Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn: Cần xác định mô hình kinh tế cơ bản

Chiến Hoàng Thứ ba, ngày 27/10/2020 12:35 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị đề nghị Bắc Kạn xác định mô hình kinh tế cơ bản. Đồng thời khẳng định, HTX chính là cuộc cách mạng tại chỗ của nông dân.
Bình luận 0

Sáng 27/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chính thức khai mạc với sự tham gia của 345 đại biểu.

Bắc Kạn: Cần xác định mô hình kinh tế cơ bản - Ảnh 1.

Toàn cảnh Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII.

Bắc Kạn: Cần xác định mô hình kinh tế cơ bản - Ảnh 2.

Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (người thứ 2 hàng đầu từ trái sang phải) tại Đại hội.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Du, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn nhấn mạnh, Đại hội bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng sâu sắc, toàn diện đối với tỉnh Bắc Kạn trong suốt các thời kỳ cách mạng, trong sự nghiệp đổi mới cũng như trong nhiệm kỳ 2015-2020 và sự phát triển trong giai đoạn mới.

Đại hội trân trọng cảm ơn sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và các tỉnh bạn để Đảng bộ và nhân dân tộc tỉnh Bắc Kạn vượt qua khó khăn, thách thức cùng cả nước vững bước đi lên.

Bắc Kạn: Cần xác định mô hình kinh tế cơ bản - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Du, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn đọc diễn văn khai mạc Đại hội.

Theo ông Du, Báo cáo chính trị trình Đại hội đã thực sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Bắc Kạn; phù hợp với định hướng của Trung ương và sát với tình hình thực tiễn của địa phương.

Công tác chuẩn bị nhân sự được tiến hành nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy định. Các nội dung chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII được Bộ Chính trị đánh giá cao và nhất trí cho Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn tiến hành tổ chức Đại hội.

Bắc Kạn: Cần xác định mô hình kinh tế cơ bản - Ảnh 4.

Ông Hoàng Duy Chinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn đọc báo cáo chính trị tại Đại hội.

Tại Đại hội, ông Hoàng Duy Chinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn đọc Báo cáo chính trị về tình hình phát triển văn hóa – xã hội, kinh tế - chính trị, quốc phòng – an ninh… đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, cùng phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025.

Báo cáo chính trị nêu rõ, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015–2020 tỉnh Bắc Kạn đạt 5,3%/năm, không đạt mục tiêu đề ra. GRDP đến năm 2020 ước đạt 12.840 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 40 triệu đồng/người, đạt 102% mục tiêu.

Theo đó, sản xuất nông, lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn trong nhiệm kỳ 2015-2020 có chuyển biến theo hướng tích cực; chương trình xây dựng NTM vượt kế hoạch đề ra.

Ngành nông lâm nghiệp tăng trưởng bình quân 2,4%/năm. Sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt 178.500 tấn/năm, đạt 102% kế hoạch; bình quân lương thực đầu người đạt 560kg/người/năm, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.

Các loại cây đặc sản có thế mạnh của tỉnh như: Cam, quýt, chè, hồng không hạt… từng bước được thâm canh, tăng dần năng suất, chất lượng sản phẩm; một số diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP, được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và chứng nhận sản xuất hữu cơ, được khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Công tác trồng rừng được quan tâm chỉ đạo, giai đoạn 2015-2020 toàn tỉnh trồng mới được 32.700ha, đạt 107% kế hoạch. Trong đó, diện tích trồng rừng gỗ lớn 17.619/15.000ha, đạt 117% so với kế hoạch;

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh Bắc Kạn có 23 xã đạt chuẩn NTM (đến nay đã công bố 19 xã; dự kiến trong năm 2020 công bố thêm 4 xã. Do một số xã được sáp nhập theo Nghị quyết số 855/NQ-UBTVQH14 nên sau khi rà soát, còn 19 xã đạt chuẩn). Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) được triển khai khá hiệu quả, đến nay đã công nhận 140 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Đối với Y tế, giáo dục, công tác quốc phòng, quân sự địa phương có chuyển biến, tiến bộ rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố, giữ vững; công tác nội chính, cải cách tư pháp, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng và rèn luyện đạo đức lối sống cho cán bộ, Đảng viên có nhiều đổi mới; công tác cán bộ được chú trọng; việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng được quan tâm đẩy mạnh gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; công tác kiểm tra, giám sát được duy trì nền nếp, giữ nghiêm kỷ luật đảng.

Trong 55 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI đề ra, tỉnh Bắc Kạn còn 15 chỉ tiêu không đạt. Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; công nghiệp tăng trưởng chậm; thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo chậm được khắc phục. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có mặt chưa đáp ứng yêu cầu.

Bắc Kạn: Cần xác định mô hình kinh tế cơ bản - Ảnh 5.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị thay mặt Bộ Chính trị nhiệt liệt biểu dương những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã đạt được.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cần xác định mô hình đơn vị kinh tế cơ bản của tỉnh Bắc Kạn là gì? Mô hình kinh tế hộ cá thể, mô hình HTX, mô hình nào là chủ đạo? Thực chất mô hình lao động quan trọng nhất của tỉnh Bắc Kạn đang là hộ cá thể (80% lao động) chứ chưa phải HTX (chỉ chiếm 4-5% lao động của tỉnh).

"Vận động vào HTX là cuộc cách mạng tại chỗ của người nông dân, không phải kêu gọi đầu tư làm doanh nghiệp. Liên kết HTX chính là bài học về sự đoàn kết. Với tỉnh Bắc Kạn, nên tập trung vào phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp.

Lợi thế lớn nhất của Bắc Kạn là tài nguyên đất và rừng. Mỗi người dân có khoảng 1,5ha. Đột phá về kinh tế của Bắc Kạn, bên cạnh công nghiệp, nông nghiệp, du lịch cũng có tài nguyên nhưng tài nguyên lớn nhất chính là nông nghiệp và lâm nghiệp, nên chọn đây là khâu đột phá. 4 chương trình trọng điểm không chọn đột phá, có thể nên bàn phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp trên nền tảng HTX làm đột phá", ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem