Bình Dương: Có toan tính "xóa sổ" dự án nông nghiệp?

Cao Hùng Thứ hai, ngày 08/06/2020 19:11 PM (GMT+7)
Công ty cổ phần Vinamit (Bình Dương) đang nỗ lực xây dựng và phát triển dự án trồng cây ăn trái và chế biến nông sản (152 ha), theo hướng canh tác hữu cơ. Hơn 13 năm qua, doanh nghiệp này đã cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo nên thương hiệu Vinamit trên thị trường quốc tế.
Bình luận 0

Thế nhưng, chỉ vin vào ý kiến của 1 "cử tri", chính quyền địa phương đã nhanh  chóng lên kế hoạch thanh tra toàn diện dự án của Vinamit, khiến gần 2.000 cán bộ - công nhân viên vô cùng hoang mang?

Trang trại xanh, sạch, lớn nhất tỉnh

Ông Nguyễn Lâm Viên – Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit – cho biết: Từ năm 1996, Vinamit đã khởi nghiệp xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm trái cây sấy khô ở Bình Dương (lúc đó có tên Công ty TNHH Thương mại Đức Thành).

Trước tình trạng nguồn nguyên liệu không ổn định do lệ thuộc vào việc mua gom từ các thương lái; nên Vinamit đã quyết tâm xây dựng cho riêng mình vùng nguyên liệu, phục vụ cho nhà máy sản xuất của công ty.

Bình Dương: Có toan tính "xóa sổ" dự án nông nghiệp để phân lô bán nền ? - Ảnh 1.

Vườn mít bạt ngàn 70 ha do Vinamit đầu tư, với hệ thống tưới nước tự động. Ảnh: Cao Hùng

Năm 2002, Vinamit đã mua lại nông trại trồng cây ăn trái (gần 152 ha) của Trường ĐH Cần Thơ, tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Năm 2007, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho phép Vinamit chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Tuân thủ chỉ đạo trên, ngày 20/12/2007, Vinamit đã nộp tiền sử dụng đất hơn 32 tỷ đồng vào ngân sách.

Bình Dương: Có toan tính "xóa sổ" dự án nông nghiệp để phân lô bán nền ? - Ảnh 2.

Hàng chục nhà kính chuyên canh tác các loại rau sạch, cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Ảnh: Cao Hùng

Từ đó đến nay, Vinamit đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng trên khu đất hơn 150 ha, một trang trại trồng cây ăn trái, trồng rau sạch…, lớn nhất vùng. Theo ông Viên: "Hiện công ty đang sử dụng đất đúng mục đích đã được cấp phép trong dự án là trồng trọt. Chúng tôi không hề để đất hoang hóa, không hề trì trệ tiến độ dự án. Cuối năm 2016, trang trại đã được Tổ chức chứng nhận toàn cầu (USDA) công nhận và cấp chứng nhận hữu cơ (EU và NOP) cho trang trại, cũng như tất cả sản phẩm được tạo ra từ trang trại".

PV Dân Việt đã đến tận nơi và chứng kiến trang trại của Vinamit tại xã Phước Sang. Vinamit đã đầu tư xây dựng 24 nhà kính trồng rau sạch (diện tích từ 3.000 – 6.000 m2/nhà lồng, tổng diện tích đất trồng rau 20,2 ha).

Bình Dương: Có toan tính "xóa sổ" dự án nông nghiệp để phân lô bán nền ? - Ảnh 3.

Khổ qua trồng theo canh tác hữu cơ tại trang trại Vinamit. Ảnh: Cao Hùng

Bên cạnh đó, là hàng loạt vườn cây ăn trái đã được công ty đầu tư, phát triển rất bài bản. Cụ thể: trồng mít từ 1 - 5 năm tuổi (70 ha), trồng chuối (5,5 ha), trồng thơm (4,2 ha)… Ngoài ra, Vinamit còn đầu tư kênh tưới nước, ao, giao thông (11,3 ha), nhà ở cho công nhân, chuồng trại nuôi heo – gà – vịt...

Đặc biệt, Vinamit còn đầu tư phòng thí nghiệm, khu vực nuôi cấy vi sinh dùng để chống sâu bệnh cho cây, theo phương pháp trồng trọt thật sự hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu...

Nhiều năm qua, từ nguồn liệu tại trang trại ở xã Phước Sang, mà Vinamit đã chế biến rất nhiều sản phẩm nông sản sấy khô để bán trong nươc và xuất khẩu. Riêng rau sạch, Vinamit cung cấp hàng ngày cho các siêu thị ở TP.HCM.

Không sai phạm, vì sao thanh tra ?

Tưởng rằng, dự án trên của Vinamit xuôi chèo mát mái, bất ngờ gần đây, tỉnh Bình Dương đã có nhiều động thái "quan tâm" tới trang trại của Vinamit ở xã Phước Sang.

Đầu tiên là Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) mở cuộc kiểm tra "việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai" đối với Vinamit. Ngày 8/1/2020, Sở TNMT tỉnh Bình Dương đã ra Kết luận kiểm tra số 102/KL-STNMT.

Tại kết luận này, Sở TNMT cũng không vạch ra được bất kỳ sai sót nhỏ nào của Vinamit, tại dự án phát triển nông nghiệp ở xã Phước Sang. Trái lại, Sở TNMT phải thừa nhận Vinamit đã đầu tư hàng loạt vườn cây ăn trái, vườn rau sạch... Sở này cũng xác nhận nhà nước giao đất cho Vinamit theo hình thức "giao đất có thu tiền sử dụng đất được Sở TNMT xác nhận ngày 19/2/2008".

Bình Dương: Có toan tính "xóa sổ" dự án nông nghiệp để phân lô bán nền ? - Ảnh 4.

Công nhân Vinamit đang vô bao bì rau lang để cung cấp cho các siêu thị. Ảnh: Cao Hùng

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Ngọc Thúy, tại kết luận trên: "Qua kết quả kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của Vinamit cho thấy: Tổng diện tích đất 152,58 ha công ty đang quản lý, sử dụng chủ yếu là để sản xuất nông nghiệp: trồng mít, chuối, rau... Hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp chưa có đóng góp vào ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Do đó, việc sử dụng đất như trên cần được đánh giá hiệu quả kinh tế, mục đích sử dụng đất hiện nay để làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành nông nghiệp theo định hướng phát triển của địa phương...".

Từ đó, lãnh đạo Sở TNMT đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương giao Thanh tra tỉnh "kiểm tra toàn diện đối với dự án sản xuất nông nghiệp tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo của Vinamit".

Bình Dương: Có toan tính "xóa sổ" dự án nông nghiệp để phân lô bán nền ? - Ảnh 5.

Tại một khu vườn chuyên canh trái thơm dùng cho chế biến sấy khô xuất khẩu. Ảnh: Cao Hùng

Trong khi đó, năm 2019, Vinamit đóng thuế VAT cho ngân sách Bình Dương hơn 34 tỷ đồng. Năm 2018 gần 30 tỷ đồng, năm 2017 hơn 28 tỷ đồng. Đó là chưa nói, Vinamit còn đóng góp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hàng tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách Bình Dương và các đóng góp xã hội khác ở cấp xã và huyện nơi có nông trại.

"Hàng năm, Vinamit đóng thuế cho ngân sách Bình Dương tăng như vậy, sao lại nói chưa đóng góp ngân sách địa phương ? Vinamit không phải doanh nghiệp nhà nước, mà sản xuất kinh doanh bằng tiền túi mình, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thì đóng góp ngân sách chính là nộp thuế " - ông Viên nói.

Bình Dương: Có toan tính "xóa sổ" dự án nông nghiệp để phân lô bán nền ? - Ảnh 6.

Vinamit đầu tư cả hồ chứa nước trong trang trại để sử dụng tưới tiêu cho cây trái trong mùa khô. Ảnh: Cao Hùng

Ông Viên cho rằng: "Nông sản từ nông trại là nguồn nguyên liệu để Vinamit chế biến sản phẩm, cung cấp ra thị trường. Hiệu quả của nó là lợi nhuận doanh nghiệp thu về khi bán sản phẩm hoàn thiện. Không thể nhìn ngọn rau, trái mít trên cây để đo đếm so sánh. Và công ty chúng tôi luôn có lợi nhuận, nên nộp thuế năm sau cao hơn năm trước cho ngân sách tỉnh Bình Dương!"- ông Viên nói.

Chưa nói, Vinamit còn là doanh nghiệp hiếm hoi của Việt Nam đã đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ sạch. Và trên mảnh đất hơn 150 ha đó, cách đây khoảng 10 năm, Vinamit đã cải tạo, rửa sạch đất để canh tác 100% hữu cơ.

Lo lắng cho diện tích lớn đất nông nghiệp?

Trước kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh Bình Dương, khóa IX, ở đơn vị huyện Phú Giáo, có 1 cử tri xã Phước Sang phát biểu: "Đề nghị tỉnh xem xét thu hồi đất của Công ty Vinamit để quy hoạch khu dân cư tập trung dọc hai tuyến đường ĐH.504 và 508, nhằm tạo tiềm lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương!".

Bình Dương: Có toan tính "xóa sổ" dự án nông nghiệp để phân lô bán nền ? - Ảnh 7.

Hệ thống nuôi cấy vi sinh dùng trong canh tác hữu cơ, được Vinamit đầu tư tại trang trại. Ảnh: Cao Hùng

Trong khi , hơn 150 ha đất nông trại, theo Luật Đất đai 2013, là tài sản của Vinamit khi đất đã được bồi thường và được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất một lần (hơn 32 tỷ đồng). Chưa nói, theo quy hoạch sử dụng đất, khu đất trên thuộc quy hoạch đất nông nghiệp...

Nhưng việc Sở TNMT quyết định kiến nghị UBND  tỉnh kiểm tra "kiểm tra toàn diện" dự án đất đai của doanh nghiệp vì cho rằng dự án "chưa có đóng góp vào ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương" đang gây sự lo lắng cho người lao động tại công ty.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem