Ngày 10/10/2024, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Tại cuộc họp, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật Dẫn độ và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Ảnh Bộ Công an
Theo đó, Ban soạn thảo dự án Luật Dẫn độ gồm 27 thành viên, do Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng ban, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng làm Phó trưởng ban; Tổ biên tập dự án Luật Dẫn độ gồm 28 thành viên, do Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an làm Tổ trưởng.
Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù gồm 26 thành viên, do Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng ban, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng làm Phó trưởng ban; Tổ biên tập dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù gồm 28 thành viên, do Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an làm Tổ trưởng.
Trình bày cáo cáo tại phiên họp, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, dự thảo Luật Dẫn độ gồm 4 chương, 49 điều, quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tiếp nhận, chuyển giao người bị yêu cầu dẫn độ giữa Việt Nam với nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động tiếp nhận, chuyển giao người bị yêu cầu dẫn độ. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động chuyển giao người bị yêu cầu dẫn độ. Dự thảo được xây dựng bám sát theo 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua gồm: Thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ; Nâng cao hiệu quả hoạt động dẫn độ; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong thực hiện dẫn độ.
Dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù gồm 5 chương, 58 điều, quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được xây dựng bám sát theo 03 nhóm chính sách đã được Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua gồm: Tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phù hợp với tình hình mới; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong việc thực hiện hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao về nơi có điều kiện tốt hơn để tiếp tục chấp hành án phạt tù và tái hòa nhập cộng đồng.
Tại phiên họp, các đại biểu cùng các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao về mục đích, quan điểm xây dựng 2 dự án Luật cũng như các chính sách của 2 dự án Luật và cùng nhau thảo luận về những nội dung cơ bản của 2 dự án Luật...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.