Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump hay bà Harris đắc cử Tổng thống sẽ có lợi cho kinh tế Việt Nam?

Linh Anh Thứ ba, ngày 05/11/2024 08:26 AM (GMT+7)
Cuộc bỏ phiếu bầu cử Mỹ 2024 diễn ra hôm nay và ông Donald Trump hay bà Kamala Harris là người chiến thắng là kết quả mà cả thế giới quan tâm, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Với hơn 10% nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi nhu cầu từ Mỹ, kết quả bầu cử Mỹ 2024 sẽ tác động trực tiếp tới kinh tế Việt Nam.
Bình luận 0

"So găng" chính sách kinh tế vận động tranh cử tổng thống Mỹ của ông Trump và bà Harris

Ngày 5/11 (theo giờ địa phương) là thời điểm bẩu cử Mỹ 2024 sẽ diễn ra và là cuộc đua gay cấn giữa ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris. Đây không chỉ là sự kiện chính trị riêng của nước Mỹ, mà giới tài chính toàn cầu và Việt Nam cùng "nín thở" dõi theo từng bước.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã ủng hộ một loạt các biện pháp thuế quan leo thang. Ông Trump được cho là muốn tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ lên 60%, và áp đặt thuế 10-20% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giá cao. Tuy nhiên, ông Trump cũng cho rằng, đồng USD đang bị định giá quá cao, điều này là trở ngại cho việc "hồi hương" của các công đoạn sản xuất.

Cựu Tổng thống Donald Trump cũng gợi ý, thuế quan thương mại có thể được sử dụng để chi trả cho việc cắt giảm thuế. Ông muốn các công ty sản xuất hàng hóa tại Hoa Kỳ sẽ trả mức thuế ưu đãi là 15%, giảm từ mức 21% hiện tại.

Đồng thời, Cựu Tổng thống Mỹ cũng muốn hồi hương và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp - một ý tưởng có thể thắt chặt thị trường lao động và đẩy tiền lương lên cao, tạo ra một áp lực gây ra lạm phát khác. Trên bề mặt, các chính sách mà ông đề xuất có thể kéo dài chu kỳ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, điều này có thể gây ra lạm phát, vì việc gia tăng thuế quan thương mại của ông sẽ dẫn đến giá hàng nhập khẩu cao hơn. Trên bề mặt, các chính sách mà ông đề xuất có thể kéo dài chu kỳ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Bầu cử Mỹ 2024: "So găng" chính sách giữa ông Trump - bà Harris và tác động  đến kinh tế Việt Nam  - Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đã có cuộc tranh luận trực tiếp tại Milwaukee, Wisconsin, vào ngày 1/11/2024. Ảnh: Getty.

Ngược với Cựu Tổng thống Trump, ứng cử viên đảng Dân chủ Harris cho biết, đối với các chính sách thương mại, bà có khả năng sẽ tiếp tục cách tiếp cận "sân nhỏ, hàng rào cao" của chính quyền Biden, áp dụng mức thuế quan có mục tiêu cụ thể hơn cho các ngành công nghiệp cụ thể với cách tiếp cận ít đối đầu hơn so với cách tiếp cận do Trump đề xuất.

Về chính sách thuế, bà đã đề xuất tăng thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao nhất, tăng thuế đối với nhóm có mức tăng vốn cao nhất và tăng thuế đối với các tập đoàn, trong khi việc giảm thuế dành riêng cho các ngành chiến lược và các ngành công nghiệp sạch.

Bà muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và các hộ gia đình nghèo tăng lương tối thiểu, ứng phó với chi phí sinh hoạt gia tăng. Nói chung, các chính sách kinh tế mà bà đề xuất có mục tiêu cụ thể hơn và ít cực đoan hơn so với Trump - và có khả năng ít gây ra lạm phát cho nền kinh tế Hoa Kỳ.

Không giống như các đề xuất của Trump về việc Tổng thống giám sát nhiều hơn đối với các quyết định về chính sách tiền tệ, Harris đã ủng hộ sự độc lập đang diễn ra của Fed. Harris cũng không đề xuất bất kỳ biện pháp nào để đơn phương phá giá đồng đô la Mỹ, một đề xuất mà Trump cũng đã đưa ra nhiều lần.

Chính sách của ông Trump - bà Harris ảnh hưởng thế nào tới kinh tế Việt Nam?  

Kết quả bầu cử Mỹ 2024 thế nào sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam, bởi theo thống kê hơn 10% nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi nhu cầu từ Mỹ. 

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,4 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 17,6%). Như vậy, sau 9 tháng thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ đã chính thức vượt ngưỡng 100 tỷ USD với con số đạt 100,3 tỷ USD.

Bộ Công Thương đánh giá, thị trường Hoa Kỳ đang có những động thái kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Nhờ đó đã giúp nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ, thủy sản, dệt may… đang tăng mạnh mẽ. Về nhập khẩu hàng hoá, Hoa Kỳ cũng là một trong những thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 10,9 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 6,2%.

Theo Tổng cục Hải quan, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đạt mốc 100 tỷ USD lần đầu vào năm 2021 (đạt 111,55 tỷ USD). Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 96,27 tỷ USD và nhập khẩu đạt 15,28 tỷ USD. Bước sang năm 2022, dù đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn có sự tăng trưởng đáng ghi nhận với quy mô kim ngạch đạt gần 124 tỷ USD. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 111 tỷ USD.

Bầu cử Mỹ 2024: "So găng" chính sách giữa ông Trump - bà Harris và tác động  đến kinh tế Việt Nam  - Ảnh 2.

Nhận định về ứng viên Tổng thống Mỹ tác động tới nền kinh tế Việt Nam, ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital nhận định: Kết quả cuộc bầu cử Mỹ 2024 có lẽ không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, bất kể là Đảng nào giành chiến thắng. Nguyên nhân do hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều cam kết thúc đẩy kinh tế như những người tiền nhiệm, dù hướng tiếp cận khác nhau.

Trong trường hợp ông Trump đắc cử, vị chuyên gia này kỳ vọng, ông sẽ tập trung vào việc làm giảm giá trị đồng USD thay vì tăng thuế quan đáng kể. Do việc tăng thuế sẽ làm tăng lạm phát tại Mỹ, và đồng USD yếu hơn cũng sẽ giúp chính phủ Mỹ giải quyết nhiều ván đề khác, bao gồm khoản nợ công khổng lồ của nước này.

Đồng thời, với Việt Nam, khi đồng bạc xanh yếu đi sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia ngoài Mỹ. Bên cạnh đó, việc áp đặt thuế 10-20% với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc sẽ không làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh.

Cuối cùng, theo báo cáo của Standard Chartered và các tổ chức khác, nếu Mỹ áp đặt thuế 60% với Trung Quốc, thì Việt Nam và Mexico sẽ một lần nữa hưởng lợi nhất về xuất khẩu. Bởi mức độ tiêu dùng mạnh mẽ từ thị trường này sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Các số liệu cho thấy tiêu dùng tại Mỹ vẫn duy trì đà phục hồi tốt trong năm nay, bất chấp việc Fed tăng lãi suất.

Ông Michael Kokalari một lần nữa nhấn mạnh: "Chúng tôi không tin rằng kết quả cuộc bầu cử Mỹ 2024 sẽ ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Thực tế địa chính trị khiến Mỹ cần tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam, và quan điểm của Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa đối với thương mại Trung Quốc đã trở nên rất giống nhau".

Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho biết, nếu bà Harris đắc cử, chính sách không có quá nhiều thay đổi khi tiếp tục kế thừa những chính sách dưới thời ông Biden. Nếu bà Harris tái gia nhập Hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ có lợi thế vì thuộc thành viên trong khối này, từ đó thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem