39 năm đã đi qua, kỷ niệm xưa đã nằm yên trong một vùng ký ức. Nhưng cứ đến những ngày này, NSND Trung Anh lại không nguôi nhớ về những người đồng đội của mình.
Nam nghệ sỹ kể: "Năm 1982, khi chúng tôi vừa xong kỳ báo cáo tốt nghiệp lớp diễn viên sân khấu tại Nhà hát Kịch Việt Nam được 8 ngày thì lên đường nhập ngũ bảo vệ biên giới phía Đông Bắc. Nhập ngũ với tôi thời điểm đó có 3 đồng nghiệp khác là Trọng Trinh, Quốc Khánh và Đỗ Kỷ. Cả 4 chúng tôi đều học chung một lớp. Chúng tôi tập trung ở Gia Lâm 3 ngày, sau đó hành quân lên huấn luyện ở Trúc Bài Sơn, Hải Hà, Quảng Ninh. Khi đó, tôi và Kỷ 21 tuổi, anh Trinh 25 tuổi, Quốc Khánh trẻ nhất, 20 tuổi".
Thời điểm chúng tôi nhập ngũ, tiếng súng đạn vẫn đì đòm ở biên giới phía Bắc. Kể cả lúc chúng tôi ra quân thì tiếng đì đòm đó vẫn còn, chỉ có phần ít hơn thôi. Thật lòng là lúc đó dù ai cũng non trẻ nhưng chúng tôi không hề biết sợ là gì, không ai nghĩ gì về sống chết. Ai cũng hừng hực khí thế mong được chung tay bảo vệ biên cương Tổ quốc mình".
Theo nghệ sỹ Trung Anh, thời kỳ đầu bước vào quân ngũ, việc thay đổi môi trường sống khiến lứa diễn viên trẻ mới ra trường như anh gặp không ít khó khăn. Năm đầu tiên, các anh khá vất vả vì phải trải qua một kỳ huấn luyện đầy gian khổ. Năm thứ hai có phần đỡ hơn vì đơn vị cho tham gia một số hội diễn văn nghệ toàn quân nên công tác huấn luyện cũng được giảm bớt.
"Tuy nhiên, thực tế là sau khi ra quân, chúng tôi nhận thấy 2 năm trong quân ngũ đã cho mình rất nhiều thứ. Sự chịu đựng, sự can trường, sự quyết tâm… Những ngày tháng đó làm chúng tôi thay đổi nhiều, không chỉ trong lối sống mà cả suy nghĩ của mình về cuộc đời. Tôi nghĩ, tất cả chúng tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Sau này, tôi may mắn được làm phim về người lính cũng khá nhiều. Và chính những năm tháng trong quân ngũ đã cho mình hiểu sâu sắc hơn về người lính để khi nhập vai có sự chân thật nhất", Trung Anh kể.
Nam nghệ sỹ gốc Hà Tĩnh bộc bạch thêm rằng, hồi đó, vì anh được đi cùng nghệ sĩ Trọng Trinh, Quốc Khánh và Đỗ Kỷ - những người bạn cùng lớp ở Nhà hát Kịch Việt Nam nên vui nhiều hơn buồn. Những năm tháng đó, cả 4 người đã có không biết bao nhiêu kỷ niệm mà đến bây giờ ôn lại ai cũng nhớ rõ mồn một.
"Tôi còn nhớ, thời điểm đó mọi thứ rất khó khăn và thiếu thốn. Vì thế, chuyện lâu ngày không được ăn thịt nên nhiều đồng chí trong đơn vị người bị phù lên diễn ra khá thường xuyên. Có một lần, đơn vị quyết định thịt một con lợn cho anh em cải thiện thì ăn xong rất nhiều người bị tiêu chảy vì lâu quá không được ăn thịt.
Rồi chúng tôi ở trong đội bóng của đơn vị nên trước khi ra sân thường được tiêm một liều B12 để tăng cường sức khoẻ. Nhưng dần dần thuốc B12 cũng hết nên chỉ những người chủ công mới được ưu tiên tiêm một liều. Nhóm chúng tôi hiện vẫn còn giữ được bức ảnh chụp khi lần đầu tiên được ra khỏi đơn vị sau mấy tháng huấn luyện. Để chụp được bức ảnh này, cả 4 thằng phải đi bộ 8km từ đơn vị ra thị trấn. Bức ảnh này Trọng Trinh còn giữ được và chúng tôi chụp lại lưu làm kỷ niệm để nhớ về một thời khoác áo lính", Trung Anh xúc động.
Đến đầu năm 1984, khi đang đứng gác cổng thì Trung Anh thấy một chiếc xe ô tô đi đến. Trong xe là nghệ sĩ Lân Bích, người của Hãng Phim truyện Việt Nam. Anh phấn khởi reo lên: "Vui quá được gặp chú. Chú đến có việc gì thế ạ?". Nghệ sĩ Lân Bích trả lời: "À, chú lên xin lãnh đạo đơn vị cho các cháu (4 anh em) đi làm phim. Phim này cô Bạch Diệp làm, chủ đề chiến tranh, tên phim là "Trừng phạt". Trong phim có 4 nhân vật về quân đội, các cháu mới ra trường, nhưng được rèn luyện hai năm trong quân đội thì chắc có kinh nghiệm diễn xuất về bộ đội nên chú đến xin các cháu về".
Nghệ sĩ Lân Bích làm việc xong với lãnh đạo đơn vị thì quay ra bảo cần phải hoàn thành một số thủ tục khác nữa. Ít lâu sau, ông quay lại đón cả 4 người đi làm phim 3 tháng, trong đó, 2 tháng quay ở Thuận An, 1 tháng quay ở Huế. Bộ phim có sự góp mặt của rất nhiều tên tuổi gạo cội của Nhà hát Kịch Việt Nam lúc bấy giờ như: Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Hà Văn Trọng...
Cuối năm 1984, do có nhiều thành tích và nhu cầu từ các đơn vị nghệ thuật, 4 người được cấp trên cho phép ra quân sớm hơn dự định để phục vụ công tác biểu diễn. Những ngày tháng trong quân ngũ không chỉ rèn luyện cho Trung Anh ý chí vượt khó mà còn cho anh tinh thần kỷ luật. Đến bây giờ, dù làm bất cứ việc gì nam nghệ sỹ cũng không bao giờ đi muộn.
Hằng năm, cứ đến ngày 8/9, 4 nghệ sĩ lại cố gắng thu xếp công việc để đến gặp mặt đồng đội năm xưa nhân kỷ niệm ngày nhập ngũ. Những buổi gặp gỡ đó luôn tràn ngập tiếng cười và cả những cảm xúc lắng đọng. Ký ức một thời vì thế không hề nhạt phai mà còn đậm nét hơn bởi họ trong tâm tưởng họ luôn có những góc riêng dành cho đồng đội, cho màu xanh áo lính.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.