“Thu phí” và “thu giá”: Đừng “đánh võng” câu chữ với dân

Trương Châu Hữu Danh Thứ tư, ngày 23/05/2018 11:51 AM (GMT+7)
Mấy ngày qua, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh ghép Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cùng các trạm thu phí BOT,... những rổ giá (đỗ) và phát biểu "BOT rất nóng nhưng là sản phẩm của giai đoạn (nhiệm kỳ) trước" của ông.
Bình luận 0

Vài tháng nay, giá đất cặp tỉnh lộ 830 (Long An) tăng lên 2 - 3 lần. Đất trong các khu, cụm công nghiệp của hai huyện Bến Lức và Đức Hòa thuộc tỉnh này cũng tăng lên. Lý do là con đường cũ dài 24km với 2 làn xe, tốc độ rùa bò được nâng lên thành 4 làn, tốc độ 80km, có dải phân cách cứng. Song song với đường này còn có 2 con đường khác là tỉnh lộ 10 và Kênh Bo Bo nên dân có thể lựa chọn đường để đi.

Thế nhưng, "hạt sạn" của cả tuyến đường khiến giới tài xế thắc mắc chính là từ "thu giá" chứ không phải thu phí. Tài xế Huỳnh Bửu Long - người góp phần làm "vỡ trận" BOT Cai Lậy đã có buổi tranh luận với ông Nguyễn Văn Cường - Chủ đầu tư dự án về hai chữ "thu giá".

Tài xế Long nói rằng, anh rất ủng hộ các dự án BOT đúng nghĩa, nhưng rất bực bội khi những dự án này bỗng dưng ghi là "thu giá". Trong khi đó,ông Nguyễn Văn Cường lý giải: "Tôi làm ăn đàng hoàng nên không ngại từ thu phí. Nhưng nếu ghi "thu phí" thì Bộ GTVT sẽ phạt. Họ bắt buộc phải ghi là thu giá. Ngay cái biển cấm dừng quá 5 phút, tôi cũng dở bỏ vì nhìn rất phản cảm. Riêng từ thu giá thì không được phép ghi khác".

img

Hình ảnh cánh tài xế dùng "giá đỗ" để trả "giá BOT"  như thế này có lẽ chỉ xuất hiện ở Việt Nam (ảnh HD)

Hôm qua, ngay thời điểm “thu giá BOT” đang nóng bỏng trên khắp các diễn đàn, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội , Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết việc điều chỉnh là dựa theo Nghị định của Chính phủ Việt Nam. Ông cũng khẳng định rằng “Chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT không có gì khác mà chỉ là linh động hơn rất nhiều... ". Sự “linh động” này, vẫn theo cách nói của ông, có thể chính là vì "Khi chuyển qua giá, giá sẽ được để cân đối theo phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua HĐND sẽ rất chậm”.

Hóa ra, chỉ vì để linh động hơn trong việc có thể tùy ý điều chỉnh thu phí BOT, người ta đã cố tình “đánh võng” câu chữ, tự ý đổi từ “thu phí” sang “thu giá”- vốn là một từ không được ghi trong tự điển Việt Nam.

Ngay sau phát biểu của ông Thể, người dân khắp nơi bày tỏ thái độ không hài lòng. Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh ông Thể, trạm BOT, và... giá đỗ. "Thu giá thì chúng tôi trả giá. Muốn mấy rổ cũng có" - tài xế Đỗ Thanh Tao viết trên trang cá nhân. Đi kèm những phản ứng là những ảnh chế, đa số cười cợt và phản ứng cách mà Bộ GTVT dùng "uyển ngữ" để đối phó với dân.

Rất nhiều dự án BOT lâu nay được dân đồng tình như cao tốc Long Thành - Giầu Dây, cao tốc Trung Lương  - TPHCM, cũng bị gom chung "thu giá", bỗng dưng phản cảm vì bị buộc ghi bằng cụm từ vô nghĩa. Giới tài xế cho rằng, họ hoàn toàn có quyền lựa chọn khi đi trên các dự án này, và Bộ GTVT cũng phải cho nhà đầu tư được chọn tên thu giá hay thu phí. Bởi, ghi thu giá chỉ làm cho người dân coi thường thêm mà thôi.

Tài xế Huỳnh Bửu Long hiện là thạc sĩ, bác sĩ thú y, sống bằng nghề sản xuất thiết bị chăn nuôi, đã chuẩn bị hàng chục quyển từ điển để trang bị cho các tài xế. Anh phản biện rằng: "Tên 'thu giá' không nằm trong từ điển tiếng Việt. Cái tên này áp dụng cho trường hợp trạm BOT càng vô nghĩa hơn. Vì xe qua trạm BOT phải trả tiền theo luật phí là lệ phí, nhưng ở Việt Nam thì chưa có luật về giá. Vậy thì 'thu giá' là gì?

“Cánh tài xế chúng tôi chả ai hiểu. Việc tạo ra từ này là một dạng đánh tráo khái niệm. Vì có lẽ họ muốn tránh dùng chữ “phí” để người dân không có cảm giác bị thu phí chồng phí. Vì trên thực tế chúng tôi đã phải đóng phí đường bộ rồi, nay lại phải đóng thêm phí qua trạm BOT", tài xế Long nhấn mạnh.

Tâm tư của tài xế Huỳnh Bửu Long có lẽ cũng là tâm tư của giới tài xế khắp miền Tây Nam Bộ, thậm chí của cả nước. Những phản ứng tiêu cực bằng cách trả "giá (đỗ)” mà giới tài xế đang dùng để “ứng phó” với "thu giá" đương nhiên là chuyện không nên, nhưng có lẽ cũng là vấn đề cần được các cơ quan chức năng nhìn nhận nghiêm túc.

Có thể, phát triển các dự án BOT sẽ vẫn còn nhiều gút mắc cần sự tháo gỡ cả về cơ chế, chính sách lẫn điều chỉnh về phương thức quản lý, hoạt động, điều hành từ chính các doanh nghiệp tham gia. Nhưng việc Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, sau khi cam kết “sẽ giải quyết ổn thỏa vấn đề BOT” lại hồn nhiên tuyên bố "BOT rất nóng nhưng là sản phẩm của giai đoạn trước" thực khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên, khó hiểu.

Không biết ý ông là của giai đoạn nào, và ông có phải chỉ là người “thừa hành” hay không nhưng rõ ràng từ BOT Cai Lậy cho đến gần 20 dự án BOT khác, đều có chữ ký của ông - thời làm Thứ trưởng Bộ GTVT. Ngay cả dự án BOT quốc lộ 30 đang làm thì bị hủy trên chính quê hương Đồng Tháp của ông cũng do một tay ông ký duyệt rồi ký hủy.

Chốt lại, dù BOT là sản phẩm của giai đoạn trước hay giai đoạn này thì mục đích của “thu giá” hay “thu phí” cuối cùng vẫn là một.

Xin đừng “đánh võng” câu chữ, đừng dùng “uyển ngữ” với dân, thưa Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem