Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói về bỏ rào cản Hộ khẩu ở thành phố

PVCT Thứ hai, ngày 10/08/2020 12:52 PM (GMT+7)
Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, điều kiện về thời gian tạm trú như quy định hiện hành chỉ áp dụng với TP trực thuộc TƯ. Đây là vấn đề rào cản đối với công dân đang thực sự sinh sống tại các TP trực thuộc T.Ư, họ khó đăng ký thường trú vào những nơi này.
Bình luận 0

Sáng nay (10/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 47. Tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Một trong những vấn đề lớn cơ quan thẩm tra dự thảo Luật xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo liên quan đến điều kiện đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) ở Điều 21.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong thường trực cơ quan này nhất trí với đề nghị của Chính phủ việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương như luật hiện hành.

Tuy nhiên, cần phải có một số điều kiện nhất định đối với việc đăng ký thường trú của người thuê, mượn, ở nhờ.

Bộ trưởng Công an nói về bỏ rào cản đăng ký thường trú ở thành phố - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (ảnh N.T).

Về điều kiện cụ thể, qua thảo luận trong Thường trực Ủy ban Pháp luật, đa số ý kiến nhất trí với quy định giao HĐND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương quyết định diện tích bình quân chỗ ở tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ như đề xuất của Chính phủ.

Điều này nhằm bảo đảm điều kiện thiết yếu cho người dân, phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; đồng thời, đây cũng là công cụ để các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có thể điều tiết việc phân bổ dân cư thông qua xác định điều kiện đăng ký thường trú ở từng địa phương.

"Quy định như vậy có thể tạo ra sự khác nhau giữa các địa phương về điều kiện đăng ký thường trú. Tuy nhằm bảo đảm cho người đăng ký thường trú có được điều kiện về không gian sống cần thiết nhưng thực tế áp dụng tại Thủ đô Hà Nội thời gian qua cho thấy đối tượng đăng ký thường trú theo trường hợp này không nhiều mà chủ yếu lại đăng ký theo diện sở hữu nhà hoặc chuyển về ở cùng người thân thì lại không bị giới hạn bởi điều kiện về diện tích chỗ ở", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết.

Một số ý kiến khác trong Uỷ ban Pháp luật đề nghị quy định tiêu chí về thời gian tạm trú nhất định tại địa bàn là điều kiện xem xét đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ để phù hợp với định nghĩa về nơi thường trú, thể hiện ý định gắn bó, sinh sống lâu dài, ổn định của công dân đối với nơi đăng ký thường trú, tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật ở mọi địa phương, không có sự phân biệt về vùng, miền, địa bàn.

Phương án này cũng có hạn chế là tăng thêm điều kiện đối với người cư trú tại các tỉnh và cũng mới chỉ áp dụng cho một nhóm đối tượng có tính thay đổi cao về chỗ ở."Dự thảo Luật đang thể hiện theo loại ý kiến đa số", Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho hay.

Phát biểu nêu quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, về điều kiện đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) ở điều 21, xin được giữ nguyên như dự thảo.

Bộ trưởng nói thêm, Luật hiện hành, quy định điều kiện đối với các trường hợp thuê, mượn, ở nhờ cần báo cáo yêu cầu diện tích bình quân tối thiểu, điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp; điều kiện sống cần thiết cần phù hợp với yêu cầu thực tiễn, điều kiện của từng địa phương.

Việc bổ sung những điều kiện về đăng ký thường trú trong trường hợp cần có giấy tờ, tài liệu chứng minh cho thuê, cho mượn nhà, cho ở nhờ 1 năm trở lên và có thời gian đăng ký tạm trú ở địa phương từ 1 năm trở lên sẽ tác động đến những quyền lợi của công dân.

Điều kiện về thời gian tạm trú như quy định hiện hành chỉ áp dụng với TP trực thuộc TƯ. Đây là vấn đề rào cản đối với công dân đang thực sự sinh sống tại các TP trực thuộc T.Ư, họ khó đăng ký thường trú vào những nơi này.

Quy định này tạo sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các công dân. Do vậy không nên tiếp tục áp dụng quy định này, cần mở rộng phạm vi áp dụng như tất cả các địa phương trên cả nước, tạo thuận lợi cho người dân nói chung.

Về quy định xóa đăng ký thường trú, tạm trú với công dân vắng mặt ở nơi đăng ký thường trú từ 12 tháng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Chúng tôi quyết định giữ nguyên dự thảo trình như ý kiến đa số đại biểu Quốc hội.

Việc xóa đăng ký thường trú để nâng cao trách nhiệm của công dân trong việc chấp hành pháp luật về cư trú, giúp chính quyền địa phương các cấp có thể có chính sách phát triển kinh tế sát với nhu cầu của người dân trong từng địa bàn quản lý, bố trí nguồn lực hợp lý với đối tượng thụ hưởng giải pháp.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc xóa này cũng không có nghĩa là xóa toàn bộ thông tin công dân trên cơ sở dữ liệu dân cư. Cơ sở dữ liệu về cư trú có thông tin của công dân vẫn được lưu trữ, quản lý sử dụng khai thác sử dụng bình thường.

Trên thực tế, nếu thực hiện biện pháp này thì số người xóa tên thường trú, tạm trú thì không nhiều. Theo số liệu thực tế của lực lượng Công an, qua rà soát, số dân hiện nay vắng mặt nơi thường trú từ 12 tháng liên tục hiện nay có khoảng 689.000 hộ, với 3,4 triệu nhân khẩu. Trong số này có khoảng 1,2 triệu người, cơ quan chức năng quản lý được là do họ chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố, địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem