20 năm chưa làm được 20km của tuyến metro số 1, TP.HCM nên xem xét những vấn đề trước mắt

Vũ Quyền Thứ hai, ngày 31/07/2023 20:13 PM (GMT+7)
Ông Đỗ Ngọc Long, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng trong 20 năm TP.HCM mới làm được gần 20km metro số 1. Như vậy mỗi năm làm khoảng 1km, TP.HCM không nên vì những thứ chưa hình thành mà bỏ qua việc giải quyết những vấn đề trước mắt.
Bình luận 0

20 năm TP.HCM chưa làm được 20km của tuyến metro

Trong buổi tọa đàm "Kết luận 49 và Nghị quyết 98 - Cơ hội, thách thức cho đường sắt đô thị TP.HCM", do Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM (MAUR) tổ chức chiều 31/7, ông Hoàng Ngọc Tuân, quyền Giám đốc Ban Chuẩn bị đầu tư thuộc MAUR, cho biết theo Quyết định 568 mà Thủ tướng đã phê duyệt, TP.HCM có 8 tuyến metro và 3 tuyến đường sắt nhẹ, với tổng chiều dài là 219,6 km.

Hiện nay, hai tuyến metro số 1 và metro số 2 ở TP.HCM đang triển khai. Trong đó, metro số 1 trị giá là 2,49 tỷ USD do Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế của Nhật Bản (JICA) tài trợ; tuyến metro số 2 trị giá 2,13 tỷ USD, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) tài trợ.

20 năm chưa làm được 20km của tuyến metro, TP.HCM nên xem xét những vấn đề trước mắt - Ảnh 1.

Tuyến metro số 1 ở TP.HCM sắp đưa vào vận hành. Ảnh. Vũ Quyền.

Theo ông Tuân, hiện nhiều tuyến metro khác đang kêu gọi đầu tư và đã có sử dụng nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, các dự án metro đang triển khai tại TP.HCM hiện nay đã sử dụng vốn ODA xuất hiện một số đặc điểm chung, như tiến độ triển khai rất chậm, phụ thuộc về công nghệ, kỹ thuật... Trong khi đó, việc vay ODA ngày càng khó khăn.

Hiện tổng mức đầu tư toàn mạng lưới metro của TP.HCM khoảng 25,89 tỷ USD, với tổng chiều dài là 219,6km. Trong khi đó, kết luận 49-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị yêu cầu TP.HCM phải hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035. Như vậy, còn khoảng 12 năm để TP.HCM  hoàn thành các tuyến đô thị còn lại với khoảng 200km.

Ông Tuân cho rằng, kết luận 49 là cơ hội lịch sử cho ngành đường sắt của TP.HCM, tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của đất nước... Đặc biệt, Nghị quyết số 98/2023/QH15 vừa được Quốc hội thông qua có một số điểm nổi bật, như thí điểm mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư) và việc phát hành trái phiếu Chính phủ, chính quyền địa phương vay vốn được tổ chức tại trong nước để huy động nguồn vốn đầu tư.

20 năm chưa làm được 20km của tuyến metro, TP.HCM nên xem xét những vấn đề trước mắt - Ảnh 2.

Tuyến metro số 2 đang được triển khai. Ảnh: Vũ Quyền.

Tuy nhiên, việc này cũng có nhiều thách thức, bởi trong 20 năm qua TP.HCM mới làm được 19,7km của tuyến metro số 1. Trong khi để hoàn thành 200km còn lại, chỉ còn 12 năm. Như vậy bước chuẩn bị dự án khoảng 4-5 năm, bước thực hiện dự án khoảng 7-8 năm.

"Đây là một thách thức lớn, nếu tiếp tục tiến hành như tình trạng hiện nay sẽ không thể thực hiện được mục tiêu. Yêu cầu này đặt ra cho TP.HCM phải có một cách tiếp cận, cách làm hoàn toàn mới, đột phá và khác biệt", ông Tuân nói.

Từ những khó khăn, hạn chế của thực trạng các tuyến metro trước đó, ông Tuân cho hay MAUR đã nhận diện được 5 lĩnh vực phải gấp rút, triển khai đồng thời để có thể hoàn thành được mục tiêu trên. Trong đó gồm quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; nguồn lực tài chính; thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai; tiêu chuẩn, giải pháp về công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị; mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực.

Nên xem xét về TOD cho tuyến metro số 1 trước

Ông Đỗ Ngọc Long, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho hay báo cáo của MAUR có những cái mới trong cách tiếp cận vấn đề đối với các tuyến metro của TP.HCM.

Tuy nhiên, theo ông Long, TP.HCM trong vòng 20 năm mới làm được gần 20km đường metro, như vậy mỗi năm làm khoảng 1km, trong khi đặt vấn đề thách thức 200km đến năm 2035, là một vấn đề rất lớn.

Quốc hội đã cho Nghị quyết 98, trong đó, có vấn đề thí điểm mô hình TOD cũng như cơ chế huy động vốn đầu tư, đây là cơ hội. 

20 năm chưa làm được 20km của tuyến metro, TP.HCM nên xem xét những vấn đề trước mắt - Ảnh 3.

Một đoàn tàu của tuyến metro số 1 chạy thử. Ảnh: Vũ Quyền.

Ông Long lưu ý phải tiếp cận vấn đề một cách tổng thể, tức là phải xem xét một dự án mang tính cả một hệ thống. Từ đó, mới xác định được vai trò của  hệ thống metro và sắp xếp được thứ tự, cái nào ưu tiên trước, cái nào ưu tiên sau để thủ tục, trình tự đầu tư được rút ngắn.

MAUR cũng cần lưu ý đâu là cái mục tiêu ngắn hạn để tạo đà thực hiện mục tiêu dài hạn. Hiện nay, tuyến metro số 1, số 2 đã hình thành, phải triển khai xem có thể tạo được TOD từ đó không. Đó là mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu trước mắt.

"Để làm TOD thì phải có những tuyến đường hấp dẫn. Ví dụ TP.HCM tuyến metro số 1 chiếm lợi thế rất hiệu quả, hai bên có nhiều khu dân cư. MAUR nên tham mưu để TP.HCM tiến hành những công tác khảo sát thực tế, lựa chọn có thể TOD ở khu nào, đáp ứng mục tiêu trước mắt, không thể cái đang có thì không xem mà đi xem những cái chưa hình thành", ông Long nói.

Đồng thời, TP.HCM nên xem xét trong tổng thể mạng lưới metro, tuyến nào có thể phát huy được vai trò như tuyến metro số 1, nếu không thì nên xem xét điều chỉnh quy hoạch để phát huy TOD.

Việc tính toán việc kết nối sân bay quốc tế Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất cũng được gợi ý cho TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem