Bộ Công an truy thăng cấp bậc hàm cho 3 cán bộ CSGT hy sinh trong vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 31/07/2023 11:48 AM (GMT+7)
Bộ Công an đã có quyết định truy thăng cấp bậc hàm 3 cán bộ cảnh sát giao thông (CSGT) hy sinh khi làm nhiệm vụ trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Bình luận 0

Sáng 31/7, Bộ Công an đã có quyết định truy thăng cấp bậc hàm 3 cán bộ CSGT Trạm Madaguôi hy sinh khi làm nhiệm vụ trên đèo Bảo Lộc.

Theo đó, thăng cấp bậc hàm cho thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (42 tuổi) lên trung tá; thăng cấp bậc hàm cho thượng úy Lê Quang Thành (46 tuổi) lên đại úy; thăng cấp bậc hàm cho thượng úy Lê Ánh Sáng (33 tuổi) lên đại úy.

Bộ Công an thăng quân hàm cho 3 cán bộ CSGT hy sinh trong vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc - Ảnh 1.

Hiện trường vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc. Ảnh: Văn Long

Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra công điện "Khẩn trương triển khai các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh".

Theo đó, trước tình hình diễn biến thời tiết mưa nhiều, diễn ra liên tục trong thời gian qua, một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng sạt lở đất, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tính mạng, tài sản của người dân. Đặc biệt, vào khoảng 14 giờ 45 phút ngày 30/7, sạt lở đất tại Km 103+100, Quốc lộ 20 với khối lượng đất đá rất lớn (chiều dài sạt lở khoảng 50m, cao 3m), gây ách tắc giao thông, hư hại một số tài sản của Nhà nước và nhân dân...

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng.

Yêu cầu lực lượng công an, quân đội và các lực lượng tại địa phương huy động, tăng cường đầy đủ, kịp thời nhân lực, máy móc, phương tiện, thiết bị để tập trung tổ chức cứu hộ, cứu nạn tại khu vực sạt lở đất ở đèo Bảo Lộc. Sẵn sàng phối hợp với chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức cứu nạn, cứu hộ, tham gia khắc phục hậu quả ngay khi có sự cố xảy ra.

UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện, cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Kiên quyết tổ chức di dời (cưỡng chế di dời khi cần thiết), sơ tán ngay các hộ dân tại khu vực chân núi, khu vực có độ dốc lớn nguy hiểm nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn đến tính mạng, tài sản của nhân dân; đồng thời, chủ động phương án hỗ trợ, ổn định nơi tránh trú, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo các công ty thủy điện vận hành hồ chứa đúng quy trình vận hành. Có phương án xả lũ hợp lý đối với các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Thông tin cảnh báo kịp thời cho người dân biết, chủ động ứng phó, nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp, tuyệt đối không xả lũ vào ban đêm.

Giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở, cơ quan, địa phương kiểm tra, rà soát để phát hiện và kịp thời xử lý các đoạn đường có nguy cơ mất an toàn giao thông. Xây dựng phương án phân luồng giao thông đối với các tuyến đường huyết mạch, quốc lộ, tỉnh lộ để đảm bảo kết nối giao thông trên địa bàn tỉnh thông suốt, an toàn; nhất là phương án điều tiết, tổ chức giao thông đối với tuyến Quốc lộ 20 (qua đèo Bảo Lộc, đèo Mimosa)…



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem