Hai đợt điều chỉnh giá xăng dầu hồi tháng 4.2018 đã khiến nhiều ngư dân vô cùng lo lắng. Theo tính toán của các ngư dân tỉnh Quảng Nam, thời điểm tháng 4.2018, giá dầu tăng thêm 700 đồng/lít khiến chi phí nhiên liệu tăng chóng mặt, thêm 3 triệu đồng mỗi chuyến biến. Trong vòng hơn 1 năm qua, giá dầu đã tăng thêm tới 3.000 đồng/lít, đồng nghĩa với việc chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến biển đã đội lên 12 triệu đồng.
Đó là chưa kể, xăng dầu tăng giá kéo theo hàng loạt mặt hàng khác như lương thực, thực phẩm, gas, các nhu yếu phẩm khác… tăng “phi mã” khiến giá thành sản xuất ngày càng tăng. Trong khi đó, nguồn lợi thủy sản ngày càng có nguy cơ cạn kiệt.
Từ đầu năm đến nay, nhiều chuyến biển của ngư dân bị lỗ do giá nhiên liệu tăng. Ảnh: T.L
Nhiều ngư dân cho biết, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng khiến chuyến biển nào của bà con cũng lỗ. Theo thống kê của Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), tổng sản lượng khai thác của hơn 800 phương tiện của ngư dân các tỉnh miền Trung neo đậu tại cảng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 20.000 tấn, giảm 82 tấn.
Đơn cử như tàu cá của ngư dân Nguyễn Hậu ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng), trong số 6 chuyến biển từ đầu năm đến nay, anh bị lỗ 3 chuyến. Nguyên nhân do giá xăng dầu tăng trong khi sản lượng khai thác giảm đáng kể.
Thống kê cho thấy, nếu giá xăng dầu ở mức hợp lý, chi phí cho một chuyến ra khơi của ngư dân giảm đáng kể. Các ngư dân cho biết, nếu giá dầu diesel giữ ở mức 10.200 đồng/lít như hồi năm 2016 thì chi phí nhiên liệu cho một chuyến ra khơi của ngư dân giảm khoảng 50%.
Chính vì vậy, việc đánh thuế bảo vệ môi trường ở mức cao nhất trong khung thuế suất hiện hành với tất cả các sản phẩm xăng dầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất của nông dân, tác động đến người tiêu dùng. Bởi khi tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ buộc các doanh nghiệp vận tải phải tăng giá cước.
Trong khi đó, cước vận chuyển đang là một trở ngại lớn đối với việc lưu thông hàng hóa nông sản. Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc chuỗi cửa hàng Big Green (Hà Nội) cũng thừa nhận: Cước vận chuyển đang là một cản trở lớn với mặt hàng hoa quả, ước tính chiếm từ 15 – 30% giá thành sản phẩm. “Để đảm bảo độ tươi ngon cho nhiều mặt hàng hoa quả, chúng tôi phải vận chuyển bằng đường máy bay từ miền Nam ra Hà Nội, và đương nhiên giá thành bị đội lên rất nhiều lần” - ông Hưng nói.
Đơn cử, với thanh long ruột đỏ, phí vận chuyển bằng đường hàng không đã khiến giá chênh tới 14.000 đồng/kg. Tương tự, mặt hàng dâu tây vận chuyển bằng đường không ra Hà Nội cũng tăng chi phí lên 35%. Điều này khiến cả nông dân và doanh nghiệp đều thiệt thòi vì lợi nhuận của nông dân giảm trong khi doanh nghiệp cũng khó tiêu thụ sản phẩm nếu cứ phải bán ở mức giá “trên trời”.
Thực tế, khi giá xăng, dầu chưa tăng, chi phí vận tải, nhiên liệu đã chiếm đến 30 – 35% trong giá thành sản xuất, vì vậy khi giá nhiên liệu tăng, chắc chắn các doanh nghiệp phải tăng cước. Khi đó, việc tiêu thụ của nông dân không dễ dàng và người tiêu dùng phải mua với giá đắt.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, tác động của giá xăng dầu đến nông nghiệp là vô cùng khủng khiếp. Ước tính thu nhập ròng từ nông nghiệp trong năm 2018 của Mỹ sẽ giảm 8,3% so với năm 2017, xuống 59,5 tỷ USD. Con số này giảm 55% so với năm 2013. Nguyên nhân một phần do giá xăng dầu tăng.
Tại Việt Nam, trong vòng 1 năm qua, giá xăng dầu đã tăng tới 10%, thông thường khi giá xăng dầu tăng 5%, các doanh nghiệp vận tải đã tính đến việc điều chỉnh giá cước, trong khi mức tăng bây giờ đã là 10%, nếu không điều chỉnh sẽ khó có doanh nghiệp nào chịu được.
Các chuyên gia đánh giá, với quyết định mới này về giá xăng dầu, từ sản xuất nông nghiệp đến các ngành nghề khác chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng vì đây là mặt hàng thiết yếu đời sống. Rất có thể một mặt bằng giá mới sẽ được hình thành trong tương lai không xa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.