Vụ Vũ "nhôm": Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng

PV Thứ sáu, ngày 20/04/2018 12:17 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp, người phát ngôn của Thanh tra Chính phủ cho biết, việc thanh tra toàn diện dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, Đà Nẵng hiện đã kết thúc thanh tra trực tiếp.
Bình luận 0

img

Phối cảnh dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, Đà Nẵng (IT).

Trước đó ngày 6.12.2017, tại Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra toàn diện dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước và việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án trên bán đảo Sơn Trà. “Đến nay Thanh tra Chính phủ đã kết thúc thanh tra trực tiếp hai nội dung nêu trên và đang kết luận”, ông Lĩnh nói và cho biết thêm, khi kết luận xong còn trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.

img

Bị can Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm - ảnh IT).

Ông Lĩnh cũng khẳng định, thông tin hồ sơ thanh tra dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước đã được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra là không đúng. “Những nội dung liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) chúng tôi cũng không chuyển mà báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, ông Lĩnh cho hay.

Ông Lê Hồng Lĩnh cho biết thêm, liên quan đến khu vực Đa Phước có những dự án khác nhau. Cách đây hơn 5 năm trong thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thanh tra một số dự án đầu tư có liên quan đến việc quản lý sử dụng đất, Thanh tra Chính phủ đã kết luận nội dung liên quan đến sân golf Đa Phước.

Thanh tra Chính phủ kết luận cụ thể như sau: “Khu đất 29 ha thuộc dự án sân golf Đa Phước giao cho Công ty CP 79 thấp hơn giá thành phố Đà Nẵng quy định làm lợi cho Công ty CP 79 là trên 570 tỷ đồng”.

Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra nêu trên, Đà Nẵng đã lập tức “phản pháo” lại toàn bộ nội dung trong thông báo kết luận. Người ký văn bản phản hồi này là ông Văn Hữu Chiến, lúc đó là Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (hiện nay đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can).

Liên quan đến dự án sân golf Đa Phước, UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, kết luận của Thanh tra Chính phủ không có cơ sở. UBND TP. Đà Nẵng lý giải: Ngày 16.11.2006, Công ty TNHH Daewon Cantavil và UBND TP. Đà Nẵng ký Thỏa thuận nguyên tắc đầu tư dự án Khu đô thị phức hợp sân golf Đa Phước, cụ thể trên cơ sở giá thu tiền mặt nước được thống nhất trước đây là 300.000 đồng/m2 và đơn giá thu tiền thuê đất 0,1USD/m2/năm. Trong Thỏa thuận nguyên tắc này giao quyền sử dụng đất cho một Công ty Việt Nam liên doanh với Công ty Daewon với diện tích là khoảng 29ha với đơn giá là 300.000 đồng/m2.

Dự án này Nhà nước giao mặt nước cho chủ đầu tư, chủ đầu tư phải bỏ ra 100% chi phí để làm kè, san lấp mặt bằng nên việc thành phố thu tiền sử dụng đất với giá 300.000 đồng/m2 là phù hợp với giá thị trường tại thời điểm.

Đơn giá 300.000đ/m2 mặt nước với điều kiện nhà đầu tư phải bàn giao cho Thành phố khoảng 25 ha đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thuộc dự án Khu đô thị Đa Phước để Thành phố xây dựng khu vực công ích công cộng với chi phí phải bỏ ra khoảng 5 triệu USD. Theo giá đất hiện hành của thành phố thì giá trị của khu đất 25ha này là 988 tỷ đồng.

Như vậy, đối với khu đất 29ha, ngoài đơn giá giao mặt nước là 300.000đ/m2 thì giá trị thu được đối với 25ha nêu trên được phân bổ cho khu 29ha, theo đó tiền sử dụng đất 01m2 là 3.407.000đ/m2 (988 tỷ đồng/29ha).

UBND thành phố khẳng định giá đất giao cho Công ty Daewon là giá mặt nước. Ngoài ra, việc thu tiền sử dụng đất thực tế cho 1m2 của khu đất 29ha là 3.707.000đ/m2 (3.407.000đ/m2 + 300.000đ/m2). Đây là đơn giá tiền sử dụng đất mà thực tế Thành phố được hưởng lợi với khu đất 29ha đã giao cho Công ty Daewon với đối tác là doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tế thành phố thu và hưởng lợi được là 1.075 tỷ đồng (988 tỷ đồng + 87 tỷ đồng), cụ thể: 988 tỷ là số tiền hưởng lợi từ 25ha và 87 tỷ là tiền thu mặt nước của 29ha. 

Theo ông Lê Hồng Lĩnh, lúc đó ông Văn Hữu Chiến ký văn bản phản bác lại kết luận thanh tra là không có giá trị. Bởi theo quy định, chỉ có Thủ tướng Chính phủ mới có ý kiến phản biện.

Ngày 18.4.2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79), Quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc DAB) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015, liên quan đến hành vi chiếm đoạt 200 tỷ đồng của DAB.

Trước đó, tháng 12.2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có quyết định khởi tố bị can Phan Văn Anh Vũ  và phát lệnh truy nã trên toàn quốc. Đối tượng này khi bỏ trốn đã vi phạm Luật di trú của Singapore và bị trục xuất. Ngày 4.1.2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 7.2.2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với bị can Phan Văn Anh Vũ về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 để điều tra, làm rõ toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của Phan Văn Anh Vũ và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn TP Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem