Bộ Quốc phòng kiến nghị rà soát hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 13/06/2023 19:21 PM (GMT+7)
Bộ Quốc phòng cho rằng, việc sửa đổi, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy còn chậm, chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; số ít cơ quan, đơn vị còn để xảy ra sự cố cháy nổ nhỏ ở đơn vị.
Bình luận 0

Chiều 13/6, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban "Việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020 - 2022" tổ chức họp, xem xét, đánh giá kết quả thực hiện của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

Bộ Quốc phòng kiến nghị rà soát hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, phiên họp được tổ chức nhằm có thêm thông tin, làm cơ sở quan trọng đánh giá toàn diện tình hình thực hiện các quy định về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020 - 2022 của các bộ, ngành. 

Trên cơ sở đó, làm rõ những kết quả đạt được, bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020 - 2022. 

Đồng thời, xác định nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, trách nhiệm của các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị, cá nhân; làm cơ sở kiến nghị các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 và hoàn thiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ làm việc với Chính phủ, 12 bộ, 4 tập đoàn lớn của Việt Nam và một số địa phương.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Đoàn giám sát sẽ làm việc với 4 Bộ, gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính.

Bộ Quốc phòng kiến nghị rà soát hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Theo Báo cáo của Bộ Quốc phòng, ngay sau khi Nghị quyết 99/2019/QH14 của Quốc hội được ban hành, Bộ đã ban hành 4 quyết định, 1 Chỉ thị để chỉ đạo toàn quân về công tác phòng cháy, chữa cháy; ban hành 106 công điện chỉ đạo toàn quân chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố, kiểm tra, rà soát điều chỉnh bổ sung kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy…

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy được triển khai đồng bộ, sâu rộng, thường xuyên đổi mới về nội dung, phương thức và hình thức; công tác đào tạo, huấn luyện, phối hợp trong chỉ đạo, điều hành việc thực hiện kế hoạch, quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy được triển khai chủ động, tích cực. Hàng năm, các cơ quan chức năng của Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy theo kế hoạch hoặc đột xuất…

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai, Bộ Quốc phòng cho rằng, việc sửa đổi, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy còn chậm, chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; số ít cơ quan, đơn vị còn để xảy ra sự cố cháy nổ nhỏ ở đơn vị…

Bộ Quốc phòng kiến nghị, cần tiếp tục tổ chức rà soát một cách tổng thể hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; tổ chức nghiêm pháp luật về công tác này trong toàn xã hội…

Bộ Quốc phòng kiến nghị rà soát hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy - Ảnh 4.

Đại diện các Bộ, ngành tại Phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Tiếp đó, Đoàn giám sát đã nghe Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 99/2019/QH14.

Đoàn giám sát đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết 99/2019/QH14 của các Bộ Quốc phòng, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; cho rằng, sau khi Nghị quyết 99/2019/QH14 được ban hành, công tác phòng cháy, chữa cháy của các bộ, ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phối hợp quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy giữa các bộ, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả.

Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ rõ, Báo cáo của các bộ, ngành chưa chỉ rõ sự khác biệt về những kết quả đạt được trước và sau khi Nghị quyết 99/2019/QH14 được ban hành; những kiến nghị về hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật chưa chỉ rõ cụ thể ở văn bản quy phạm pháp luật nào; công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai nhưng chưa rõ kết quả xử lý vi phạm như thế nào?...

Đoàn giám sát đề nghị, các Bộ, ngành cần rà soát, bổ sung kết quả thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/62015, của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là sau khi có Nghị quyết 99/2019/QH14.

Cùng với đó, cần làm rõ tồn tại, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân, trong đó, tập trung rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan. Từ đó, có kiến nghị cụ thể để cùng có tiếng nói chung trong sửa đổi, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy, tạo sự thống nhất trong quá trình thực thi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem