Bí kíp thi tốt của các thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực

Đình Khải - Thư Kỳ Thứ năm, ngày 04/04/2024 10:57 AM (GMT+7)
Ngoài việc tập trung nghe giảng trên lớp, nhiều thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực còn có bí kíp riêng về cách học, cách ôn tập và cách giữ tinh thần thoải mái để có kết quả tốt nhất.
Bình luận 0

Chỉ còn 3 ngày nữa, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sẽ chính thức diễn ra. Năm nay, kỳ thi có số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao nhất, với hơn 95.000 ngàn em.

Nghỉ ngơi là để học tập hiệu quả hơn

Là thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2020 và đang là sinh viên năm 4 ngành Khoa học Máy tính, Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trần Công Huy Hoàng chia sẻ, thời của Hoàng, kỳ thi đánh giá năng lực còn rất mới mẻ, số lượng thí sinh tham gia không nhiều.

Tuy nhiên, vì là năm dịch Covid-19 với những khó khăn mọi mặt, Hoàng muốn tận dụng tất cả các cơ hội để có thể vào được trường đại học mơ ước nên đặt mục tiêu đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực.

Bí kíp thi tốt của các thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực- Ảnh 1.

Nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý là bí kíp học tập hiệu quả hơn của thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực 2020 Trần Công Huy Hoàng. Ảnh: NVCC

Để mang lại hiệu quả trong việc học tập, Hoàng xây dựng thời gian biểu cụ thể mỗi ngày. Ngoài giờ học trên lớp, Hoàng dành khoảng 60% thời gian để ôn thi THPT, 30% ôn thi đánh giá năng lực và 10% thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.

Theo Hoàng, dành thời gian để thư giãn cũng là cách để học tập hiệu quả hơn. Trong khoảng thời gian này, Hoàng sẽ nghe nhạc, chơi đàn hoặc xem phim.

Với việc học, Hoàng tập trung trước vào các môn thế mạnh về tự nhiên, còn các môn xã hội Hoàng sẽ đọc sách giáo khoa và đánh dấu vào những chỗ quan trọng. Mỗi tuần, Hoàng sẽ xem lại các phần đã đánh dấu từ 1-2 lần để nhớ, chứ không học thuộc.

Bí kíp thi tốt của các thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực- Ảnh 2.

Thí sinh vui vẻ trước giờ thi đánh giá năng lực năm 2023. Ảnh: M.Q

Hoàng nói thêm, đề thi đánh giá năng lực không chia theo từng môn, các câu hỏi được phân bố ngẫu nhiên. Do đó, khi làm bài, Hoàng chọn làm từ trên xuống dưới, câu nào chưa chắc chắn sẽ đánh dấu để quay lại sau. Đồng thời, dành thời gian khoảng 10 phút cuối để đánh dấu vào phiếu trả lời trắc nghiệm, tránh trường hợp làm xong bài nhưng không kịp tô đáp án.

Tương tự, Nguyễn Hồ Tiến Đạt, thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực 2021 đợt 1, sinh viên năm 3 ngành Khoa học Máy tính (chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh), Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ, giữ tinh thần thoải mái cũng là một cách để học tập hiệu quả.

Bí kíp thi tốt của các thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực- Ảnh 3.

Nguyễn Hồ Tiến Đạt, thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực 2021 xác định thi đánh giá năng lực để trải nghiệm, kết quả thi không phải là con đường duy nhất để xét tuyển đại học. Ảnh: NVCC

Theo đó, dù bài vở nhiều đến thế nào, Đạt cũng cố gắng cân bằng, giữ đầu óc thư giãn, tỉnh táo bằng cách tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao... Đạt cũng xác định, kỳ thi đánh giá năng lực là kỳ thi để thử sức, là một phương thức xét tuyển vào đại học chứ không phải là con đường duy nhất nên tâm lý cũng thoải mái hơn.

Để ôn tập hiệu quả, bí kíp của Đạt là tập trung nghe bài giảng trên lớp, tranh thủ đọc lại sách giáo khoa, xem tóm tắt nội dung kiến thức của các môn học ở lớp 10, 11, 12 vào mỗi buổi tối. Ngoài ra, Đạt cũng thường xem các bản tin thời sự, các bài báo hay các chương trình kiến thức như Đường lên đỉnh Olympia để bổ sung kiến thức.

Trước kỳ thi khoảng 1-2 tháng, Đạt bắt đầu giải các đề thi minh hoạ, tự bấm thời gian để khi thi thực tế có thể cân đối thời gian hợp lý.

"Trước mỗi kỳ thi mình đều dành ra một ngày, hoặc ít nhất nửa ngày để thư giãn, giữ tinh thần thoải mái. Cuối buổi thi, mình dành ra khoảng 5-10 phút để kiểm tra lại hết thông tin, xem có sai sót hoặc tô nhầm đáp án hay không. Đây là việc rất quan trọng, giúp mình tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn", Đạt nói.

Rèn kỹ năng tự học nhờ ôn thi đánh giá năng lực

Cũng giống hai thủ khoa trên, Nguyễn Ngọc Bảo Trân, sinh viên năm 1 ngành Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Thủ khoa tuyển sinh theo phương thức thi đánh giá năng lực 2023 cũng cho rằng, việc tập trung nghe bài giảng, chủ động tìm hiểu thêm về bài học là rất quan trọng. Đặc biệt, kỹ năng tự học cũng là yếu tố giúp các thí sinh đạt kết quả cao.

Bí kíp thi tốt của các thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực- Ảnh 5.

Nguyễn Ngọc Bảo Trân, Thủ khoa tuyển sinh theo phương thức thi đánh giá năng lực 2023 của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: NVCC

Bảo Trân "khai thật", bản thân chỉ thật sự tập trung ôn thi đánh giá năng lực trong vòng 1 tháng trước khi kỳ thi diễn ra. Trân vừa ôn kiến thức nền, vừa làm đề minh họa. Khi làm đề, Trân sẽ ưu tiên các phần là sở trường như tiếng Anh và Toán logic. Sau khi làm đề xong, Trân đánh dấu những câu sai rồi tra cứu kết quả, ghi chú lại để hạn chế lỗi tương tự. Đồng thời, tổng hợp kiến thức quan trọng của từng phần để lưu ý.

"Việc ôn tập và tham gia kỳ thi đánh giá năng lực giúp mình nhận ra tầm quan trọng của kỹ năng tự học. Khi đi học đại học, nhờ kỹ năng này mà mình nhanh chóng thích nghi, không bị cuống cuồng khi phải ôn tập cho các bài thi", Trân nói.

Đợt 1 của kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức vào ngày 7/4, tại 24 địa phương.

Bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và 3 điểm thi mới là Thừa Thiên - Huế, Bình Phước, Tây Ninh.

Điểm thi đợt 1 dự kiến được công bố vào ngày 15/4.

Đến hiện tại, có 105 trường đại học, cao đẳng đăng ký sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để tuyển sinh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem