AMM-53: Hàng loạt quốc gia đề nghị thiết lập quan hệ đối tác với ASEAN

V.N Thứ hai, ngày 07/09/2020 18:02 PM (GMT+7)
Loạt hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lớn nhất và quan trọng nhất trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 9 - 12/9 tại Hà Nội. Các vấn đề lớn liên quan đến ASEAN như ứng phó và phục hồi sau dịch Covid-19, thiết lập quan hệ đối tác, an ninh biển sẽ được thảo luận.
Bình luận 0

20 cuộc họp bộ trưởng

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra với sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Sẽ có khoảng 20 cuộc họp cấp bộ trưởng như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53), Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với các đối tác (PMC+1) Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Canada, EU; Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10; Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn xuân Phúc sẽ dự và phát biểu tại phiên khai mạc AMM-53.

Tại cuộc họp báo chiều 7/9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết: “Với sự tham gia của 28 đoàn đến từ 4 châu lục và có sự khác nhau về thời gian, việc tổ chức và sắp xếp lịch họp là thách thức lớn với nước Chủ tịch. Tuy nhiên, Việt Nam đã cố gắng hài hòa, xử lý yêu cầu của các bên”.

Riêng trường hợp CHDCND Triều Tiên do điều kiện xa xôi và điều kiện kỹ thuật, nên Bộ trưởng Ngoại giao không trực tiếp dự, nhưng đã cử đại diện Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội tham dự họp.

AMM-53: Hàng loạt quốc gia đề nghị thiết lập quan hệ đối tác với ASEAN - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đã chủ trì các Hội nghị Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN sáng 7/9. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Về nội dung, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng thông tin: “AMM-53 sẽ rà soát tiến độ, đảm bảo triển khai các sáng kiến, ưu tiên lớn, như đánh giá giữa kỳ tầm nhìn 2020 - 2025 để trình lãnh đạo vào họp cấp cao; đánh giá việc triển khai Hiến chương ASEAN, việc treo cờ ASEAN tại công sở các nước thành viên, xây dựng  tầm nhìn sau 2025”.

Hội nghị cũng xem xét các đề xuất hợp tác ứng phó Covid-19 như thúc đẩy Quỹ ứng phó của ASEAN, Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19, thông qua điều khoản tham chiếu kho vật tư dự trữ khu vực.

Các bộ trưởng sẽ kiểm điểm và định hướng hợp tác của ASEAN với các đối tác, tăng cường ứng phó với Covid-19, thúc đẩy phục hồi, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại do ASEAN dẫn dắt, xem xét cho ý kiến về việc thiết lập các quan hệ đối tác mới. Ngoài ra, các bộ trưởng sẽ trao đổi các vấn đề quốc tế cùng quan tâm. Có 40 văn kiện được xem xét trao đổi tại các hội nghị này.

Nhiều đối tác tiềm năng

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Với vị thế vai trò ASEAN ngày càng tăng cao trên trường quốc tế, ASEAN nhận được nhiều quan tâm đề nghị thiết lập quan hệ đối tác mới. Có một số mức độ quan hệ đối tác thì ASEAN đều nhận được đề nghị trở thành đối tác: (1) Ở mức độ quan hệ đối tác đối thoại đầy đủ, Vương quốc Anh đang đề nghị thiết lập quan hệ; (2) Mức độ quan hệ đối tác đối thoại về các lĩnh vực có Maroc, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất UAE; (3) Mức độ  quan hệ đối tác phát triển có Pháp, Ý…

Ngoài ra còn có một số đề nghị gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN từ Cuba, UAE, Colombia…

Tất cả đề nghị này đang được xem xét. Ban Thư ký ASEAN sẽ giúp các nước đánh giá đối tác như thế nào, việc tham gia đem lại lợi ích gì cho cả hai bên, và các quan chức cấp cao sẽ thảo luận để trình lên hội nghị bộ trưởng.  

Các bên sốt ruột muốn nối lại đàm phán COC

Liên quan đến Biển Đông, Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là ưu tiên của ASEAN và Trung Quốc, nên Hội nghị sẽ bàn về vấn đề này. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết: "Do dịch bệnh nên đàm phán bị đình trệ một thời gian dài. Tất cả các bên đều sốt ruột. Với tính chất đàm phán COC, khó mà đàm phán trực tuyến. Gần đây đã có một số cuộc họp cấp làm việc, không đi sâu nội dung nhưng bàn cách thức làm sao nối lại đàm phán, có thỏa thuận được một số điểm về cách thức và hy vọng sớm nối lại đàm phán COC sớm".

Hội nghị cũng thảo luận các thách thức phi truyền thống ngày càng gay gắt và tìm các biện pháp ứng phó, như thách thức về Covid-19, biến đổi khí hậu, an ninh an toàn trên biển của ngư dân, ô nhiễm biển, rác thải nhựa… Đây là những nội dung ASEAN rất quan tâm.

Về kinh tế, một nội dung sẽ được thảo luận là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây là một trong những ưu tiên của ASEAN và ASEAN đang phấn đấu hoàn tất ký kết trong năm nay. Hy vọng thời gian tới, các cuộc họp bộ trưởng, nhất là bộ trưởng kinh tế sẽ hoàn thành một số nội dung hiệp định, vấn đề rà soát pháp lý… ASEAN cũng đang xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi sau Covid-19, trong đó có nội dung về chuyển dịch chuỗi cung ứng.

Kỳ vọng của Việt Nam

AMM-53 diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, thế giới xuất hiện các điểm nóng, dịch Covid-19 gây ra những làn sóng lây nhiễm mới, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới các thành viên ASEAN. Hợp tác ASEAN chịu nhiều tác động của dịch, song Việt Nam vẫn cố gắng hoàn thành cao nhất vai trò Chủ tịch, đề xuất nhiều sáng kiến xây dựng cộng đồng, đẩy mạnh hợp tác và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh kỳ vọng lớn nhất của Việt Nam trong năm Chủ tịch là những kế hoạch, ưu tiên của Việt Nam từ đầu năm đến giờ sẽ được lãnh đạo thông qua và triển khai được. Đó là những kế hoạch về xây dựng cộng đồng, quan hệ đối tác, năm nay có thêm sáng kiến ứng phó dịch Covid-19.  

"Một loạt sáng kiến đã bắt đầu hình thành, có cái bắt đầu triển khai, có cái xây dựng khái niệm, xây dựng điều khoản tham chiếu… Chúng tôi đang tích cực hoàn tất và mong sẽ kịp thời cuối năm nay hoàn tất các ưu tiên đó", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem