Ông Trần Thiện Hải, người vừa tái đắc cử chức Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP, cho biết: nhiệm vụ trọng tâm được VASEP đặt ra đầu tiên trong nhiệm kỳ mới là giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, với mục tiêu giảm ít nhất 30% thủ tục và chi phí.
VASEP đề nghị Bộ NN&PTNT bỏ một số quy định không hợp lý như: Quy định phải đăng ký kiểm dịch đối với thủy sản đông lạnh nhập khẩu phục vụ cho chế biến xuất khẩu (vì ở nhiệt độ - 18 độ C không còn nguy cơ gây dịch bệnh cho người và động vật); xem xét giảm bớt các thủ tục, quy định về tài chính, hải quan, thuế, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… rườm rà, không cần thiết, thậm chí không khả thi, nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí giá thành, nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Với những rào cản về thương mại và kỹ thuật mà các nước nhập khẩu đặt ra ngày càng nhiều với yêu cầu ngày càng cao, VASEP có hướng giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Chúng ta phải đối mặt thôi. Mấy năm qua, VASEP cùng doanh nghiệp và các ban ngành đã đối phó rất tốt với 2 vụ kiện chống bán phá giá tôm và cá ở thị trường Mỹ, cũng như đang có những động thái tích cực để bảo vệ con cá của mình trước Đạo luật Farm Bill.
Những quy định nào bất hợp lý thì chúng ta kiên trì chống lại. Nhưng những yêu cầu nào đúng, tiến bộ thì chúng ta phải tuân theo như quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, về việc cấm các loại kháng sinh, hóa chất có hại trong thủy sản của các nước...
Hiện nay giá cá basa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đều giảm mạnh, bình quân giảm khoảng 1 USD/kg. Về vùng nuôi thì cả tôm và cá đều thiếu nguồn nguyên liệu, mất mùa do hạn hán, dịch bệnh. Vậy có thể đạt được mục tiêu đề ra trong năm nay là kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,5 tỷ USD?
- Cá basa hiện giảm giá nhưng có nhiều dự báo cuối năm sẽ tăng giá. Còn giá tôm đang tăng rất tốt. EU suy giảm kinh tế nhưng nhu cầu thị trường châu Mỹ, Nhật, Hàn Quốc không ngừng tăng lên. Thị trường Trung Quốc cũng đang tốt lên. Về vùng nuôi, tôm thẻ chân trắng nhiều nơi bị mất mùa, người nuôi cá nhỏ lẻ có giảm bớt nhưng sản lượng nuôi tại các doanh nghiệp lại tăng lên. Thời tiết hiện đang dịu đi, hứa hẹn vụ tôm sắp tới sẽ cho sản lượng cao.
Nhìn chung toàn thị trường, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 5 tháng đầu năm không giảm so với năm 2009. Còn sản lượng xuất khẩu thì tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi tin ngành thủy sản sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Nguyên nhân nào khiến giá cá basa xuất khẩu giảm và biện pháp khắc phục của VASEP?
- Giá cá giảm phần lớn do kinh tế thế giới chưa thực sự hồi phục hay như EU đang suy giảm kinh tế. Ngoài ra, còn do sản lượng chúng ta xuất khẩu nhiều quá. Sắp tới, chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng lại cung cầu của con cá basa, theo hướng giảm bớt sản lượng xuất khẩu mặt hàng nguyên liệu, gia tăng các mặt hàng có giá trị cao.
Ngay sau khi được thành lập, Ban chấp hành mới đã gửi ngay kiến nghị gồm 12 điều lên Bộ NN&PTNT, trong đó có đến 7 điều là những kiến nghị cải cách thủ tục hành chính.
Muốn giá tăng, chỉ có một giải pháp là tăng chất lượng. VASEP sẽ phối hợp với Bộ NN & PTNT cùng chính quyền và nông dân các tỉnh xây dựng và thực hiện chương trình áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về nuôi thủy sản bền vững (như Global GAP, ACC, ASC hoặc tương đương) cho toàn bộ các vùng nuôi cá tra trước năm 2015, như một nội dung chính của Đề án Phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL, đưa cá tra thành loài thủy sản đầu tiên trên thế giới hoàn toàn thực hiện tiêu chuẩn nuôi bền vững.
Giá cá giảm còn do một nguyên nhân khác là các DN của ta trong thời gian qua không đoàn kết, cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua tranh bán, tạo kẽ hở cho đối tác ép giá. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Đó là một thực tế nhức nhối mà chúng tôi đang cố gắng khắc phục. Tôi không dám nói là sẽ hết hoàn toàn nhưng chắc chắn sẽ giảm bớt, vì với tình hình khó khăn như hiện nay, nếu không có sự liên kết với nhau sẽ không tồn tại được.
Xin cảm ơn ông.
Ngọc Minh (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.