Bão số 1 đổ bộ gây mưa rất lớn, có nơi trên 500mm, Yên Bái, Bắc Kạn có hơn 600 điểm nguy cơ sạt lở

Minh Ngọc Thứ hai, ngày 17/07/2023 12:49 PM (GMT+7)
Bão số 1 đổ bộ miền Bắc có cường độ lớn nhất trong 3-5 năm trở lại đây, gây mưa rất lớn từ đêm nay đến ngày 20/7, Bắc Bộ mưa khoảng 200-400 mm, có nơi trên 500 mm. Yên Bái và Bắc Kạn là 2 tỉnh có nhiều điểm nguy cơ sạt lở nhất, mỗi tỉnh hơn 300 điểm.
Bình luận 0

Bão số 1 đổ bộ sẽ gây mưa rất lớn

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai sáng 17/7, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết như vậy trước khi bão số 1 đổ bộ vào đất liền.

Sáng 17/7, bão số 1 đã mạnh lên cấp 12 (118-133km/h), giật cấp 15. Trong 24 giờ tới, bão số 1 di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó tiến vào vịnh Bắc Bộ.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình, sau đó đi sâu vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu dần thành vùng áp thấp.

Đến 10h sáng mai (18/7), tâm bão ở trên vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, "do gặp ma sát nên cường độ bão suy giảm xuống cấp 10, giật cấp 12", ông Khiêm thông tin.

Bão số 1 đổ bộ gây mưa rất lớn, có nơi trên 500 mm, Yên Bái, Bắc Kạn hơn 600 điểm nguy cơ sạt lở - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, Yên Bái và Bắc Kạn mỗi tỉnh có hơn 300 điểm nguy cơ sạt lở nhất. Ảnh: Bình Minh

Theo ông Khiêm, bão số 1 đổ bộ miền Bắc có cường độ lớn nhất trong 3-5 năm trở lại đây. Khả năng cao bão sẽ vào khu vực giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, hoàn lưu bao trùm gần hết Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An, gây mưa rất lớn từ đêm nay đến ngày 20/7. Bắc Bộ mưa khoảng 200-400 mm, có nơi trên 500 mm; Thanh Hóa, Nghệ An 100-200 mm, có nơi trên 300 mm.

Bão số 1 đổ bộ gây mưa lớn dẫn đến lũ quét, sạt lở đất

"Lo nhất sau khi bão đổ bộ gây mưa lớn sẽ xảy ra lũ quét, sạt lở đất", ông Khiêm đưa ra cảnh báo. Hiện, Yên Bái và Bắc Kạn có nhiều điểm nguy cơ sạt lở nhất, mỗi tỉnh hơn 300 điểm. Quảng Ninh hơn 160 điểm, Lạng Sơn hơn 100 điểm, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai mỗi tỉnh dưới 100 điểm.

Trước diễn biến phức tạp khó lường của bão số 1, hôm nay (17/7), Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ký Công điện số 01/CĐ-UBND yêu cầu các ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung ứng phó bão số 01 và mưa lũ sau bão.

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Bố trí lực lượng trực, canh gác tại các vị trí ngầm, tràn, đường qua suối để hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn, nghiêm cấm hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn hoặc không có đủ các thiết bị cứu sinh. Cấm người đi vớt củi, lội qua, đánh bắt cá... trên các sông suối khi đang có lũ. Đặc biệt, trong các ngày mưa, lũ tuyên truyền cho nhân dân không được ngủ trên đồi, trên nương để đề phòng sạt lở, đất, đá gây thiệt hại về người.

Bão số 1 đổ bộ gây mưa rất lớn, có nơi trên 500 mm, Yên Bái, Bắc Kạn hơn 600 điểm nguy cơ sạt lở - Ảnh 2.

Hình ảnh vệ tinh bão Talim lúc 12 giờ ngày 17/7. Ảnh: NCHMF

Đối với tỉnh Bắc Kạn, thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, "đã sẵn sàng phương án ứng phó với cơn bão số 1 khi đổ bộ". 

Hiện, Bắc Kạn huy động hơn 7.000 người ứng trực thuộc lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, 13 phương tiện vận chuyển, hơn 30 phương tiện chỉ huy, xuồng, thuyền, phao cano, áo phao hơn 10.000 chiếc. "Địa phương đang rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở cao để sơ tán dân, đồng thời cắt cử người ứng trực ở các ngầm tràn", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết.

Còn theo ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Đê điều và Phòng chống thiên tai, các địa phương cần chủ động đưa người ở các lồng bè lên bờ. "Trước đây, Bộ đội biên phòng ở Quảng Ninh đã phải cứu hơn 40 người trên các lồng bè khi bão đến. Điều này rất nguy hiểm cho người dân và cả lực lượng cứu hộ", ông Luận nói.

Ban Chỉ đạo quốc gia cũng lưu ý tình trạng đê điều, trong đó đê biển hiện mới chỉ chống chịu được bão cấp 9-10. Hệ thống đê Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có tổng chiều dài gần 6.700 km, trong đó có 289 vị trí trọng điểm, xung yếu.

Ngoài ra, đê sông có 4 vị trí gặp sự cố nhưng chưa xử lý triệt để. Đó là sự cố nứt mái đê tại Cẩm Hà và sạt lở mái phía sông của đê hữu Cầu, TP Hà Nội; lún, nứt đê hữu Thương tỉnh Bắc Giang; lún, sạt mái đê tả sông Mã đoạn tỉnh Thanh Hóa.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 12 giờ hôm nay (ngày 17/7), vị trí tâm bão khoảng 20.4 độ Vĩ Bắc; 112.4 độ Kinh Đông; Sức gió mạnh nhất: cấp 12 (118 133km/h), giật cấp 15. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem