Bỏ phố về làng trồng hoa sen mà trai Nghệ An làm ra 11 sản phẩm OCOP, thu 15 tỷ/năm
Bỏ phố về làng trồng loại hoa gì mà chàng trai Nghệ An làm ra tới 11 sản phẩm OCOP, thu 15 tỷ/năm?
Cảnh Thắng - Nguyễn Tình
Thứ ba, ngày 25/07/2023 19:05 PM (GMT+7)
Bỏ phố về làng, anh Phạm Kim Tiến ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã biến những vùng ao bùn, ruộng thấp thành cánh đồng trồng sen bát ngát. Loài hoa sen thơm ngát vươn mình từ bùn đen đã giúp anh Tiến làm ra 11 sản phẩm OCOP, thu về 15 tỷ/năm.
Giấc mơ làm giàu từ những cánh đồng hoa sen bát ngát
Sinh ra và lớn lên ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, tuổi thơ gắn liền bên những cánh đồng sen bát ngát hương thơm, anh Phạm Kim Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sen quê Bác luôn dành tình yêu đặc biệt với loài hoa này. Từ nhỏ anh đã thích tìm hiểu, quan sát các loài thực vật, đặc biệt đối với loài hoa vươn mình từ bùn đen.
CLIP: Anh Phạm Kim Tiến cùng các thành viên hợp tác xã Sen quê Bác ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An sơ chế hoa sen trước khi chế biến thành các sản phẩm OCOP khác nhau. Thực hiện: Thắng Tình.
Hoa sen có rất nhiều giá trị nhưng người dân nơi đây vẫn chưa thể tận dụng để biến nó trở thành một loài cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế. Từ đó, giấc mơ làm giàu từ chính loài hoa trên quê hương mình đã thôi thúc anh Tiến thi vào trường Đại học Nông nghiệp 1 với chuyên ngành bảo vệ thực vật và trồng trọt.
Sau khi tốt nghiệp anh Tiến cũng có được công việc ổn định với mức thu nhập khá ở thành phố. Nhưng những hình ảnh về cánh đồng sen bát ngát, giấc mơ thủa thiếu thời đã thôi thúc chàng trai trẻ bỏ phố về làng.
Dù biết rằng để hiện thực hóa được giấc mơ của mình đó là cả một quá trình rất gian nan, đối mặt với rủi ro.
"Khi quyết định về quê lập nghiệp, tôi đã dành thời gian sưu tầm các giống sen, tìm hiểu đặc tính sinh học và các sản phẩm có thể chế biến từ hoa sen. Nhiều điều mình chưa biết, chưa khám phá hết, đặc biệt là trong thực tế có những điểm không giống như mình tìm hiểu trên lý thuyết. Vừa làm, vừa học và tìm hiểu, thậm chí nhiều lần thất bại. Mình dần hoàn thiện các sản phẩm, được thị trường đón nhận", anh Phạm Kim Tiến chia sẻ.
Năm 2013, anh Tiến quyết định đấu thầu một số ao đầm trong xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An rồi đầu tư mua giống để trồng hoa sen với mong muốn phủ kín các ao hồ, ruộng lầy trong làng bằng các giống hoa sen, tạo cảnh quan cho du khách thưởng ngoạn khi về thăm quê Bác.
Ngoài giống hoa sen bản địa, chàng trai trẻ này còn thử nghiệm ươm nhiều giống hoa sen khác nhau cả trong và ngoài nước tại những vùng ruộng thấp trũng dân làng không canh tác.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những ngày đầu gắn bó với hoa sen đó là quá trình đưa được giống hoa sen Đồng Tháp về Nghệ An. Đây là giống hoa sen có giá trị kinh tế rất cao.
Lần đầu tiên anh Tiến cùng cộng sự vào đưa về nhưng khi đến Nghệ An thì hầu hết hoa sen giống đã chết. Đến lần thứ 2, khi trồng tất cả cũng không thể sống nổi vì quãng đường vận chuyển quá xa.
Đến lần thứ 3, anh Tiến và cộng sự quyết định không dừng nghỉ dọc đường mà thay nhau chạy xe một mạch về Nghệ An. Không phụ công người, giống hoa sen Đồng Tháp đã bén duyên với xứ Nghệ. Từ đó, anh Tiến có thêm một giống hoa sen mới cho năng suất, giá trị cao.
Làm 11 sản phẩm OCOP từ hoa sen, thu về 15 tỷ mỗi năm
Năm 2019, anh Tiến mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Sen quê Bác, vừa trồng, cung ứng giống sen, hoa sen vừa chế biến các loại trà sen, sản phẩm từ hạt sen… Tròn 10 năm "bỏ phố về làng" lập nghiệp, đến nay anh Tiến đã nhân giống được cả trăm loại hoa sen khác nhau trên diện tích 30 ha.
Ngoài ra, hiện anh còn liên kết với người dân trên địa bàn trồng 40 ha hoa sen. "Chúng tôi cung cấp giống, kỹ thuật và hướng dẫn người dân cách sơ chế. Sau khi thu hoạch, người dân có thể bán bông hoặc sơ chế rồi bán lại cho chúng tôi. Nếu trồng đúng kỹ thuật, trồng hoa sen đem lại kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng lúa" - anh Tiến chia sẻ.
Mùa thu hoạch hoa sen bắt đầu từ khoảng đầu tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Sáng sớm, người dân bắt đầu ra ruộng thu hoạch hoa sen để sơ chế. Hoa sen được thu hoạch thường là những bông sen mới chớm nở, đây là thời điểm hoa sen có hương thơm nhất.
Chị Nguyễn Thị Lan (trú làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) cho biết, tất cả các bộ phận trên bông sen đều được tận dụng triệt để để làm trà và các sản phẩm khác. Những bông hoa sen sau khi thu hoạch được tách từng bộ phận ra. Phần cánh sen được tách riêng, mang đi sấy khô trước khi ướp trà.
Những bộ phận còn lại trong bông sen sẽ được tách riêng từ tua sen, gạo sen, đài sen bao tử, tâm sen… để ướp thành các loại trà khác nhau.
"Túi tinh dầu nằm trên nhụy hoa sen còn gọi là gạo sen, được tách riêng để ướp với một số loại trà Shan Tuyết. Để ướp với 1 kg trà Shan Tuyết thì cần tới 800 - 1.600 bông hoa sen mới đủ, đây cũng là sản phẩm cao cấp nhất của hợp tác xã" Anh Tiến cho biết.
Những bộ phận trên cây sen đều được tận dụng triệt để. Chỉ riêng hạt sen, Hợp tác xã Sen quê Bác đã sản xuất thành nhiều sản phẩm như: hạt sen sấy khô, sữa hạt sen, hạt sen tươi…
Trong số 15 sản phẩm chế biến sâu từ cây sen của Hợp tác xã quê Bác, có 11 sản phẩm được công nhận 3 - 4 sao OCOP. Theo anh Tiến, hiện các sản phẩm của hợp tác xã không chỉ được bán làm quà tặng khi du khách về với quê Bác mà còn đã có mặt ở khắp các thị trường trong Nam, ngoài Bắc, mang lại doanh thu hơn 15 tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều sản phẩm cũng đã được xuất ngoại theo đường tiểu ngạch và nhận được những phản hồi rất tích cực.
Điều khiến anh Tiến tâm đắc nhất không phải là số tiền thu về mỗi năm, mà là hình ảnh hoa sen được phủ kín các hồ, ao, vùng trũng thấp tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp trên quê Bác. Mùa sen, hoa tỏa hương thơm ngát, dịu nhẹ, tạo thành một điểm nhấn trong lòng du khách khi về thăm quê Bác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.