"Bộ đôi" Nguyễn Hữu Tín - Đào Anh Kiệt và 2 văn bản bất thường

Cao Hùng - Lê Thanh Hoàng Thứ bảy, ngày 23/11/2019 10:46 AM (GMT+7)
Nguyên phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) TP.HCM Đào Anh Kiệt, hiện đã bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam do sai phạm trong việc giao “đất vàng” công sản cho doanh nghiệp của Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm). Nhưng trước đó, "bộ đôi" này khi còn đương nhiệm đã ký văn bản bất thường, khuất tất khiến doanh nghiệp lao đao nhiều năm.
Bình luận 0

“Tổng kho tồn trữ lương thực” – một dự án lận đận, long đong...

Công ty Thuận Hưng được ông Lâm Trúc Nhỏ (sinh 1960, thường trú quận 1, TP.HCM) thành lập từ năm 1992. Ngay thời điểm đó, Thuận Hưng đã chuẩn bị đầu tư dự án “tổng kho tồn trữ lương thực”trên khu đất hơn 10,6 ha, tại phường 7, quận 8, TP.HCM.

Công ty Thuận Hưng tự bỏ tiền ra bồi thường cho các hộ dân và hoàn thành mọi thủ tục pháp lý về đất đai, thiết kế xây dựng, phê duyệt quy hoạch 1/500 trên khu đất 10,6 ha. Năm 1995, Thuận Hưng nộp trước 50% tỉ lệ phí sử dụng đất.

Đồng thời, Thuận Hưng đã nhập khẩu 15 bộ khung kho tiền chế Zamil Steel, trị giá hơn 10 triệu USD, nhằm mục đích sau khi dự án được cấp phép sẽ triển khai xây dựng tổng kho, với thời gian nhanh nhất.

Thế nhưng, cũng vào thời điểm đó, TP.HCM cho phép Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng xây dựng dự án khu đô thị mới. Một phần cụm E thuộc dự án của liên doanh Phú Mỹ Hưng chồng lên diện tích 10,6 ha đất của dự án Thuận Hưng. Ngày 12/9/1994, UBND TP.HCM đã có Thông báo số 763/TB-VP-QLĐT đề nghị “hoán đổi khu đất khác có diện tích tương đương”, để Thuận Hưng xây dựng tổng kho. Khu đất 10,6 ha này của Thuận Hưng giao cho Phú Mỹ Hưng. Mọi thủ tục “hoán đổi” phải thực hiện hoàn tất trong… 1 tháng.

img

Khu đất 8,6 ha của Công ty TNHH Thuận Hưng hiện nằm sát bên Trung tâm thương mại - Chợ đầu mối Bình Điền (phường 7, quận 8, TP.HCM). Ảnh: Cao Hùng

Tin tưởng trong 1 tháng được “hoán đổi” đất, Thuận Hưng đã bàn giao toàn bộ hồ sơ pháp lý của khu đất cho liên doanh Phú Mỹ Hưng để nhận khu đất khác... Tuy nhiên, trên thực tế, đất hoán đổi cho Thuận Hưng không thấy đâu; trái lại, mất đến 2 năm, thủ tục hoán đổi, phê duyệt của các cơ quan chức năng mới xong. Ngày 9/5/1996, Chính phủ đã ra văn bản số 2086/KTN đồng ý về chủ trương cho phép Thuận Hưng đầu tư xây dựng tổng kho, diện tích 10,6 ha, vốn đầu tư 192,2 tỷ đồng…

Ngày 19/8/1996, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương đã ban hành Quyết định số 558/TTg, chấp thuận “thu hồi 106.375 m2 đất thuộc phường 7, quận 8, TP.HCM” cho Công ty Thuận Hưng thuê, để đầu tư xây dựng “khu chế biến nông hải sản và kho bảo quản lương thực”. Thời hạn thuê đất là 30 năm.

Ngày 17/9/1996, UBND TP.HCM mới cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty Thuận Hưng trên khu đất 10,6 ha (khu đất cũng thuộc phường 7, quận 8). Mặc dù vậy, công tác bồi thường cho người dân để giải phóng mặt bằng, thu hồi đất giao cho Công ty Thuận Hưng vẫn còn dang dở…

Năm 1997, Công ty Thuận Hưng gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, thêm vào đó, 15 bộ khung kho nhà tiền chế lưu giữ quá lâu, bị hư hỏng nặng, không thể sử dụng… Trong khi tiền vay ngân hàng mua 15 bộ khung kho, Thuận Hưng chưa thể hoàn trả. Đây là nguyên nhân dẫn tới cơ quan điều tra khởi tố vụ án tại Công ty Thuận Hưng. Nhưng qua xác minh, cơ quan điều tra đã xác định Công ty Thuận Hưng không vi phạm pháp luật, nên ra quyết định đình chỉ vụ án.

Đến năm 2003, nhằm giải quyết cho Công ty Thuận Hưng tiếp tục thực hiện dự án tổng kho, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND TP.HCM tổ chức giao đất cho Thuận Hưng. Năm 2005, UBND TP.HCM ra quyết định “điều chỉnh, bổ sung” quyết định số 558/TTg ngày 19/8/1996 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, TP.HCM giải quyết cho Công ty Thuận Hưng thuê đất hàng năm trên diện tích 8,3 ha (thay vì 10,6 ha) để xây dựng kho lương thực – nông sản. Còn lại 2,3 ha (trong tổng số 10,6 ha), TP thu hồi để giao Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn xây dựng Trạm xử lý nước thải, phục vụ Chợ đầu mối Bình Điền…

Một lần nữa, UBND TP.HCM hứa sẽ “hoán đổi” 2,3 ha đất ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, cho Công ty Thuận Hưng xây dựng khu dân cư.

img

Trung tâm thương mại Bình Điền do Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) làm chủ đầu tư. Ảnh: Cao Hùng

2 văn bản bất thường

Công ty Thuận Hưng nợ ngân hàng là chuyện bình thường, nhưng điều bất thường là Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) – chủ đầu tư chợ đầu mối Bình Điền, kề bên khu đất 8,3 ha của Thuận Hưng – lại đề nghị UBND TP.HCM yêu cầu Thuận Hưng phải “bán tài sản” cho Satra để trả nợ các ngân hàng. Ngày 14/3/2006, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã ra Thông báo số 150/TB-VP chấp thuận, theo đề nghị của Satra.

Thuận Hưng đành phải ký Hợp đồng số 66/HĐ-2007 ngày 27/3/2007 “chuyển nhượng” khu đất 8,3 ha cho… Công ty cổ phần (CP) Bình Điền (thay vì phải là Satra). Giá chuyển nhượng là 186 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí san lấp (8 tỷ đồng) và tiền thuê đất 38 năm (28,5 tỷ đồng), Công ty CP Bình Điền chỉ trả cho Thuận Hưng 149,5 tỷ đồng, để Thuận Hưng dùng vào việc trả nợ ngân hàng.

Thế nhưng, sau việc “chuyển nhượng” trên, Thanh tra TP.HCM cho rằng Thuận Hưng không được chuyển nhượng QSDĐ cho Công ty CP Bình Điền (71% vốn góp của tư nhân). Việc chuyển nhượng QSDĐ này là trái Luật Đất đai năm 2003. Thuận Hưng chỉ có thể chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất cho Satra (100% vốn nhà nước), sau đó Satra làm thủ tục thuê lại đất.

img

Với 2 văn bản "bất bình thường" từ ông Nguyễn Hữu Tín và Đào Anh Kiệt, khu đất 8,6 ha của Công ty Thuận Hưng đã lọt vào tay Công ty CP Bình Điền (71% vốn tư nhân). Ảnh: Cao Hùng

Ngày 28/12/2008, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng ra Thông báo số 988/TP-VP, khẳng định việc chuyển  nhượng trên là không thể được. Tuy nhiên, kéo dài đến 5 năm sau, ngày 8/1/2013, Satra mới tổ chức cuộc họp với Thuận Hưng và Công ty CP Bình Điền để xử lý vụ việc trên.

Tại cuộc họp này, đại diện Satra khẳng định “Satra sẽ không đầu tư trực tiếp vào khu đất 8,3 ha của Công ty Thuận Hưng, mà sẽ do Công ty Thuận Hưng trực tiếp đầu tư xây dựng theo quy hoạch chung”. Công ty Thuận Hưng và Công ty CP Bình Điền “tự nguyện không tiếp tục thực hiện Hợp đồng số 66/HĐ-2007 ngày 27/3/2007”. Công ty Thuận Hưng chuyển trả lại cho Công ty CP Bình Điền số tiền đã nhận (149,5 tỷ đồng - PV).

Trong khi Công ty Thuận Hưng đang thực hiện các thủ tục để nhận lại 8,3 ha đất; đồng thời, doanh nghiệp cũng triển khai phương án tài chính hoàn trả lại 149,5 tỷ đồng cho Công ty CP Bình Điền, thì bất ngờ, ngày 4/9/2015, ông Đào Anh Kiệt – Giám đốc Sở TNMT TP.HCM lúc đó – ra văn bản số 6607/TNMT-QLSDĐ, gửi UBND TP.HCM.

Theo đó, ông Kiệt cho rằng, vào ngày 25/8/2015, Sở TNMT đã “tổ chức họp xử lý khu đất 8,3 ha” (không mời Công ty Thuận Hưng, dù Thuận Hưng là chủ thể của khu đất). Ông Kiệt kết luận “Công ty TNHH Thuận Hưng không có khả năng tài chính để hoàn trả lại cho Công ty CP Bình Điền”, nên kiến nghị “thu hồi đất của Công ty TNHH Thuận Hưng”.

img

Ông Lâm Trúc Nhỏ (áo sọc xanh) - Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hưng. Ảnh: T.L

Đồng thời, ông Kiệt kiến nghị UBND TP “quyết định cho Công ty CP Bình Điền thuê đất”… Rất nhanh chóng, bỏ qua chủ thể đang thuê 8,3 ha đất hợp pháp là Công ty Thuận Hưng, ngày 22/9/2015, ông Nguyễn Hữu Tín – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ra văn bản 5732/UBND-ĐTMT, chỉ đạo Ban quản lý khu Nam lập thủ tục thu hồi đất của Thuận Hưng để giao lại cho Công ty CP Bình Điền.

Ngày 8/10/2015, Ban quản lý khu Nam ra văn bản số 1272/BQLKN-ĐĐMT, gửi UBND TP.HCM đề nghị thu hồi 8,3 ha đất của Thuận Hưng. Cuối cùng, ngày 8/12/2015, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ra Quyết định số 6525/QĐ-UBND, thu hồi và cho Công ty CP Bình Điền thuê 8,3 ha đất.

Ông Lâm Trúc Nhỏ - Giám đốc Công ty Thuận Hưng – bức xúc: “Hai văn bản, quyết định từ ông Đào Anh Kiệt – Giám đốc Sở TNMT và ông Nguyễn Hữu Tín – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã giúp cho Công ty CP Bình Điền trắng trợn “phỗng tay trên” 8,3 ha đất mà Công ty Thuận Hưng đã bồi thường từ người dân, đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ và đang thuê hợp pháp từ nhà nước để thực hiện dự án tổng kho dự trữ lương thực. Dựa vào đâu để kết luận Thuận Hưng “không có khả năng tài chính”, để tước đoạt quyền thuê đất hợp pháp của chúng tôi?”.

Theo ông Nhỏ, việc làm bất thường trên từ các cơ quan liên quan của TP.HCM lúc đó là đầy khuất tất; trái ngược hoàn toàn với các chỉ đạo trước đó của chính UBND TP và các sở, ngành liên quan, là yêu cầu Công ty Thuận Hưng nhận lại đất, tiếp tục thực hiện dự án và hoàn trả lại 149,5 tỷ đồng cho Công ty CP Bình Điền.

Dân Việt sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem