Ứng dụng thông minh “thiểu năng trí tuệ”

Thứ bảy, ngày 16/12/2017 06:18 AM (GMT+7)
Mấy hôm rồi thấy báo in, điện tử, truyền hình ca ngợi rần rần việc hàng loạt đơn vị ở TP.HCM đưa các ứng dụng thông minh vào bộ máy hành chính để giúp dân… đỡ mệt. Nghe qua, thấy cũng mừng, bởi có hàng loạt việc chỉ cần nằm nhà gác chân “ngắm” điện thoại thông minh cũng biết và giải quyết được tất. Ấy vậy mà có trải nghiệm mới thấy “đau” và hụt hẫng.
Bình luận 0

Đầu tiên là chuyện quận Bình Thạnh cho rằng từ nay địa phương này sẽ “xử đẹp” người chiếm vỉa hè trong tích tắc bằng ứng dụng Bình Thạnh trực tuyến. Bây giờ người dân Bình Thạnh mỗi khi nhắc đến ứng dụng này lại nở nụ cười… mỉm, vì vỉa hè Bình Thạnh đang bị đánh chiếm tràn lan, dân bức xúc điện thoại, gửi tin lên ứng dụng thông minh nhiều nhưng xử chẳng bao nhiêu.

img

Đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, nước ngập mênh mông từ 17 giờ 30 phút nhưng ứng dụng chống ngập thông minh cập nhật rất trễ, lúc đã hết ngập.

Kế đến là chuyện sở Giao thông vận tải ra mắt ứng dụng chống kẹt xe tương đối hiệu quả, công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM – cũng tung ra ứng dụng cung cấp các điểm ngập nước và tình hình triều cường. Tuy nhiên, ứng dụng vốn có khoảng 10.000 lượt tải xuống này lại gây ra sự bực tức cho người dân hơn là tiện lợi.

Cụ thể, trong đợt triều cường đỉnh điểm mới đây, đường Nguyễn Văn Linh, đoạn giáp quận 8, quốc lộ 50, đoạn qua huyện Bình Chánh và nhiều điểm khác bị ngập, nhưng ứng dụng vẫn không thông báo. Hay đi ngang đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, chứng kiến cảnh nước ngập mênh mông từ 17 giờ 30 phút, nhưng lên ứng dụng chống ngập thông minh này chẳng thấy báo, nhiều người khi thoát khỏi điểm ngập về nhà tắm rửa, cơm nước xong mới thấy ứng dụng cập nhật.

Hay nhất là chuyện lý giải về sự chậm trễ của ứng dụng này, một  quản trị viên nói là do hiện tại dữ liệu ngập chưa được tự động hoá, mà hoàn toàn phụ thuộc vào nhân viên trực vận hành. Ứng dụng vẫn phụ thuộc vào nhân viên trực mưa, trực hệ thống..., như vậy thì thông minh nỗi gì?

Chạy đua làm ứng dụng thông minh, ngày 30.11.2017, sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM cũng công bố ứng dụng thông minh “Thông tin quy hoạch”. Thử nhấp vào mục tìm kiếm theo toạ độ, bản đồ trực tuyến xác định chính xác vị trí khu đất, số thửa, thấy hiện trên bản đồ giấy dạng scan.

Tuy nhiên, để biết được nhà mình có nằm trong lộ giới hay không hoặc quy hoạch như thế nào, người xem nhất thiết phải có kiến thức chuyên ngành, còn không coi như mù thông tin. Tại sao trên bản đồ không có ghi chú cụ thể để người bình thường vẫn có thể xem? Là một người sử dụng, ai cũng dễ dàng nhận thấy bản đồ quy hoạch chỉ tiện hơn tấm bản đồ treo ở UBND các địa phương, là chỉ cần mở trên máy tính, chứ đều khó hiểu như nhau.

TP.HCM đang hướng tới là một đô thị thông minh, vì vậy, nếu đã làm phải tạo ra được các ứng dụng thực sự thông minh chứ đừng làm cho dân bực. Làm vậy người ngoài nhìn vào dễ có suy nghĩ “đang có cuộc chạy đua” làm ứng dụng thông minh cho oách, cho sang chứ thực sự cái lõi thì lại quá thủ công.

Anh Giang (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem