“Biển, đảo” hấp dẫn thí sinh

Thứ tư, ngày 11/07/2012 07:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo đánh giá của nhiều giáo viên và thí sinh, điểm đặc biệt nhất của đợt thi thứ 2 và kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay là cách ra đề rất “lạ” vừa sát, vừa có tính thời sự.
Bình luận 0

Vấn đề biển, đảo “tái xuất” trong đề địa lý

Sáng 10.7, kết thúc môn thi cuối cùng, nhiều TS khối C ra khỏi trường thi với vẻ mặt hớn hở và tâm đắc với đề thi địa lý. Nhiều thí sinh nhận định, đề vừa sức, có tính phân loại và độc đáo ở câu hỏi “thời sự” về vấn đề biển, đảo.

img
Thí sinh vui vẻ sau khi kết thúc môn thi cuối (chụp tại địa điểm thi Trường ĐH Nội vụ Hà Nội).

Đề thi có 3 câu phần chung và 2 câu phần riêng. Trong đó, có 1 câu ở phần riêng đề cập đến vấn đề tài nguyên biển, đảo. Cụ thể, câu IV a hỏi: “Chứng minh rằng vùng biển nước ta giàu tài nguyên khoáng sản và nguồn lợi sinh vật biển. Các huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Vân Đồn, Cồn Cỏ thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào?”.

Em Nguyễn Thu Lan – TS dự thi vào Trường ĐH Nội vụ cho biết: “Trong đề địa lý của kỳ thi tốt nghiệp cũng có câu hỏi tương tự về “việc đánh bắt xa bờ có ý nghĩa như thế nào đối với việc bảo vệ an ninh quốc phòng” nên lần này em không bất ngờ. Nói chung câu hỏi không quá khó lại có tính thời sự nên em và nhiều bạn rất thích”.

Rời phòng thi với khuôn mặt rạng rỡ, thí sinh Lương Mạnh Tuyền (Lạng Sơn) dự thi vào khoa Báo chí Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết: “Đề thi địa lý dễ và sát với chương trình học ở lớp 12. Em nghĩ, với các bạn học lực trung bình có thể làm được 60-70%. Trong 4 câu hỏi thì câu nói về biển, đảo là em thấy ý nghĩa nhất. Đây là vấn đề thời sự rất được quan tâm, bản thân em cũng rất lưu ý vấn đề này nên làm bài khá tốt.

Đánh giá đề thi “đặc biệt” này, thầy Nguyễn Đăng Lợi – giáo viên Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng: “Đề thi năm nay gợi mở tính giáo dục, đánh vào nhận thức của giới trẻ và “nóng hổi” tính thời sự. Trong khi đề văn phản ánh được hiện thực về sự cuồng tín đến mê muội của giới trẻ đối với các thần tượng thì đề địa lý lại giúp TS nhận thức được vấn đề chủ quyền của đất nước - vấn đề đang được dư luận trong nước và thế giới đặc biệt quan tâm”.

Cũng theo thầy Lợi, đối với đề địa lý năm nay, TS học chắc môn này có thể dành điểm 9 – 10. Cũng rất tâm đắc với đề thi năm nay, cô Nguyễn Phương Thảo – giáo viên tại Trung tâm Luyện thi Thăng Long (Hà Nội) cho biết: “Có lẽ Bộ GDĐT cũng có dụng ý nhắc nhở ý thức của lớp trẻ qua việc ra đề thi khi vấn đề chủ quyền biển, đảo đang được dư luận khá quan tâm. Tôi đánh giá cao tính giáo dục của các đề thi năm nay”. Cũng theo cô Thảo, xu hướng ra đề thi của Bộ càng ngày càng sát với thực tế, giúp học sinh “thoát” được sách vở và học thuộc lòng.

Đề tiếng Anh hay, đề hoá nhẹ nhàng

Nhận định về đề thi tiếng Anh, thầy Nguyễn Nhật Tảo – giáo viên Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn cho biết: “Phải nói rằng đề thi Anh văn khối D năm nay rất hay, phù hợp với cấu trúc do Bộ GDĐT quy định, trải đều từ ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, kỹ năng đọc và kỹ năng viết”.

Bộ GDĐT cho biết, trong 2 đợt thi, cả nước có 321 TS bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 44, cảnh cáo 13, đình chỉ thi 253 và 11 TS đến muộn không được dự thi. 9 cán bộ bị xử lý kỷ luật (khiển trách 5, cảnh cáo 1 và đình chỉ 3). Tổng số TS đăng ký dự thi là 1.615.979, số đến dự thi là 1.265.338, đạt tỷ lệ 78,30%.

Phần từ vựng đòi hỏi TS phải hiểu biết khá rộng (từ đồng nghĩa, phản nghĩa và đặc biệt là những thành ngữ…) thì mới đưa ra được đáp án chính xác. Phần cấu trúc ngữ pháp có một số câu được đưa vào ở mức độ ngữ pháp nâng cao, nếu không được luyện tập thường xuyên, học sinh phổ thông đơn thuần sẽ không dễ dàng làm được.

“Nói chung đề thi năm nay cho khối D tương đối khó, đạt yêu cầu phân hóa trình độ học sinh để tuyển sinh vào đại học. Dự đoán điểm cao nhất năm nay tương đối ít. Tuy nhiên, TS trung bình khá có cơ hội đạt điểm trên trung bình (6 - 7)” - thầy Tảo nói.

Đối với đề thi môn hoá, thầy Nguyễn Đình Độ (Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn) nhận định: “So với đề khối A trước đó, đề khối B đợt này có phần nhẹ hơn. Vẫn với số câu lý thuyết nhiều hơn bài toán (chiếm 56% như đề khối A) nhưng hầu hết các câu lý thuyết đều không có tính chất “gài bẫy” TS. Dự đoán phổ điểm của đề hóa khối B sẽ cao hơn đề hóa khối A. Học sinh giỏi có thể đạt được 9 điểm và 10 điểm cũng sẽ nhiều hơn so với đề khối A trước đó”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem