Bộ GTVT có "kịch bản" đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Thế Anh Thứ năm, ngày 18/05/2023 18:33 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật phức tạp, cần nhiều nguồn lực lớn để đầu tư.
Bình luận 0

Bộ GTVT vừa thông báo về việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó, bổ sung phương án xây dựng mới đường sắt trên trục Bắc - Nam theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm.

Thông tin về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô lớn, công nghệ - kỹ thuật phức tạp, cần nhiều nguồn lực lớn để đầu tư, là động lực quan trọng để tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội cả nước và được Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng.

Theo đó, Ban QLDA Đường sắt, tư vấn và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; cập nhật, bổ sung nghiên cứu hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) dự án.

Bộ GTVT đưa ra "kịch bản" đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Ảnh 1.

Toa tàu hành khách ngành đường sắt đang khai thác. Ảnh: TA

Trên cơ sở các kịch bản đầu tư đã nghiên cứu, kịch bản theo ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các đơn vị nghiên cứu bổ sung các nội dung.

Cụ thể, đối với kịch bản đường sắt mới chỉ vận tải hành khách, bổ sung đường sắt hiện hữu cải tạo, nâng cấp, điện khí hóa phù hợp với lộ trình cam kết của Việt Nam tại COP26 để vận tải hàng hóa; Bổ sung phương án xây dựng mới đường sắt trên trục Bắc - Nam theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa để vận tải hành khách và hàng hóa làm cơ sở để so sánh, lựa chọn.

Về hướng tuyến, cơ bản giữ nguyên hướng tuyến đã thống nhất với các địa phương trước đây. Đối với một số địa phương có ý kiến điều chỉnh, Thứ trưởng Huy yêu cầu Ban QLDA đường sắt, tư vấn triển khai ngay công tác rà soát và làm việc để thống nhất với các địa phương.

Đồng thời, Ban QLDA đường sắt khẩn trương nghiên cứu, làm việc với các địa phương về phạm vi, vị trí bổ sung các ga hàng hóa đối với kịch bản vận tải chung hành khách và hàng hóa.

Thứ trưởng Duy cũng yêu cầu Ban QLDA đường sắt, tư vấn rà soát nhiệm vụ - dự toán hoàn thiện báo cáo NCTKT dự án, trong đó nếu cần thiết đề xuất một số chuyên gia nước ngoài có chuyên môn sâu về công nghệ - kỹ thuật (thông tin, tín hiệu, phương tiện, khai thác vận tải...) tham gia dự án để bảo đảm tiến độ, chất lượng lập báo cáo NCTKT dự án.

Viện Chiến lược và phát triển GTVT cập nhật, bổ sung số liệu, kết quả dự báo nhu cầu vận tải cho các kịch bản đầu tư đường sắt Bắc - Nam gồm: Khai thác khách; Khai thác hỗn hợp khách, hàng hóa. Cục Đường sắt VN, Ban QLDA đường sắt và tư vấn phối hợp xây dựng, cung cấp thông tin chi tiết các kịch bản.

Trước đó, UBND TP.Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động số 23 ngày 3/2 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đến năm 2027, Hà Nội hoàn thành tuyến đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô; mở rộng Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn chỉnh các tuyến đường bộ cao tốc hướng tâm, các tuyến còn lại của Vành đai 4, Vành đai 5 - Vùng thủ đô.

Đáng chú ý, Hà Nội cũng sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận đạt tiêu chuẩn quốc tế; hoàn thành tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; nghiên cứu đầu tư tuyến Hà Nội - Hải Phòng; tuyến vành đai phía đông - Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Thạch Lỗi) và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh).



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem