Bình Phước sẽ là "điểm đến hấp dẫn" vùng Đông Nam bộ, thu ngân sách 30.000 tỷ đồng năm 2030.
Bình Phước sẽ là “điểm đến hấp dẫn”, thu ngân sách 30.000 tỷ đồng vào năm 2030
Đông Anh
Thứ tư, ngày 11/12/2024 17:47 PM (GMT+7)
Chiều ngày 11/12, UBND tỉnh Bình Phước đã họp báo thông tin về Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến năm 2030, tỉnh Bình Phước sẽ trở thành tỉnh công nghiệp, là "điểm đến hấp dẫn" của vùng Đông Nam Bộ.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 và điều chỉnh tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 24/10/2024.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh tháo gỡ những "điểm nghẽn", định hình các đột phá chiến lược và khơi thông thêm nhiều tiềm năng, lợi thế mới; xây dựng Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn, cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ.
Theo quy hoạch đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là "điểm đến hấp dẫn" của vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá.
Tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số.
Chú trọng phát triển công nghiệp nhanh và bền vững. Phát triển nông nghiệp với tư duy kinh tế nông nghiệp. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn. Xây dựng các sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch Bình Phước là điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Cụ thể, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 10%. Cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 11%. Kinh tế số chiếm tỷ trọng 30%. GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng.
Đặc biệt, về thu ngân sách nhà nước, Bình Phước sẽ phấn đấu đạt 30.000 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 600 ngàn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 8-9 tỷ USD. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%. Số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2021-2030 là 15.000 doanh nghiệp. Khách du lịch đạt 3,5 triệu lượt khách.
Bà Trần Tuyết Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho hay: "Tỉnh ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng như: Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Đây là 2 dự án trọng điểm về giao thông của tỉnh Bình Phước trong thời gian tới".
Ngoài ra, tỉnh cũng ưu tiên đào tạo lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thu hút, chuyển đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn lao động có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng an sinh xã hội để ổn định và phát triển lâu dài.
Theo bà Phan Thị Kim Oanh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước: " Tỉnh huy động các nguồn lực để phát triển mạng lưới khu công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 18.105 ha. Toàn tỉnh phát triển 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.830 ha".
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thiết lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh với 6.873,56km2; phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước.
Hiện nay, Bình Phước đã ban hành danh mục các dự án ưu tiên, chính sách ưu đãi đầu tư, đẩy mạnh huy động vốn từ các tập đoàn kinh tế lớn. Để quy hoạch thực sự mang lại hiệu quả, Bình Phước tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết.
Đồng thời, mở rộng hợp tác với các địa phương khác, trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và theo đúng pháp luật nhằm hình thành và phát triển mối quan hệ lâu dài, bền vững.
Nói như ông Nguyễn Minh Chiến - Trưởng ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh Bình Phước: "Hiện tỉnh Bình Phước có 15 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt đang hoạt động, thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn 4 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trong nước hơn 18.000 tỷ đồng, với hơn 72.000 lao động… Quy hoạch được thông qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là với tỉnh còn nhiều dư địa phát triển như Bình Phước. Quy hoạch đi vào thực tiễn, sẽ góp phần phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.