Với dự toán được Quốc hội giao cả năm 2022 là 1.040 tỷ đồng, 8 tháng trôi qua, tài sản nhà, đất đai thuộc sở hữu của nhà nước cho thuê, bán lại mới chỉ đạt 375 tỷ đồng, mỗi tháng chưa đạt 47 tỷ đồng. Con số thấp nhất trong những năm gần đây.
Theo Tổng cục Thuế, nếu không đẩy mạnh, rất dễ dự toán giao cả năm của Quốc hội "bị vỡ". Năm 2021, số thu ngân sách từ hoạt động cho thuê, bán nhà thuộc tài sản nhà nước đạt 981 tỷ đồng, vượt mức dự toán Quốc hội giao 14 tỷ đồng.
Sang năm 2022, nhiều khả năng chỉ tiêu này khó đạt được bởi từ nay đến hết năm chỉ còn 4 tháng, trong khi đó, số dự toán được giao còn 665 tỷ đồng.
Nếu gắng gượng hoàn thành dự toán Quốc hội giao, mỗi tháng còn lại sẽ phải thu đúng, đủ trên 166 tỷ đồng, buộc cơ quan nhà nước phải tranh thu bán, cho thuê nhà đất nhanh, điều này có thể gặp rủi ro.
Bình quân khoản thu thuế này năm 2021 là 81,7 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước, số thu đạt trên 654 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với tổng thu của 8 tháng năm 2022.
Hiện, nhà đất công thuộc sở hữu của Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp trực thuộc Bộ, ngành, doanh nghiệp công ích, hợp tác xã trên cả nước, nhà ở công vụ, nhà ở công chức, viên chức… được giao cho người đứng đầu là trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan đơn vị, lãnh đạo các Sở ngành địa phương.
Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có số nhà đất thuộc tài sản nhà nước cho thuê, bán lại nhiều nhất cả nước. Tháng 7/2022, HĐND thành phố Hà Nội họp và chỉ ra nhiều bất cập của việc thuê và cho thuê tài sản nhà nước dẫn đến thất thoát tài sản.
Trong đó, bất cập nhất là nhiều đơn vị thuê nhà của thành phố nhưng chưa ký hợp đồng thuê nhà theo quy định; có đơn vị không ký hợp đồng và không trả tiền thuê nhà. Nhiều địa điểm nhà chuyên dùng đã hết thời hạn hợp đồng thuê nhà, đất đến nay chưa được đơn vị quản lý nhà ký lại, gia hạn thuê…
Nhiều địa điểm có tình trạng sử dụng sai mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp ranh giới, mốc giới như Trường Đại học Thủ đô; Trung tâm Văn hoá Hồ Gươm; Trung tâm Văn hoá và thông tin thể thao Hai Bà Trưng; trụ sở UBND phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng); trụ sở UBND phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai)…
Thậm chí, tại TP.HCM, việc cho thuê nhà đất công của nhà nước nhưng sau đó cơ quan có thẩm quyền khó đòi lại được tài sản. Tháng 4/2022, theo báo cáo về kết quả thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước (2000 - 2021) của UBND TP.HCM, nhiều trường hợp đơn vị thuê nhà, đất công hết hạn không trả hoặc cho thuê công sản làm bãi xe, cantin phục vụ cán bộ công nhân viên…
Khối lượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM rất lớn, hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, qua nhiều cấp, nhiều ngành quản lý sử dụng, hồ sơ nhà đất bị thất lạc hoặc không đầy đủ, công tác quản lý bị buông lỏng trong thời gian dài nên thực trạng quản lý, sử dụng nhà đất còn lãng phí.
TP.HCM ngay sau đó kiến nghị Thủ tướng cho thí điểm tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất với hơn 1.400 nhà đất công đang chờ sắp xếp để tránh lãng phí khi vừa không khai thác được giá trị vừa tốn chi phí bảo trì.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.