ASEAN không để dịch bệnh ảnh hưởng đến hợp tác quốc phòng

V.N Thứ năm, ngày 10/12/2020 10:59 AM (GMT+7)
Năm qua, các nước ASEAN vẫn triển khai hợp tác quốc phòng, quyết tâm không để dịch bệnh ảnh hưởng đến hợp tác, qua đó, nâng cao sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, góp phần duy trì hòa bình, ổn định khu vực, duy trì động lực hợp tác và vai trò trung tâm trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Bình luận 0

Ngày 9/12, tại Hà Nội, Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 14 (ADMM-14) dưới sự chủ trì của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thành công tốt đẹp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam báo cáo kết quả Hội nghị trực tuyến Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) diễn ra ngày 17/11 vừa qua. Trưởng đoàn các nước đánh giá cao kết quả Hội nghị ADSOM nhằm chuẩn bị tốt nội dung cho Hội nghị ADMM-14.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cảm ơn sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN đối với Việt Nam trong năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020; bày tỏ tin tưởng rằng việc tổ chức Hội nghị ADMM-14 theo hình thức trực tuyến không những không ảnh hưởng đến chất lượng hợp tác quốc phòng trong ASEAN, mà còn thể hiện sự ứng phó kịp thời của các nước trước những diễn biến mới.

ASEAN không để dịch bệnh ảnh hưởng đến hợp tác quốc phòng - Ảnh 1.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 14 (ADMM-14) diễn ra sáng 9/12.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19, thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp, các nguy cơ khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, an ninh mạng, an ninh nguồn nước tiếp tục hiện hữu, ASEAN đã thể hiện tinh thần "gắn kết và chủ động thích ứng" theo đúng chủ đề Năm ASEAN 2020. Đặc biệt, quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19 được tăng cường mạnh mẽ với một loạt các sáng kiến như: Quỹ ASEAN về ứng phó Covid-19, Kho dự trữ vật tư y tế ASEAN, Kế hoạch tổng thể phục hồi ASEAN hậu Covid-19...

Quan hệ hợp tác quốc phòng ASEAN tiếp tục được duy trì thông qua việc sử dụng sáng tạo các nền tảng kỹ thuật số phục vụ thông tin liên lạc và thực hiện các cuộc họp trực tuyến.

Trên cơ sở Tuyên bố của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN về hợp tác quốc phòng về phòng, chống dịch bệnh lan truyền tháng 2/2020, quân đội các nước đã đẩy mạnh hợp tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế, hợp tác kiểm soát di chuyển xuyên biên giới, hợp tác phát triển bộ xét nghiệm, vắc-xin… và đã tổ chức thành công Diễn tập xử lý tình huống trực tuyến về phòng, chống dịch Covid-19 của lực lượng Quân y ASEAN vào tháng 5/2020.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị chủ động, chu đáo, hiệu quả của Việt Nam trong năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã chủ động, kịp thời thích ứng với tình hình mới, tích cực triển khai các ưu tiên, sáng kiến đã đặt ra; trong đó, đã tổ chức thành công các hội nghị quân sự - quốc phòng ASEAN thời gian qua, đảm bảo an ninh, an toàn hiệu quả; kịp thời đề xuất, triển khai nhiều sáng kiến trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh cũng như triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ hợp tác quân sự - quốc phòng ASEAN.

Trưởng đoàn các nước đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả, kịp thời giữa quân đội các nước ASEAN trong ứng phó dịch Covid-19; khẳng định, bằng nỗ lực nội tại của mỗi quốc gia và sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên, các nước ASEAN đã tích cực triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác, quyết tâm không để dịch bệnh ảnh hưởng đến hợp tác quốc phòng trong ASEAN, qua đó, nâng cao sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, góp phần duy trì hòa bình, ổn định khu vực, duy trì động lực hợp tác và vai trò trung tâm trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Các đại biểu cũng thống nhất, thời gian tới, các nước ASEAN cần tiếp tục tăng cường thúc đẩy tính chủ động và gắn kết ASEAN trong việc thích nghi với quá trình chuyển dịch địa chính trị và địa chiến lược thông qua việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các thành viên ASEAN cũng như với các nước ASEAN + nhằm ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thông qua một số Tài liệu khái niệm mới và Quy trình hoạt động chuẩn (SOP) trong ADMM; Kế hoạch hoạt động 3 năm của ADMM giai đoạn 2020 - 2022; Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về Hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng; công tác chuẩn bị cho ADMM+ lần thứ 7.

Kết luận hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch tin tưởng rằng với việc Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN thống nhất thông qua và ký Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về Hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, ASEAN đã thể hiện mạnh mẽ sự đoàn kết, thống nhất và cam kết đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN:

Ghi nhận các tác động của sự chuyển dịch địa chiến lược và địa chính trị trong môi trường khu vực, toàn cầu, các ảnh hưởng của việc tăng cường gắn kết trong khu vực, hợp tác, kết nối kinh tế liên khu vực và các xu thế toàn cầu bao gồm Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những yếu tố này có ảnh hưởng đến các mối đe dọa an ninh phức tạp, khó lường, xuyên biên giới và ngày càng gia tăng về cường độ và tính nghiêm trọng, đồng thời mang lại cơ hội cho người dân các nước thành viên ASEAN vượt qua giai đoạn này;

Nhấn mạnh cam kết của tất cả các bên trong việc hợp tác hòa bình và mang tính xây dựng đối với Biển Đông để khu vực này trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng thông qua thực thi đầy đủ và hiệu quả 2 Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), theo lịch trình đã được nhất trí. Ngoài ra, các bên cũng cam kết thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, tạo ra một môi trường thuận lợi để giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem