Cái biển xe xanh không có lỗi

Bùi Thanh Hải Thứ bảy, ngày 24/12/2016 08:33 AM (GMT+7)
Tôi từng không ít lần chứng kiến những trường hợp tài xế xe biển xanh rút điện thoại ra gọi cho một ai đó rồi dí vào tai cảnh sát giao thông “bắt” nghe xong rồi ung dung lên xe phóng đi. Có người còn thậm chí rút thẻ “kim bài” và cũng được đi ngay.
Bình luận 0

Tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam 2016, ông Trần Ngọc Sơn - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai đã “dũng cảm” kiến nghị nên thống nhất một loại biển số xe, không phân biệt xe gắn biển xanh hay biển trắng.

Gọi là “dũng cảm” bởi người đưa ra đề xuất hiện đang công tác tại một cơ quan Nhà nước và cũng không ít lần đi công tác, đi thực thi công vụ bằng xe biển số xanh.

Theo ông Sơn, việc để xe đeo biển số xanh, biển trắng, biển đỏ lưu thông trên đường đang tạo ra sự “không bình đẳng” đối với những người tham gia giao thông khác.

Cái sự “không bình đẳng” giữa các màu biển số xe khi lưu thông trên đường không hề được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định 109/2009/NĐ-CP đã có quy định những trường hợp xe lưu thông trên đường được coi là “xe ưu tiên”. Đó là xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp. Bên cạnh đó, xe của lực lượng cảnh sát giao thông dẫn đường cũng được hú còi ưu tiên.

img

Một chiếc xe biển xanh gây tai nạn rồi bỏ chạy giữa phố ở Hà Nội.

Theo đó, các xe ưu tiên không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, kể cả khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang đỏ và chỉ phải tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Tuy nhiên, khi làm nhiệm vụ các xe ưu tiên phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định. 

Như vậy, trong các trường hợp trên, không hề có quy định ưu tiên cho xe biển xanh. Trên lý thuyết xe biển xanh lưu thông vượt quá tốc độ quy định hay lấn vạch, vượt đèn đỏ đều bị xử phạt như các phương tiện khác đang tham gia giao thông.

Nhưng trên thực tế, trên đường, xe biển xanh hay còn gọi là xe công thường được “bơ”. Điều này dẫn đến sự “không bình đẳng” giữa xe biển trắng với xe công. Chính người đứng đầu Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) là Thiếu tướng Trần Sơn Hà cũng đồng tình với kiến nghị của ông Sơn.

Vấn đề đặt ra là liệu rằng việc bỏ màu xanh, đỏ trên những chiếc biển xe có phải là cách hữu hiệu nhất để những bác tài xế xe công chấp hành tốt luật lệ giao thông? Liệu những người thường ngồi xe công, khi chuyển sang xe biển trắng có tuân thủ hơn hiệu lệnh của cảnh sát giao thông cũng như các quy định khác khi lưu thông trên đường?

img

Xe biển trắng vi phạm giao thông thường bị xử nghiêm hơn?

Cá nhân tôi e là không. Tôi từng không ít lần chứng kiến những trường hợp tài xế xe biển xanh rút điện thoại ra gọi cho một ai đó rồi dí vào tai cảnh sát giao thông “bắt” nghe xong rồi ung dung lên xe phóng đi. Có người còn thậm chí rút thẻ “kim bài” và cũng được cho đi ngay.

Màu sắc biển số xe không có lỗi. Ở đây, những người ngồi sau vô lăng xe công tự lúc nào đã cho mình quyền “được ưu tiên” khi lưu thông trên đường. Còn lực lượng làm nhiệm vụ xử phạt vi phạm như cảnh sát giao thông chẳng hạn vẫn còn một bộ phận nể nang hay ngại “đụng chạm” đã vô tình dung túng cho những vi phạm nếu có với mức độ cao hơn của tài xế xe biển xanh, biển đỏ. 

Việc có sự “không bình đẳng” giữa xe biển xanh với xe biển trắng, không công bằng giữa xe công với xe tư thật ra xuất phát từ chính ý thức con người. Ý thức của cả những người ngồi trên xe biển xanh, lẫn lực lượng thực thi công vụ. 

Luật pháp bất vị thân - dù bất kỳ ai vi phạm giao thông cũng phải bị xử lý bình đẳng, công bằng như nhau và chỉ có như thế câu chuyện xóa bỏ biển trắng, biển xanh mới đi vào thực chất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem