
Thương gì người đói lang thang
Xin ăn trên khắp phố phường ngoài kia
Ba cặp lục bát này đều ở trong bài "Hát ru chồng những đêm khó ngủ". Đây là một bài thơ rất riêng và độc đáo của Xuân Quỳnh, ít thấy ở những nhà thơ khác. Nó thực và thật. Còn đây là những chi tiết khác: Tiếng loa đài hát lớn chẳng ai nghe (Phố huyện), Những màu áo báo gió mùa đã tới/Trẻ đi học thu hai tay vào túi (Nghe rét đến, nhớ về Hà Nội). Đến như câu Người con gái làm dâu trước lúc lấy chồng (Những năm tháng không yên) thì là một sự thật cao cả tê tái của thời chiến tranh mà sự đồng cảm xót thương phụ nữ ở Xuân Quỳnh mới đưa được vào thơ.
Từ ý thức về phận người Xuân Quỳnh ý thức về cá nhân trong trách nhiệm làm người và làm thơ.
Tôi cứ đi tìm mãi bản thân mình
Cũng có thể suốt đời chưa thấy hết!
Cuộc đời chẳng hệt như lời diễn thuyết
Nhọc nhằn hơn và cũng đáng yêu hơn…
Cuộc đời chẳng như trong các bài ca
Niềm vui lớn và nỗi buồn cũng lớn
(Những năm tháng không yên)
Đây là bài thơ dài gồm 7 khúc (Nguồn gốc từ ngữ; Những miền đất; Các anh; Trở lại mình; Mười hai ngày; Nói với con; Về những bài thơ) Xuân Quỳnh viết những năm 1972-1973. Một bài thơ dài nhất của bà. Xuân Quỳnh và các nhà thơ cùng thời trong sáng tác của mình đều có 1-2 bài dài viết theo lối tự sự sử thi như vậy để bày tỏ thái độ công dân của mình trước hiện tình đất nước thời chiến tranh và trách nhiệm nhà thơ của mình. Lời bộc bạch trong đoạn thơ dẫn, nhất là câu Tôi cứ đi tìm mãi bản thân mình, vào thời nó được viết ra là một sự thành thật táo bạo.
Ở khúc 7 "Về những bài thơ" Xuân Quỳnh có nói đến một điều như quan niệm về thơ. Bà nói đọc thơ không nên nệ vào sự thật trong thơ vì cuộc sống luôn mãi đi lên, còn sự vật trong thơ thì vẫn thế. Nghĩa là điều nhà thơ nói trong thơ khi thơ đến tay người đọc đã đổi khác rồi: đứa trẻ đã lớn lên, mầm cây đã thành cái cây, cơn bão đã tan. Kết luận lại là: Tôi viết về những cay đắng riêng tôi/Khi anh xót tôi không còn khổ nữa/Anh hãy nghĩ khác xa điều tôi nghĩ/Thơ tôi làm không phải để anh theo. Quan niệm thơ này của Xuân Quỳnh được viết theo tinh thần lạc quan, tích cực của một thời, giá còn sống bà đọc lại bây giờ có thể mỉm cười và nghĩ khác.
Cùng khoảng thời gian Xuân Quỳnh nghĩ về thơ như vậy, Lưu Quang Vũ cũng đưa ra quan niệm thơ của mình trong bài "Nói với mình và các bạn" rất mạnh mẽ, quyết liệt. Thơ là bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa/Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả/Càng thương yêu càng không vừa ý với mọi điều… /Thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật/Đập vào ngực ta không cho ta cúi mặt/Không cho ta lảng tránh/Không hát ta say mà lay ta thức. Sự đối chiếu ở đây để thấy Xuân Quỳnh đã viết từ thế đứng của người làm thơ chứ không phải trong phận vị người nữ.
Điều này càng rõ trong hai bài thơ đọc qua tưởng như là Xuân Quỳnh cốt viết cho phụ nữ và về phụ nữ: Thơ viết cho mình và những người con gái khác; Thơ vui về phái yếu. Thực ra, cả hai bài đều là để nói với đàn ông và khẳng định phụ nữ trước đàn ông. Trong cả hai bài Xuân Quỳnh vừa nói sự khác biệt về phái tính của hai giới, vừa khẳng định mình trong sự khác biệt đó. Đặc biệt ở bài thứ nhất bà còn nhấn mạnh sự khác biệt của mình với các chị em cùng giới ở một sự nhận thức làm nên tính cách nổi bật của Xuân Quỳnh: thích chuyển động hơn đứng yên, thích cái đang là hơn cái đã là.
Tôi sợ màu trời sau khung cửa bình yên
Con đường vắng, người đi và rừng cây lặng gió
Tôi yêu những dòng sông mùa nước lũ
Sau phá phách ngàn đời vẫn là lượng phù sa…
Tôi không thích nhìn ngôi nhà lộng lẫy
Bằng những công trình còn sắt thép ngổn ngang
Những công trình giống như tuổi thanh niên
Chưa hoàn chỉnh nhưng đó là hy vọng.
(Viết cho mình và những người con gái khác)
Và nhà thơ ước được đổi nghề thì sẽ làm nghề xây dựng: Với nghề kia tôi luôn được bắt đầu/Mùi vôi vữa bao giờ cũng mới.
Từ đó chủ thể trữ tình trong thơ Xuân Quỳnh đã xác lập cho mình vị thế thách thức người khác giới. Một sự đòi hỏi: Anh hãy là đầm sen/Anh hãy là phượng đỏ (Tháng Năm). Một sự mời gọi lên đường như trong bài thơ "Em có mang theo gì đâu" viết năm 1970 tại Vĩnh Giang (Vĩnh Linh, Quảng Trị) khi Xuân Quỳnh đi thực tế vào tuyến lửa. Bài thơ triển khai một ý thơ hay. Em lên đường không mang gì theo, để lại cho anh tất cả phố phường với bao kỷ niệm. Nơi em đến là miền đất mới, chưa có gì kỷ niệm của hai ta. Tưởng như bài thơ chỉ nói chuyện nhớ nhung đôi lứa khi cách xa. Bất ngờ Xuân Quỳnh đặt anh-người đàn ông vào một "nước bí" buộc phải vùng ra, lên đường:
Em gửi lại cho anh tất cả
Nhưng em biết là anh chẳng đủ
Anh lại thiếu những miền đất đỏ
Những con đường hôm nay em qua
(Em có mang gì theo đâu)
Có lên đường mới biết không cần đến "cơn mưa không phải của mình". Đó là cơn mưa trời sau khi con người đã tự làm nên cơn mưa của mình bằng cách đào giếng lấy nước trên đảo đất khô cằn.
Có hai hình ảnh mang tính biểu tượng có thể thâu tóm Xuân Quỳnh trong tư cách con người và phụ nữ: đó là Sóng và Chuồn chuồn. Hai hình ảnh do chính bà tạo ra trong thơ mình. Sóng đã được bàn đến nhiều, được trích dẫn nhiều trong các đề thi nhà trường, dù như đã nói là cách hiểu về sóng của Xuân Quỳnh vẫn thường là hời hợt. Còn chuồn chuồn thì rất ít người nhớ tới và nói tới. Sinh vật nhỏ nhoi này chỉ được nhà thơ nói tới duy nhất một lần nhưng là trong hẳn một bài thơ "Chuồn chuồn báo bão".
Xưa nay phụ nữ vẫn được ví với "phận mỏng cánh chuồn". Và trong tự nhiên nghịch lý thay con vật nhỏ bé mỏng manh đó, mà nhà thơ ví là mỏng manh như tình yêu, lại thường là tín hiệu báo trước giông gió -chuồn chuồn báo bão. Nhưng khi cơn bão đất trời nổi lên thì chuồn tránh vào đâu? Nhưng khi cơn bão cuộc đời nổi lên thì người tránh vào đâu? Có phải bằng bài thơ này Xuân Quỳnh như đã vận phận chuồn vào phận mình. Bão nổi nhận chìm mặt đất trong mưa, muôn vật đều tìm chỗ tránh trú. Còn chuồn?
Mỏng manh thế chịu làm sao nổi
Chuồn chuồn ơi báo làm chi bão tới
Trời bão lên rồi mày ở đâu?
(Chuồn chuồn báo bão)
Một câu hỏi run rẩy dữ dội trong một bài thơ nhẹ nhàng dữ dội của một Xuân Quỳnh hiền lành dữ dội từ nửa thế kỷ trước vẫn còn dội mãi đến nay và ngày sau. Ấy vậy mà lâu nay người đọc thơ bà cứ bị đóng khung cái nhìn vào một Xuân Quỳnh dịu êm và lặng lẽ. Chúng ta chưa đủ dữ dội để hiểu được con sóng êm và cánh chuồn mỏng của Xuân Quỳnh chăng?
• Tất cả thơ dẫn trong bài này lấy từ tuyển thơ: Xuân Quỳnh. Không bao giờ là cuối, Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2011.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.