Bị dẫn dụ, đánh tráo khái niệm: Người mua bảo hiểm "bay" cả trăm triệu đồng, có thể khởi kiện ra tòa án dân sự

H.Anh Thứ sáu, ngày 14/04/2023 11:35 AM (GMT+7)
Sự không rõ ràng trong tư vấn của tư vấn viên bảo hiểm khiến nhiều người rơi vào tình trạng mất sạch hàng chục, hàng trăm triệu đồng phí đã đóng. Bị dẫn dụ, "đánh tráo" khái niệm khi tham gia bảo hiểm, khách hàng có thể khởi kiện nếu có bằng chứng.
Bình luận 0

Bay hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng tiền phí bảo hiểm vì "cả tin"

Câu chuyện của diễn viên Ngọc Lan là một điển hình. Theo chia sẻ của nữ diễn viên này, vì tin tưởng người tư vấn là nhân viên ngân hàng nên đã ký hợp đồng bảo hiểm mà không đọc hợp đồng.

Điều đáng nói, theo tư vấn viên với khoản phí 700 triệu/năm, sau 10 năm diễn viên Ngọc Lan có thể rút về tới 7 tỷ đồng và lên tới gần 10 tỷ đồng kể cả lãi. Giá trị 700 triệu phí hàng năm được phân bổ vào các sản phẩm nào thì không được tư vấn đề cập.

Bị dẫn dụ, đánh tráo khái niệm: Người mua bảo hiểm "bay" cả trăm triệu đồng, có thể khởi kiện ra tòa án dân sự - Ảnh 1.

Nhiều khách hàng chịu mất phí bảo hiểm đã đóng để hủy hợp đồng.

Cũng tương tự, chị M.Thanh (Hà Nội) cho biết, theo lời giới thiệu về loại hình tiết kiệm đầu tư tư vấn viên bảo hiểm không đề cập rõ đó là tham gia bảo hiểm, thay vào đó chỉ nói với chị đó là khoản cố định và khoản đóng thêm.

"Nếu biết khoản cố định là bảo hiểm thì chắc chắc không bao giờ tôi tham gia. Còn khoản đóng thêm họ nói rằng lãi suất có khi lên tới 38 – 40%, cao gấp mấy lần so với gửi tiết kiệm mà không hề đề cập vẫn có rủi ro âm vào tiền đã tham gia. Khi ký hợp đồng, hàng loạt giấy tờ được yêu cầu ký nhưng nhân viên cố tình chỉ đưa tay vào phần chữ ký và yêu cầu tôi ký, với lý do đây là chữ ký mẫu. Đến khi vỡ lỡ ra tôi mới biết mình bị lừa và quyết định bỏ ngang dù khoản đầu tư tăng thêm không có lợi nhuận tới hàng chục phần trăm như tư vấn, mà âm tới 20% vào tài khoản đã đóng", chị Thanh cho hay.

Thực tế, hầu hết vấn đề phát sinh giữa người công ty bảo hiểm và khách hàng đều phát sinh từ việc tư vấn viên truyền đạt thông tin thiếu/sai hoặc cố tình đánh lừa khách hàng bằng cách nói tránh/giả mạo thông tin, mục đích cuối cùng là để bán được bảo hiểm và hưởng hoa hồng.

Cũng có một số trường hợp, nhân viên vì mức phí hoa hồng mà cố gắng bán những hợp đồng có giá trị cao nhất có thể cho người mua, thay vì bán những sản phẩm phù hợp với điều kiện tài chính của khách hàng.

Điều này dẫn đến người mua bảo hiểm khó theo lâu dài với hợp đồng làm mất đi ý nghĩa bảo vệ của bảo hiểm nhân thọ.

Có thể khởi kiện ra tòa án dân sự

Liên quan đến những "bức xúc" như đã kể trên thi tham giao bảo hiểm, ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho biết, nếu bên mua bảo hiểm có chứng cứ chứng minh việc mình bị dẫn dụ, đánh tráo khái niệm và không biết mình mua bảo hiểm nhân thọ, khách hàng hoàn toàn có thể cung cấp chứng cứ chứng minh cho bên bán đề yêu cầu được giải quyết.

Nếu đã cung cấp các chứng cứ chứng minh mà bên bán không chấp nhận, khách hàng có thể cung cấp thông tin tới đường dây nóng của Bộ Tài chính. Bộ phận này tiếp nhận những phản ánh của người dân về bảo hiểm nhân thọ để bộ phận có chức năng kiểm tra xử lý.

"Để bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng cũng có thể khởi kiện bên bán ra tòa án dân sự. Hoặc nếu có những bằng chứng chứng minh về hành vi lừa đảo, bạn có thể tố cáo tới cơ quan công an để điều tra", ông Dũng nói.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm cũng thừa nhận, trong ngành nào cũng có những trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh", có những cá nhân vì lợi ích riêng mà có hành vi không chuẩn mực, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Để tránh những tình huống như vậy, khách hàng cũng nên tìm hiểu tương đối về sản phẩm mà mình định mua. Đó cũng là động thái để khách hàng tự xác định được nhu cầu của mình, từ đó mới lựa chọn được sản phẩm phù hợp nhất, tránh để cho đại lý bảo hiểm dẫn dắt, giới thiệu những sản phẩm không đúng nhu cầu, mục đích của mình.

Giới chuyên gia khuyến nghị, sau những vụ vừa qua, việc rà soát quy định chuẩn hóa nhân sự liên quan như đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn là điều cần thiết. Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm cần rà soát chính sách, quy trình nội bộ cũng như xem lại rà soát lại mạng lưới đại lý, tư vấn bảo hiểm.

Cùng với đó, Chính phủ cần có chương trình quốc gia giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức về bảo hiểm của người dân tăng lên. Ngược lại, bản thân các đại lý bảo hiểm cần ra soát lại, gia cố lại nhân viên của mình. Chẳng hạn như tại Trung Quốc, tư vấn bảo hiểm cần người có kinh nghiệm, sau 2-3 năm kinh nghiệm mới được tư vấn khách hàng, hay bảo hiểm cần có quầy bán riêng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem