Hơn 800 xã đã được bố trí công an chính quy
Từ năm 2012, Bộ CA đã có chủ trương tăng cường CA chính quy xuống làm CA xã cho các địa phương, đặc biệt là những xã được xác định là trọng điểm, phức tạp về ANTT. Đến thời điểm hiện tại, theo các nhà chuyên môn, đây là một xu hướng, là giải pháp an toàn giúp lực lượng CA thêm bám sát và nắm bắt tình hình ANTT cơ sở tốt hơn. Thực tế, việc thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng CA xã hiện nay vẫn còn đang được kiến nghị ở mức độ hợp lý. Bất cập lớn nhất là điều kiện đảm bảo hoạt động cho lực lượng này còn nhiều hạn chế. Ở một số địa phương, không hiếm gặp tình trạng cán bộ CA xã xin nghỉ việc vì lương không đủ sống.
Chủ trương tăng cường CA chính quy xuống làm CA xã của Bộ CA đã giúp lực lượng CA tăng cường nắm bắt tình hình, mọi di biến động của tình hình ANTT địa phương, nhất là những địa bàn được xác định trọng điểm, phức tạp.
Tại Hà Nội, từ năm 2016, CA TP.Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm, bố trí CA chính quy đảm nhiệm chức danh trưởng CA tại các xã trọng điểm phức tạp về ANTT. Sau hơn một năm thực hiện, đến nay, đề án đã bước đầu đạt được những hiệu quả nhất định. Đại tá Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc CA TP.Hà Nội cho biết, khi Bộ CA có chủ trương đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho CA Hà Nội trong việc đưa CA chính quy xuống xã bám dân, bám sát cơ sở, đảm bảo ANTT ngay tại cơ sở.
Bộ trưởng Bộ CA đề nghị đưa Luật CA xã vào Luật CAND sửa đổi và cho biết, lực lượng CA sẽ chính quy hóa lực lượng CA xã nhưng không tăng biên chế, hoàn toàn chỉ là sắp xếp, điều chỉnh trong nội bộ (ảnh minh họa). H.K
Theo đánh giá sơ kết một năm đưa CA chính quy xuống 13 xã trọng điểm về ANTT tại Hà Nội, tình hình ANTT tại các xã đã tốt hơn. Việc phòng ngừa tội phạm tốt, có tác động răn đe tội phạm; các hồ sơ thiết lập đối với người vi phạm cũng tốt hơn, chuẩn hơn, đảm bảo yếu tố pháp luật và nghiệp vụ…
Tại các tỉnh phía Nam, chủ trương đưa CA chính quy về làm CA xã được các địa phương triển khai hiệu quả. Tỉnh Cà Mau có 44 xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về ANTT đã được bố trí CA chính quy. Lãnh đạo CA tỉnh Cà Mau khẳng định, sau 6 năm triển khai thực hiện chủ trương của Bộ cho thấy đây một giải pháp quan trọng, góp phần chuyển hóa các địa bàn phức tạp thành ít phức tạp và an toàn về an ninh, trật tự.
Không lo chuyện lạm quyền
Theo báo cáo tổng kết 6 năm thực hiện chủ trương xác định, công nhận và bố trí CA chính quy tại xã trọng điểm, phức tạp về ANTT của Bộ CA, đến đầu năm 2018, 38/63 CA địa phương đã bố trí CA chính quy đảm nhiệm các chức danh CA xã hoặc phó - trưởng CA xã ở 828 xã. Trong số hơn 800 xã đã được bố trí CA chính quy đảm nhiệm các chức danh, có 747 xã trọng điểm, phức tạp về ANTT với tổng số 1.290 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 693 trưởng CA xã, 367 phó trưởng CA xã và 230 CA viên.
|
Ngay từ năm 2016, khi dự thảo Luật CA xã được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến đề nghị nên quy định theo hướng chính quy hóa lực lượng CA xã để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Việc quy định chính quy hóa lực lượng CA xã được cho là để bảo đảm cho lực lượng này thực hiện hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến quyền con người, quyền công dân cũng như để bảo đảm đầy đủ các điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đối với CA xã.
Ngày 23.5.2017, khi thảo luận tại Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018, Bộ trưởng Bộ CA Tô Lâm cũng đã đề nghị đưa Luật CA xã vào Luật CAND (sửa đổi): “Hiện tại luật quy định lực lượng CA gồm 4 cấp: Cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, nhưng Luật CA xã lại quy định CA xã chỉ là bán chuyên trách. Xu hướng chung là 4 cấp này phải chuyên trách. Lực lượng CA sẽ chính quy hóa lực lượng CA xã nhưng không tăng biên chế, hoàn toàn chỉ là sắp xếp, điều chỉnh trong nội bộ”.
Trung tá Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ CA) cũng cho biết, việc tăng cường CA chính quy về xã là chủ trương của Bộ CA trong việc cơ cấu, tổ chức lại bộ máy. Theo trung tá Lan, mục tiêu của Bộ CA trong chủ trương này là “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Với mục tiêu này, vai trò của lực lượng CA cấp xã hiện nay thực tế chưa thực sự phát huy được hiệu quả, do vậy để đảm bảo xã bám cơ sở dẫn đến nhu cầu tăng cường lực lượng CA chính quy về bám cơ sở. Trung tá Lan nhận định, đây là chủ trương phù hợp với mục tiêu tăng cường hiệu quả lực lượng CA cấp cơ sở, đây là lực lượng gắn bó trực tiếp với đời sống của người dân. Trong địa bàn cấp xã, năng lực trình độ của cán bộ CA cũng có một hạn chế nhất định, dẫn đến có những cách thức giải quyết công việc chưa hợp lý, hiệu quả công việc chưa cao, tăng cường là để giải quyết việc này.
Về ý kiến lo sợ lực lượng CA xã được giao nhiều nhiệm vụ sẽ lạm quyền, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ CA) nhận định, việc lạm quyền thì trước khi đưa CA chính quy về đảm nhiệm các chức vụ cấp xã, việc này vẫn có nơi diễn ra. Lý giải cho những hành vi này, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược cho rằng, do trình độ chuyên môn và thời gian dành cho nhiệm vụ của lực lượng CA xã ít, họ là lực lượng bán chuyên trách, được đào tạo vừa phải, có thể vừa làm ruộng, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh địa bàn nên khó tránh khỏi việc lạm quyền. “Khi đưa CA chính quy về xã thì việc lạm quyền sẽ được hạn chế. Bởi vì, các cán bộ chính quy được đào tạo bài bản, nắm chắc luật pháp, đã được thử thách, rèn luyện nên không có chuyện lạm quyền” - Tướng Cương nhận định.
Còn theo trung tá Lan: “Thực ra mục đích của đợt điều động, tăng cường CA chính quy về đợt này là để đảm bảo hiệu quả công việc cũng như công tác nắm địa bàn, nắm tình hình ANTT ở cơ sở tốt hơn. Không thể nói chuyện lạm quyền hay không lạm quyền, vì các cán bộ đều đã là những người có chuyên môn, nghiệp vụ, chắc chắn phải làm theo quy định”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.