"Vẫn còn những nhà báo chai lì cảm xúc"

Hải phong (thực hiện) Chủ nhật, ngày 21/06/2015 07:23 AM (GMT+7)
Có nhiều ý kiến đánh giá là chưa bao giờ đạo đức báo chí xuống cấp như hiện nay. Nhà báo lão thành Hữu Thọ trong một hội thảo tổ chức gần đây đã đưa ra nhận định: “Uy tín của báo chí chưa bao giờ giảm sút như bây giờ”. 
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên NTNN, TS Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ thêm:

"Điều đó không phải cá nhân tôi, hay cá nhân nhà báo Hữu Thọ đã nói rất trúng, mà nhiều người cũng nhận ra. Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo về vấn đề đạo đức nhà báo, tầm cỡ quốc gia và khu vực. Là người công tác tại một đơn vị có trách nhiệm bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên là các nhà báo, tôi thấy đó là thực trạng đáng buồn.

Đáng buồn hơn nữa là chúng ta đã báo động điều này cả chục năm nay rồi. Tôi nhớ, tại Hội nghị về công tác báo chí cuối năm 2007, ngay lúc đấy nhiều lãnh đạo cơ quan quản lý, cơ quan báo chí đã cảnh báo về sự xuống cấp của đạo đức báo chí, nhận diện cả những vi phạm, đưa ra cả nguyên nhân, đề xuất giải pháp, kiến nghị…

img
Việc đào tạo, bồi dưỡng đạo đức cho người làm báo cần được thực hiện kỹ lưỡng ngay từ khi còn là sinh viên (ảnh minh họa: Triển lãm ảnh “Tôi làm báo của sinh viên khoa Báo chí  Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh).  Ảnh: PHI CÔNG

Báo động thế mà giờ tình trạng vẫn không giảm. Tôi thấy có những nhà báo dường như chai lì cảm xúc, chai lì trước dư luận xã hội. Rồi tình trạng nhà báo mang thư bạn đọc đi đe dọa, tống tiền một cách tinh vi, việc bé xé ra to. Rồi tình trạng một số phóng viên thường trú tại một số địa phương lớn rủ nhau “đánh hội đồng”. Đây là chuyện có thật, tôi được nghe Ban Tuyên giáo một số thành ủy, tỉnh ủy phàn nàn.

Mà sự xuống cấp về đạo đức, đáng buồn hơn theo tôi lại xuất hiện ở một bộ phận nhà báo trẻ tại một số tờ báo, trang tin điện tử. Báo điện tử thời gian qua phát triển nhanh, nhưng chất lượng không đều, có nhiều báo chủ yếu sao chép của báo khác, bỏ qua quy trình làm báo thông thường. Đáng sợ hơn, nhiều nơi còn chủ đích cứ đưa thông tin lên để “câu view” đã, sai thì gỡ sau, hoặc cố tình rút tít giật gân, sai bản chất vụ việc. Nhiều người mắc bệnh chai lì cảm xúc, biết là sai nhưng vẫn cố tình làm.

Ông có từng nghe nói tới chuyện một số tờ báo điện tử chủ trương đưa tin “đánh” doanh nghiệp, đơn vị (thậm chí cả thông tin không kiểm chứng). Nếu doanh nghiệp muốn gỡ thông tin đó xuống thì phải trả tiền, rất nhiều tiền. Thậm chí có những tờ báo có bảng giá để gỡ bài?

- Về chuyện này tôi không có bằng chứng, cũng chưa nghe thông tin để kiểm chứng. Nhưng việc đưa tin lên, sau đó lại gỡ xuống thì “khoảng trống đó” là cả một vấn đề cần phải xem xét. Từ lúc đưa tin lên đến lúc gỡ xuống là cả một câu chuyện. Câu chuyện đó có thể như anh nói, có thể còn hơn thế nữa. Và theo tôi, trường hợp như vậy cũng có khả năng xảy ra và không có gì lạ lùng cả. Như thế, người ta đã lạm dụng quyền lực của báo chí, sử dụng vị thế mà nghề báo trao cho anh để mưu lợi. Điều đó cũng rất tệ hại.

Nhân đây tôi cũng kể một câu chuyện mà tôi biết. Có người của một tờ báo điện tử gọi điện cho doanh nghiệp X để xin quảng cáo, nhưng không được đồng ý. Liền sau đó, tờ báo này cho PV tìm kiếm, lục lại hồ sơ, mấy ngày sau cho đăng bài “Lật lại hồ sơ đen của doanh nghiệp X”. Nói “hồ sơ đen” là do doanh nghiệp đó mấy năm trước có gặp rắc rối về pháp luật, nhưng đã giải quyết xong. Giờ người ta đã khép lại quá khứ, lãnh đạo mới, làm ăn nghiêm túc, nhưng báo vẫn cứ đưa như vậy. Theo tôi, đó là một thứ tiểu xảo rất thấp kém, thậm chí là một kiểu tống tiền doanh nghiệp.

Phải chăng sự phát triển quá nóng của báo điện tử đã tạo ra một thế hệ nhà báo chai lì cảm xúc trước những thông tin mình đưa, sẵn sàng từ bỏ sự thật chỉ để câu view, thưa ông?

- Nếu nói nguyên nhân do sự phát triển quá nóng của báo điện tử thì không hẳn đúng. Yếu tố chính theo tôi vẫn là con người. Nếu phân tích kỹ sẽ thấy có 3 yếu tố chính. Thứ nhất đúng là do sự phát triển nhanh của báo điện tử, vì thế lãnh đạo các cơ quan báo chí đó đã tạo ra áp lực cạnh tranh quá lớn cho phóng viên của mình (ví dụ như tin, bài phải có bao nhiêu view mới được trả nhuận bút). Thứ hai, do quan niệm làm báo điện tử quá dễ dãi, bỏ qua những quy tắc chuẩn mực của báo chí truyền thống, quy trình thu thập, xử lý thông tin, quy trình xuất bản quá dễ dàng, kiểm chứng thông tin không có. Cứ viết, sai thì rút xuống, trong khi báo in, báo hình, phát thanh không thể như vậy. Anh đề ra một quy trình dễ dãi để dễ cạnh tranh thông tin hơn, thế nên cũng dễ vi phạm hơn. Thứ ba, theo tôi một phần là do chính sự dễ dãi của bạn đọc của báo điện tử, làm người viết dễ dãi theo.

Chúng ta vẫn luôn nói không có báo chí tư nhân, nhưng thực tế có một số tờ phụ trương, trang tin điện tử do tư nhân thao túng. Và chính sự sơ hở trong khâu quản lý đã làm gia tăng sự vi phạm đạo đức của các nhà báo, thưa ông?

Quan điểm
img
TS Trần Bá Dung
 Đáng buồn nữa là nhiều người làm báo bằng cách bịa ra những câu chuyện để câu khách. Đã có những trường hợp bị phạt nặng về vi phạm này. Ngoài ra, còn có dạng bịa tinh vi nữa là bịa ra tình huống nghiệp vụ: Không nói chuyện với người A, chỉ gọi điện thoại hỏi một câu là hôm sau trên báo có cả một cuộc phỏng vấn dài với người đó, trong đó có những câu mà người A không hề trả lời PV báo đó. Bịa như vậy cũng là điều rất tệ hại trong nghề nghiệp. 
Cái này không có gì mới vì không chỉ báo điện tử mà báo in cũng vậy?

Tại các hội nghị báo chí toàn quốc, nhiều người cũng đã nói rồi. Chúng ta không có báo chí tư nhân, nhưng rõ ràng một số tờ phụ trương, chuyên đề báo in, báo điện tử, kênh truyền hình đã bị tư nhân núp bóng và điều hành. Việc bán cái của báo in đã diễn ra khoảng 20 năm nay rồi, từ khoảng năm 1995-1996, từ hồi tôi làm Tổng Biên tập Tạp chí Sinh Viên (thuộc Bộ GDĐT) đã có người trả tiền để tôi “bán cái” tạp chí, nhưng tôi không đồng ý. Nhiều nơi, tổng biên tập chỉ trên danh nghĩa, còn quyền hành do tư nhân thao túng. Và khi tư nhân nhúng tay quá sâu vào quy trình làm báo thì sai phạm là khó tránh khỏi.

Vậy việc đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện đạo đức của nhà trường, Hội Nhà báo, các cơ quan chủ quản có bị buông lỏng khiến tình trạng đạo đức báo chí bị xuống cấp nghiêm trọng như bây giờ?

- Nói một cách sòng phẳng thì không đổ lỗi cho một bên nào cả. Không thể đổ lỗi cho nhà trường, vì bản thân sinh viên trong quá trình học tập cũng được học, được nghe các giảng viên dạy, nhà báo nói chuyện về đạo đức nghề nghiệp. Nhà trường cũng chỉ đào tạo anh trong 4 năm, sau đó anh làm nghề cả đời, như vậy cơ quan báo chí, môi trường bên ngoài có tác động tới anh nhiều hơn. Nhiều khi môi trường có những cám dỗ, kích thích ham muốn cá nhân khiến nhà báo vi phạm đạo đức.

Nói chung, tuyệt đại bộ phận nhà báo chúng ta là tốt, được công chúng tin cậy, nhưng đạo đức nghề báo hiện nay là có vấn đề, rất có vấn đề. Tôi chỉ dám đưa ra một lời khuyên nhỏ với các nhà báo trẻ: Các bạn hãy cố chiến thắng bản thân. Nếu ai quan niệm làm nghề báo để làm giàu, để giàu nhanh thì không nên làm báo nữa, vì như vậy rất dễ vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Làm báo là hoạt động văn hóa, chính trị, nên cần phải liên tục trau dồi kiến thức, trong đó có cả văn hóa ứng xử. Một nhà báo giỏi là một nhà văn hóa sâu sắc. Không nên nghĩ mình là nhà báo là bề trên thiên hạ, đe ai nẹt ai cũng được. Nghề báo dù vinh quang nhưng cũng chỉ là một nghề như bao nghề khác trong xã hội mà thôi!

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem