Nấm tràm được người dân ở đây “chớp thời cơ” bởi vòng đời của nó quá ngắn, mưa ít khó mọc, mưa nhiều khó sống. Vì điều đặc biệt đó, chúng tôi quyết băng rừng tìm nấm.
Chỉ cần một chiếc xe máy, chiếc giỏ xách và vài ba dụng cụ trang bị đơn giản khác, các bạn có thể trải nghiệm một ngày săn đặc sản nấm tràm đầy thú vị
Theo chân chị Nguyễn Thị Thúy (SN 1987, xã Kỳ Hoa, TX Kỳ Anh), người đã có kinh nghiệm hái và kinh doanh nấm tràm gần 4 năm nay mới thấm được cái nghề tưởng đơn giản nhưng lắm công phu này.
Trải qua gần 10 km đường rừng sau mưa, vòng vèo qua vài ba chỗ rừng nhưng vẫn chưa tìm ra “manh mối” về nấm tràm, chị Thúy chia sẻ: “Không phải cứ đến chỗ mình thường hái trước đây là hôm sau đi sẽ có. Cái nghề hái nấm này kiểu như chơi trò trốn tìm vậy. Tràm thì nhiều nơi có nhưng không phải rừng tràm nào cũng có nấm. Có khi đi cả buổi trời cũng chưa tìm ra …”.
Phải vượt gần 10 km đường rừng, chị Thúy mới tìm ra chỗ có nấm tràm
Nấm tràm ở Kỳ Anh thường xuất hiện nhiều vào tầm tháng 8 dương lịch và chỉ kéo dài trong vòng hơn 1 tháng. Theo như kinh nghiệm của chị Thúy, muốn xác định chỗ có nhiều nấm, điều đầu tiên phải dựa vào thời tiết. Đó là khi trời đang hanh khô, bỗng chuyển mưa liên tục vài ngày đủ thấm ướt vùng đất có cây tràm sinh sống. Đặc biệt, với kiểu thời tiết đêm mưa ngày nắng, là lúc thuận lợi cho những búp nấm tràm đội lớp lá nhô lên.
Nấm tràm mọc nhiều ở những cây tràm lớn, vùng trồng tràm lâu năm, vùng đất ẩm thấp có lớp lá không quá dày. Lá tràm rụng che gần kín mặt đất, chỉ cần cào nhẹ lớp lá sẽ phát hiện những búp nấm đang “nấp” bên dưới. Hiện ở Kỳ Anh chỉ có những vùng tràm ở xã Kỳ Trung, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh) là có nhiều nấm.
Những búp nấm tràm nhú lên sau trận mưa lớn vừa qua, phải khá tinh mắt mới nhận ra sau lớp lá ẩm dưới mỗi gốc cây
Từ lúc mới nhú khỏi mặt đất, nấm chỉ sống được 1 - 2 ngày, nên sau đợt mưa là người dân phải tranh thủ đi hái để không phải bỏ lỡ món quà tuyệt vời của thiên nhiên.
Khi phát hiện một cây nấm thì ngồi xuống dùng móc cào lá xung quanh, móc trong các gốc cây gần đó, vì nấm thường mọc gần nhau, có khi là cả vạt. Nấm mọc thành từng chùm, nấm mọc riêng từng cây, nấm nở có, nấm búp có...
Những cây nấm màu tím nhạt dễ lẫn với màu lá sẫm của cây tràm nên cũng phải tinh mắt mới phát hiện ra.
Theo chị Thúy, cây nấm tràm xuất hiện cách đây khá lâu nhưng để người ta biết ăn và săn lùng nhiều thì chỉ mới khoảng chừng 4-5 năm nay. Cũng vì thế, cứ tới mùa, nhiều hộ dân đổ xô lên rừng hái nấm, vừa để có thực phẩm tươi ngon vừa kiếm thêm thu nhập.
“Riêng gia đình tôi, cả hai vợ chồng, thêm hai người bà con, cứ đi một ngày khắp các khu vực rừng tràm ở cả thị xã và huyện, cao điểm có khi được 40-50 kg, lúc ít nhất thì cũng gần 30 kg. Mỗi kg nấm tràm được bán với giá 40-45.000 đồng, có ngày kiếm được hơn triệu đồng”, chị Thúy nhẩm tính.
Khi những cơn mưa đầu mùa ở Kỳ Anh bắt đầu nặng hạt, người dân lại đổ xô vào rừng hái nấm tràm
Năm nào cũng vậy, khi những cơn mưa đầu mùa Kỳ Anh bắt đầu nặng hạt, người dân lại đổ xô vào rừng hái nấm tràm. Có người đi hái nấm vì kế sinh nhai nhưng cũng có người đi chỉ vì niềm vui và niềm vui ấy mỗi năm chỉ đến một lần. Theo chị Thúy, tính ra phải có tầm 200 người trên địa bàn đi tìm nấm.
Với giá tiền từ 40.000-45.000 đồng/kg, nấm tràm trở thành đặc sản giúp nhiều hộ dân có thêm thu nhập mỗi ngày. (Trong ảnh, chị Thúy đang cân nấm cho khách đặt online)
Nhiều người “nghiện” các món ăn từ nấm tràm. Chị Nguyễn Thị Thu Trang (TDP Hưng Lợi, TX Kỳ Anh) chia sẻ: “Như năm ngoái tôi còn chưa ăn được vì thấy nó khá đắng, nhưng ăn quen đâm ra nghiền món này. Có khi mấy ngày liền món nấm tràm đều xuất hiện trên mâm cơm nhà tôi, lúc thì xào, lúc thì nấu canh. Nhiều lúc tới chợ người ta con giành nhau mua về trữ đông vì mùa nấm rất ngắn”.
Nấm tràm có thể chế biến thành nhiều món, từ xào cho tới nấu canh, rất dễ gây nghiền sau vài lần nếm thử...
“Muốn thưởng thức thứ đặc sản này đúng điệu, thì khi nấm hái về phải qua thêm khâu làm sạch hết sức công phu: cạo lớp bẩn quanh thân nấm, cắt bỏ phần chân, sau đó rửa lại nhiều lần cho sạch rồi luộc qua với muối. Xong rồi có thể chế biến ăn ngay hoặc trữ trong tủ mát được cả tuần, nếu muốn để lâu thì cho vào ngăn đông của tủ lạnh”, chị Thúy chia sẻ.
Thu Trang (Báo Hà Tĩnh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.