21 thiếu nữ xinh đẹp hóa "nữ quan" làm lễ tế Tổ Mẫu Âu Cơ
Video: Tế nữ quan trong Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ năm 2024.
Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ là nơi thực hành chủ yếu của Tín ngưỡng thờ mẫu Âu Cơ - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ được biểu hiện và thực hành qua nhiều hình thức, trong đó, tập trung nhất vào việc tổ chức thờ cúng Mẫu Âu Cơ và các con, cháu của Mẫu từ ngày 7 đến ngày 9 tháng Giêng hằng năm.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là một di sản văn hóa đặc trưng của người Việt với đầy đủ các biểu tượng, huyền thoại, ký ức, giá trị, nghi lễ và truyền thống. Được ra đời và tồn tại trên vùng Đất Tổ, gắn liền và phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ và bọc trăm trứng; thể hiện niềm tin của người dân nước Việt vào nguồn cội thiêng liêng, cao quý của dân tộc đã hình thành nên tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, góp phần củng cố sự tồn tại của biểu tượng dân tộc.
Ngày 26/5/2023, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 1071/QĐ-UBND công nhận điểm du lịch văn hóa Đền Mẫu (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) là điểm du lịch văn hóa cấp tỉnh với quy mô diện tích 82.213m2.
Nhân dịp Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, ngày 14/2 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận điểm du lịch văn hóa đền Mẫu Âu Cơ và Khai hội Đền Mẫu Âu Cơ xuân Giáp Thìn năm 2024.
Việc tổ chức Lễ hội Đền mẫu Âu Cơ là thể hiện niềm tôn kính của các thế hệ con cháu Lạc Hồng đối với Tiên Tổ đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi. Trở về với Đền Mẫu Âu Cơ là thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống, đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam "Uống nước nhớ nguồn". Đây cũng là dịp, là nơi để con dân bách Việt hướng về cội nguồn, để cùng nhau đoàn kết, vượt qua mọi gian nan, thử thách, nỗ lực phấn đấu, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước văn minh giàu đẹp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.