7,4 triệu tỷ tiền gửi tiết kiệm: Nhiều ngân hàng vẫn "âm thầm" tăng lãi suất tiết kiệm

H.Anh Thứ bảy, ngày 22/05/2021 11:01 AM (GMT+7)
Mặc dù tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng lớn, nhưng nhiều ngân hàng vẫn đang "âm thầm" điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Riêng ba "ông lớn" Vietcombank, Vietinbank và BIDV đang nắm 44% trong tổng số 7,4 triệu tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm khách hàng tính đến cuối tháng 3/2021 đứng ngoài cuộc đua lãi suất lần này.
Bình luận 0

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tháng 5 lãi suất huy động trung bình tại các ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ 0,02 - 0,03% đối với cả 2 kỳ hạn 6 và 12 tháng.

Đáng nói, diễn biến tăng lãi suất huy động VND chủ yếu tới từ nhóm ngân hàng có vốn hóa nhỏ (quy mô dưới 5.000 tỷ đồng), với mức tăng 0,06% ở cả 2 loại kỳ hạn.

7,4 triệu tỷ tiền gửi tiết kiệm: Ngân hàng nhỏ "âm thầm" tăng lãi suất tiết kiệm, 3 "ông lớn" ngó lơ

Thống kê của Dân Việt cho thấy, biểu lãi suất tiết kiệm của một số ngân hàng đã nóng trở lại kể từ đầu tháng 5. Đơn cử như tại SHB, lần điều chỉnh này đưa lãi suất cao nhất của ngân hàng này lên 6,6%/năm đối với tiền gửi online hoặc gửi tiết kiệm tự động từ 36 tháng trở lên.

Với tiền gửi tiết kiệm dưới 2 tỷ đồng trong kỳ hạn từ 1-3 tháng tại SHB, lãi suất dao động từ 3,4 - 3,7%/năm thay vì mức 3,35 - 3,5%/năm như trước đó; 

Tiền gửi kỳ hạn 6 - 9 tháng cũng nhích tăng từ mức 5 - 5,2%/năm lên thành 5,2 - 5,4%/năm.

7,4 triệu tỷ gửi tiết kiệm: Ngân hàng nhỏ “âm thầm” tăng lãi suất tiết kiệm, VietinBank, Vietcombank và BIDV “ngó lơ” - Ảnh 1.

Biểu lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 5/2021

Tương tự, PG Bank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại nhiều kỳ hạn trong tháng 5. 

Đối với tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ, ngân hàng điều chỉnh tăng 0,1 - 0,2 điểm % lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn từ 1 - 13 tháng. 

Theo đó, lãi suất tiết kiệm sau điều chỉnh ghi nhận trong khoảng từ 3,9%/năm đến 6,4%/năm.

Cụ thể, tiền gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 1 - 3 tháng tăng đồng loạt 0,2 điểm%, niêm yết ở cùng mức 3,9%/năm.

Lãi suất tiết kiệm niêm yết tại hai kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng cùng là 5,4%/năm, tăng 0,1 điểm % so với tháng trước.

Gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng cũng được ngân hàng điều chỉnh tăng 0,1 điểm %, lần lượt là 5,9%/năm và 6%/năm.

Vietcapital Bank tăng 0,2 điểm % lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6 tháng lên 5,9%/năm hay như tại ACB, lãi suất tiết kiệm tăng 0,05-0,3 điểm phần trăm tùy theo từng kỳ hạn.

Với các ngân hàng có yếu tố ngoại như ngân hàng Indovina Bank đồng loạt điều chỉnh tăng 0,1 điểm % cho các khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng lên niêm yết lần lượt ở các mức là 3,1%/năm và 3,2%/năm.

Trong khi đó lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 3 tháng là 3,4%/năm, tương ứng tăng 0,2 điểm %.

7,4 triệu tỷ gửi tiết kiệm: Ngân hàng nhỏ “âm thầm” tăng lãi suất tiết kiệm, VietinBank, Vietcombank và BIDV “ngó lơ” - Ảnh 2.

Trước động thái tăng lãi suất của một số ngân hàng thương mại, theo đánh giá của một số chuyên gia đây là diễn biến bình thường, tùy vào nhu cầu huy động vốn của mỗi ngân hàng ở từng giai đoạn.

Tuy nhiên, động thái tăng lãi suất tiết kiệm của một số ngân hàng kể trên chỉ mang tính chất cục bộ, chưa phải xu hướng chung của toàn ngành.

Bởi trên thực tế, nhiều ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, VIB, ACB, VPBank vẫn giữ nguyên lãi suất tiết kiệm so với tháng trước.

Đặc biệt, lãi suất tiết kiệm của 4 "ông lớn" ngân hàng là VietinBank, Agribank, Vietcombank và BIDV vẫn "án binh bất động". 

Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất tại khối ngân hàng quốc doanh này là 5,6%/năm.

Đây cũng là nhóm ngân hàng có số dư tiền gửi khách hàng cao nhất hệ thống và vẫn tăng trưởng dương trong quý I mặc dù lãi suất thấp nhất thị trường.

Thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2021 của 28 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 31/3/2021, tổng số dư tiền gửi khách hàng các nhà băng được khảo sát đạt hơn 7,41 triệu tỷ đồng, tăng 1,4% so với cuối năm ngoái.

Trong đó, BIDV đang là ngân hàng huy động được nhiều tiền gửi nhất hệ thống với gần 1,23 triệu tỷ đồng. Tiếp sau là Vietcombank và VietinBank với mức tiền gửi khách hàng lần lượt là gần 1,03 triệu tỷ và xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng.

Như vậy, chỉ tính riêng 3 ngân hàng BIDV, Vietcombank và VietinBank, lượng tiền gửi đã đạt gần 3,26 triệu tỷ đồng, chiếm gần 44% tổng số tiền gửi khách hàng của 28 ngân hàng, tăng 0,18% so với đầu năm.

Trong khi đó, tổng dư nợ cho vay khách hàng tại 3 "ông lớn" quốc doanh là BIDV, Vietcombank và VietinBank thấp hơn, với 3,1 triệu tỷ đồng tính đến hết quý I/2021.

2 ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất là BIDV, VietinBank đều có tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn mặt bằng, lần lượt tăng 1,59% và 0,18% lên mức hơn 1,23 triệu tỷ và gần 1,02 triệu tỷ đồng. Vietcombank đứng kế sau đó với 871.938 tỷ đồng, tăng 3,83%.

7,4 triệu tỷ gửi tiết kiệm: Ngân hàng nhỏ “âm thầm” tăng lãi suất tiết kiệm, VietinBank, Vietcombank và BIDV “ngó lơ” - Ảnh 4.

Huy động và cho vay khách hàng tại 3 "ông lớn" Vietcombank, VietinBank và BIDV (triệu đồng)

Lý giải cho xu hướng tăng lãi suất mang tính cục bộ, Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần lớn tại Hà Nội thì cho hay, từ đầu năm đến nay Việt Nam triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên diện rộng, cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi bình thường, vì thế nhu cầu vốn nhiều lên. Do vậy, thanh khoản ngân hàng không còn dư dả như thời điểm trước Tết.

"Những ngân hàng có quy mô nhỏ phải tính toán tăng lãi suất huy động, vì nếu tăng sớm thì ngân hàng sẽ thu hút được dòng vốn nhàn rỗi trên thị trường và chi phí bỏ ra sẽ thấp hơn. Trong khi đó, ngân hàng có quy mô lớn tính cạnh tranh cao hơn, họ đã có sẵn tệp khách hàng cho riêng mình nên kể cả nếu lãi suất huy động của những ngân hàng này có thấp hơn 0,5% thì nguồn vốn huy động vẫn đảm bảo", vị này nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank, ông Lê Đức Thọ thì cho rằng, nếu lạm phát tiếp tục được kiểm soát dưới 4% thì trong ngắn hạn lãi suất như hiện nay là rất hợp lý.

Sắp có "cuộc đua" tăng lãi suất tiết kiệm?

Nhận định về xu hướng lãi suất, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, có hai yếu tố có thể làm lãi suất tăng trong thời gian sắp tới.

Đó là, nếu tình hình kinh tế vẫn hồi phục tích cực, dịch bệnh được kiểm soát tốt và tất cả các thị trường bất động sản, thị trường vàng, chứng khoán đều phục hồi tốt thì nhu cầu vay vốn từ ngân hàng sẽ tăng cao, từ đó đẩy lãi suất huy động tăng lên để hút tiền vào, phục vụ nhu cầu cho vay.

Thêm vào đó, lạm phát tại thời điểm này có dấu hiệu rục rịch tăng, nếu chúng ta kiểm soát được lạm phát mức dưới 4% thì lãi suất cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp. Tức là có thể giữ được lãi suất thấp. Còn nếu tỷ lệ lạm phát tăng thì tới quý III, IV có thể là lãi suất sẽ tăng.

Theo tính toán của ông Hiếu, lãi suất sẽ tăng thêm 1 điểm % trong nửa cuối năm nay.

Đồng tình, các chuyên gia tại SSI Research dẫn thêm thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, SSI Research cho biết tính đến ngày 22/4/2020, tín dụng và huy động nền kinh tế tăng lần lượt là 3,61% và 2,32% so với cuối năm 2020.

Theo SSI Research, mặc dù mức tăng trưởng huy động vẫn thấp hơn tín dụng nhưng số liệu cũng được đánh giá là cao hơn khá nhiều so với mức 0, 54% tại tháng 3 năm 2021. Sự chênh lệch giữa tín dụng và huy động cũng được mở rộng hơn so với hồi cuối tháng 3.

Dự báo mặt bằng lãi suất sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong ngắn hạn do dịch bệnh làm giảm cầu tín dụng nhưng có thể nhích tăng từ đầu quý III/2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem