Biến những cành dừa khô thành tranh giấy vạn người mê

Nam Cường. Ảnh: NVCC Thứ sáu, ngày 21/04/2023 15:52 PM (GMT+7)
“Nhìn những cành dừa bị vứt trên dọc tuyến đường Hội An – Đà Nẵng, tôi cảm thấy rất tiếc. Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng làm sao để tận dụng cành dừa cạn và biến nó trở thành những bức tranh độc đáo”, anh Lê Thanh Hà, người chế tác ra tranh giấy dừa nghệ thuật chia sẻ.
Bình luận 0

Chế tác thành những bức tranh vạn người mê

Có mặt tại xưởng nhỏ ở đường Nguyễn Đăng Tuyển (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), đập vào mắt tôi là những bức tranh giấy dừa nghệ thuật. Đôi tay tất bật, sự tập trung cao độ của anh Hà cùng cộng sự tạo ra bức tranh hoa sen đặc đáo và nổi bật.

Biến những mẫu dừa khô thành tranh giấy thu hút vạn người - Ảnh 1.

Xưởng anh Lê Thanh Hà liên tục tạo ra tranh giấy dừa đặc sắc. 

 Anh Lê Thanh Hà (45 tuổi, quê Nghệ An) từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế. Sau nhiều năm làm thêm khắp nơi, anh lựa chọn Đà Nẵng là nơi lập nghiệp. Trong một lần chạy xe dọc tuyến biển, thấy người ta vứt bỏ cành dừa chất đầy trên xe rác, anh quyết định nghiên cứu ra loại tranh giấy từ dừa. Bởi nhiều năm trước đó, anh phát hiện ra các loại cây để làm giấy bắt nguồn từ xơ sợi dài, dừa cũng có đặc điểm tương tự nên anh bắt tay và thử nghiệm. Với sự mày mò và nghiên cứu sâu, anh Hà đã thành công, tranh giấy dừa cạn ra đời bằng những công đoạn và thành phần tự nhiên nhất.

Biến những mẫu dừa khô thành tranh giấy thu hút vạn người - Ảnh 2.

Xơ dừa được nấu với vôi và ủ lên men làm bột giấy.

Để cho ra loại tranh giấy dừa đặc biệt này, phải trải qua nhiều công đoạn kỳ công. Thời gian đầu, cành dừa được anh chẻ, chặt ra thành từng đoạn nhỏ, lấy lõi trắng bên trong ngâm nước, lớp màu xanh bên ngoài cùng được làm chất đốt, nấu với vôi trong vòng 24 tiếng cho xơ dừa chín rồi bỏ vào máy nghiền bột. Vì số lượng tranh giấy dừa được nhiều người đặt mua, sau này anh thuê hàng xóm ở xung quanh xưởng để chẻ tàu dừa. Đến công đoạn seo giấy, anh Hà cho biết đây cũng là công đoạn khó nhất. Trước tiên phải giàn bột phẳng trên khung lụa, sau đó sẽ tiến hành in hoa văn, hoạ tiết, hình ảnh theo chủ đề tranh khách hàng yêu cầu và mang đi phơi nắng. Để tạo ra sự đa dạng trong các bức tranh, anh Hà là người vẽ khuôn bằng tay, sau đó sao chụp và vẽ lại trên máy rồi in ra giấy decal, cắt dán các chi tiết lên khuôn, tạo khuôn in hoàn chỉnh.

Biến những mẫu dừa khô thành tranh giấy thu hút vạn người - Ảnh 3.

Bột giấy được trải thẳng lên khung lụa và tiến hành in hoạ tiết.

 Anh áp dụng phương pháp in bằng áp lực nước, một phương pháp của Nhật Bản (có tên gọi Rakusui Washi) để tạo ra bức tranh. Kỹ thuật này đòi hỏi phải có sự tập trung, khéo léo của người làm điều chỉnh mức độ của nước, tùy theo áp lực mức nước mà tạo hình bức tranh ra lớp mỏng, dày.

Biến những mẫu dừa khô thành tranh giấy thu hút vạn người - Ảnh 4.

Bột giấy được trải thẳng lên khung lụa và tiến hành in hoạ tiết.

Anh Hà chia sẻ: "Tôi vốn là một người yêu tự nhiên nên những gì tôi tạo ra một bức tranh đều được làm thủ công, không dùng đến hóa chất, kể cả những hoá chất được phép sử dụng để giữ màu sắc, tạo ra đặc trưng của giấy. Mục đích chính của tôi là vừa bảo vệ môi trường, vừa giữ màu nguyên bản của giấy dừa".

Biến những mẫu dừa khô thành tranh giấy thu hút vạn người - Ảnh 5.

Người thợ sử dụng phương pháp in bằng áp lực nước.

Thời gian để hoàn thành một bức tranh có hoạ tiết đơn giản thì mất khoảng 7 ngày, tranh về chân dung đòi hỏi độ khó cao hơn thì mất gần 30 ngày. Sự nhẫn nại và tỉ mỉ phải được đặt lên hàng đầu, nếu không sẽ khó ra một tác phẩm đẹp.

Để tranh đa dạng nhiều sản phẩm, anh Hà luôn tìm hiểu các nền văn hoá từ nhiều nơi để tạo ra nhiều bức tranh ý nghĩa. Những hình ảnh được anh in trên giấy mang nét đặc trưng của Đà Nẵng, nơi mà thiên nhiên ban tặng như tranh cá chuồn, hoa đào chuông,…. Bên cạnh đó, anh còn làm về những chủ đề hoa sen, Đức Phật, phong cảnh thiên nhiên thu hút đông đảo khách chơi tranh.

Biến những mẫu dừa khô thành tranh giấy thu hút vạn người - Ảnh 6.

Đo đạc cẩn thận để hoàn thiện tranh.

"Tranh của mình làm ra được nhiều người tìm đến và mua, tôi cảm thấy rất vui. Không chỉ bán trong nước, tranh tôi được xuất đi nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Đức, Ý,…. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục theo đuổi dòng tranh này", anh Hà nói thêm.

Biến những mẫu dừa khô thành tranh giấy thu hút vạn người - Ảnh 7.

Tranh giấy dừa được đóng khung và xuyên sáng làm nổi bật các hoạ tiết hơn.

Mong nghề mãi được lưu truyền

Khoảng cuối năm 2015, anh Hà cùng anh Trương Tấn Thọ (Quảng Nam) nghiên cứu và cho ra giấy dừa nước (hay còn gọi giấy Nipa), mở ra một không gian trưng bày những sản phẩm về giấy Nipa. Đến năm 2017, anh chính thức cho ra đời giấy dừa Đà Nẵng, lấy tên với thương hiệu "Giấy quê tôi – Giấy dừa Đà Nẵng" để thể hiện rõ nét đặc trưng của giấy.

Nghệ thuật là sự kết nối giữa tâm hồn của người xem với tác phẩm, người tạo ra tác phẩm phải tìm cách sáng tạo nhưng không mất nét giá trị truyền thống và truyền tải được thông điệp đến với người xem. Biết nghề và phải truyền nghề lại cho những ai quan tâm đến nghệ thuật tranh giấy dừa để không bị mai một.

Biến những mẫu dừa khô thành tranh giấy thu hút vạn người - Ảnh 9.

Các tác phẩm thể hiện rất độc đáo.

Bày tỏ quan điểm của riêng, anh Hà thẳng thắng cho biết, anh luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm với những ai đang quan tâm về loại tranh giấy này. Xưởng tranh của anh hiện tại có 9 tay thợ trẻ, là sinh viên trường mỹ thuật, hoặc người có đam mê, năng khiếu khi đến đều được anh chỉ dẫn, truyền đạt từng bước một.

Anh Hà chia sẻ: "Tranh giấy dừa này ai cũng có thể làm được, chỉ cần tâm mình đặt vào bức tranh, mỗi hoạ tiết sẽ có một nét hồn riêng biệt. Để mà nói sự cạnh tranh thì tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Mỗi người sẽ có một cách làm việc khác nhau, riêng tôi thì luôn sẵn sàng chia sẻ bí quyết, kỹ năng mà tôi có được. Có như thế thì mới có người gìn giữ, truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhìn những gì bản thân sáng tạo ra có người thích thú, muốn làm, tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

Biến những mẫu dừa khô thành tranh giấy thu hút vạn người - Ảnh 10.

Tranh giấy dừa của anh Hà thu hút đông đảo người đến tìm hiểu. 

Mong muốn của tôi là có thể lưu giữ, đưa nghề làm tranh giấy dừa đến được với nhiều người. Tôi thấy các làng nghề truyền thống đang dần mất đi vì đa số không chia sẻ bí quyết cho người khác. Giấu nghề chỉ làm mất đi nét giá trị nghệ thuật mà bản thân đã cố gắng tìm ra", anh nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem