Bất ngờ phát hiện trong ngực con chim “chúa tể bầu trời” được giao nộp về Vườn Quốc gia Cúc Phương có một mảnh đạn

Vũ Thượng Chủ nhật, ngày 17/03/2024 10:50 AM (GMT+7)
Một người dân tỉnh Bắc Giang đã di chuyển gần 200 km bằng ô tô về Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) để chuyển giao cá thể chim đại bàng đầu nâu quý hiếm. Qua chụp X-quang, con chim đại bàng này hiện có mảnh đạn ở ngực.
Bình luận 0

Đại bàng đầu nâu có mảnh đạn ở ngực

Sau 4 ngày, cá thể chim đại bàng đầu nâu được chuyển về Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương), nhiều bạn đọc của Dân Việt rất quan tâm đến sức khỏe của cá thể chim đại bàng đầu nâu quý hiếm này. 

Clip: Tình trạng sức khỏe của đại bàng đầu nâu quý hiếm tại Vườn quốc gia Cúc Phương.


Sáng 17/3, trao đổi với Dân Việt ông Lê Trọng Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) cho biết: "Ngày 13/3, chúng tôi tiếp nhận một cá thể chim đại đầu nâu từ một người dân tỉnh Bắc Giang chuyển về trung tâm chăm sóc".

Bất ngờ phát hiện trong ngực con chim “chúa tể bầu trời” được giao nộp về Vườn Quốc gia Cúc Phương có một mảnh đạn- Ảnh 1.

Cá thể chim đại bàng đầu nâu được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) đưa đi chụp chụp X-quang phát hiện mảnh đạn ở ngực. Ảnh: Vườn Quốc gia Cúc Phương cung cấp

"Qua chụp X-quang, chúng tôi phát hiện ở ngực con chim đại bàng đầu nâu có mảnh đạn. Đồng thời, tiến hành siêu âm còn được biết hệ thống tiêu hóa của cá thể chim đại bàng này có vấn đề", ông Đạt nói.

Bất ngờ phát hiện trong ngực con chim “chúa tể bầu trời” được giao nộp về Vườn Quốc gia Cúc Phương có một mảnh đạn- Ảnh 2.

Chim đại bàng đầu nâu sau khi kiểm tra, chăm sóc những ngày qua tiến triển rất tốt. Ảnh: VQGCP cấp

Theo ông Lê Trọng Đạt: "Cá thể chim đại bàng này vẫn tiếp tục theo dõi sức khỏe, có thể không tiến hành phẫu thuật để lấy mẩu đạn ra ngoài, mà phương án để tự nhiên lâu dần nó tự liền và khối cơ bao bọc".

Điều kiện để đại bàng đầu nâu thả về với tự nhiên

Được biết, sau 4 ngày được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) chăm sóc, sức khỏe cá thể chim đại bàng đầu nâu đang tiến triển rất tốt, không còn nhút nhát như ban đầu tiếp nhận.

Bất ngờ phát hiện trong ngực con chim “chúa tể bầu trời” được giao nộp về Vườn Quốc gia Cúc Phương có một mảnh đạn- Ảnh 3.

Quá trình theo dõi, kiểm tra cá thể đại bàng đầu nâu nêu thấy đủ điều kiện sẽ tái thả về tự nhiên. Ảnh: Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Ông Đạt thông tin: "Chúng tôi đang tạo một không gian rộng cho chim đại bàng, không buộc chân và nhét thức cho đại bàng ăn như trước mà khuyến khích tự ăn. Mỗi ngày chúng tôi cho đại bàng ăn 2-3 lần (không ép ăn nhiều), thức ăn chủ yếu là chim cút, thịt thỏ…".

"Trước khi chưa chụp X-quang thì dự kiến khoảng 1 tuần là thả đại bàng về với tự nhiên. Tuy nhiên, sau khi chụp X-quang phát hiện có vấn đề như thế nên cần theo dõi thêm và nhanh nhất cũng phải 10 ngày mới thực hiện tái thả được", ông Đạt trao đổi.

Bất ngờ phát hiện trong ngực con chim “chúa tể bầu trời” được giao nộp về Vườn Quốc gia Cúc Phương có một mảnh đạn- Ảnh 4.

Ngày 13/3, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương), tiếp nhận cá thể chim đại bàng đầu nâu từ một người dân tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VQGCP cấp

Để chim đại bàng về với tự nhiên thì phải có thêm các điều kiện như: Kiểm tra bệnh tật khác xem có ảnh hưởng gì đến môi trường sống sung quang, tự sinh tồn, tự tìm kiếm thức ăn (săn mồi), uống nước…

Chim đại bàng đầu nâu (Aquila heliaca), được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) chăm sóc là loại động vật rừng cực kỳ nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ. Đây là loài động vật rừng cực kỳ quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN.

Năm 2023, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương) đã tiếp nhận 144 đợt, với 599 cá thể của 48 loài động vật hoang dã. Bên cạnh đó, cho sinh sản 291 cá thể mới của 26 loài. Tái thả 28 đợt với 306 cá thể của 23 loài. Hiện nay, đang chăm sóc, cứu hộ hơn 2.900 cá thể của 74 loài động vật hoang dã bản địa của Việt Nam, và 5 loài có nguồn gốc phân bố từ nước ngoài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem