Bật khóc với bữa cơm ở trường quốc tế
Chị N có con học tại trường Quốc tế Việt Úc cho biết, chị thắc mắc không biết con ăn gì ở trường mà sao ngày nào đón về cháu cũng than đói bụng. Đến trưa ngày 18/9, chị và một nhóm phụ huynh đến thăm con vào giờ ăn trưa phát hiện suất cơm của con rất èo uột.
Theo đó, phần cơm có cơm trắng, ba miếng gà kho nhỏ, hai miếng cá tẩm bột và một ít su su xào cà rốt cùng canh cải, thêm một miếng dưa hấu để tráng miệng. Một số phụ huynh đã bật khóc khi nhìn thấy phần ăn của con mình.
“Con đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng phần ăn, bữa chính mà tệ thế này, làm sao đủ sức để vui chơi, phát triển chứ đừng nói đến học tập!’”, chị N bức xúc.
Sau đó, chị N cùng một số phụ huynh phản ánh vấn đề này lên đại diện nhà trường.
Trong khi đó, Trường quốc tế Việt Úc là trường có mức học phí thuộc "top" cao tại TP.HCM. Trung bình, học phí cho cấp tiểu học là hơn 155 triệu đồng/năm. Ngoài ra, phụ huynh phải đóng tiền ăn khoảng 26 triệu đồng/năm, tiền sách giáo khoa, học cụ khoảng 5 triệu đồng/năm…
Ở cấp THCS, học phí là 200 triệu đồng/năm, tiền ăn khoảng hơn 32 triệu đồng/năm trong khi học phí cho học sinh lớp 12 đến gần 425 triệu đồng/năm. Tiền ăn của học sinh cấp 3 cũng hơn 38 triệu đồng/năm.
Bữa cơm trưa của học sinh Trường quốc tế Việt Úc, ảnh do phụ huynh chụp.
Chị Nguyễn Thị Huỳnh Mai (ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM) có con học bán trú tại một trường mẫu giáo dân lập ở quận 6 (TP.HCM) chia sẻ, dù điều kiện kinh tế gia đình không khá giả nhưng các con được chăm sóc bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và đảm bảo ATTP khi ở nhà.
Hai năm nay, con trai chị Mai đi học, các bữa ăn chính trong ngày (sáng, trưa, xế chiều) đều ở trường. Nhà trường có cung cấp thực đơn hằng tuần cho phụ huynh. Con gái lớn học ở trường công lập nhưng phụ huynh không được phép vào trường kiểm tra bữa ăn hay kiểm tra bếp. Nhà trường cho rằng việc này đã có cơ quan chức năng lo! Tuy nhiên, chị Mai vẫn “”thấp tha thấp thỏm” vì con còn nhỏ, vấn đề dinh dưỡng rất quan trọng.
“Phụ huynh chỉ có thể can thiệp, phản ánh về bữa ăn nếu xảy ra ngộ độc, còn vấn đề dinh dưỡng, định lượng bữa ăn… thì rất khó nên đành phải trông cậy hết vào thầy cô ở trường”, chị Mai tâm sự.
Ai kiểm soát suất ăn trong trường học?
Bà Bùi Thị Diễm Thu – Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, số lượng học sinh sử dụng bữa ăn tại trường hiện nay là rất lớn. Hiện, bữa ăn bán trú cho học sinh ở hai bậc mầm non và tiểu học đã có tiêu chuẩn về dinh dưỡng, theo Bộ thực đơn Ajnomoto được Bộ GDĐT và Trung tâm Dinh dưỡng Trung ương thẩm định.
Theo bộ thực đơn này, một bữa ăn gồm ăn trưa và ăn xế, đầy đủ dinh dưỡng, đúng chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, khoảng 30.000 đồng/ngày. Riêng hai bậc THCS và THPT chưa có quy định cụ thể về dinh dưỡng.
Còn trong văn bản gởi các cơ sở giáo dục trên địa bàn hồi đầu năm 2019, Sở GDĐT TP.HCM yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học nếu nguyên nhân được chứng minh do trường học gây ra. Sở yêu cầu các trường chỉ lấy nguồn thực phẩm từ các đơn vị được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tuy vậy, cũng theo Sở GDĐT TP.HCM, hiện nay, một số trường học sử dụng suất ăn công nghiệp chưa kiểm soát được từng loại thực phẩm nhà cung cấp sử dụng để chế biến món ăn cho học sinh. Nhà trường cũng chưa công khai nhà cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, thực đơn hằng ngày… Phụ huynh cũng không được tham gia vào việc giám sát bữa ăn của con em mình tại trường.
“Sau vụ việc xảy ra tại Trường Quốc tế Việt Úc, Sở GDĐT đã chỉ đạo rà soát lại tình hình ở các trường, yêu cầu các trường đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh và phải công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến bữa ăn bán trú, dù là trường công lập hay trường ngoài công lập”, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết.
Suất cơm đầu tiên của năm học mới 2019 - 2020 ở trường Tiểu học Thạch Linh (Hà Tĩnh) cũng bị phụ huynh phản ứng vì quá ít thức ăn.
Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cho biết, cơ quan chức năng chỉ quản lý vấn đề ATTP, đảm bảo không xảy ra ngộ độc, nguy hại đến sức khỏe của học sinh. Việc chất lượng bữa ăn thế nào còn phụ thuộc vào khả năng kinh tế của phụ huynh ở từng trường.
Riêng về vấn đề ATTP, hiện, một số trường học tại 6 quận tại TP.HCM thí điểm tiếp nhận nguồn nguyên liệu thực phẩm được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được công nhận của thành phố, hoặc các cơ sở đạt các chứng nhận HACCP hay ISO 22000; VietGAP; GlobalGAP…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.