Vay vốn lãi suất thấp: Bộ trưởng Công Thương "than" khó vì "chủ trương có nhưng điều kiện bó"

An Linh Thứ tư, ngày 05/06/2024 09:33 AM (GMT+7)
Trưởng ngành Công Thương khẳng định, dù chủ trương cho vay vốn lãi suất thấp, song điều kiện ngặt nghèo, khó khăn khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn vay và chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Bình luận 0

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn sáng nay 5/6 tại Hội trường. Phiên sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời nhóm vấn đề nóng liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam tại Quyết định 68 của Chính phủ.

Công nghệ cao trong nước: Linh kiện nội địa chỉ đáp ứng được 10%

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) đặt vấn đề, Chính phủ ban hành Quyết định số 68 về phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2006-2025, đến nay kết quả ra sao, liệu Việt Nam có đạt được mục tiêu đáp ứng 65% nhu cầu sản xuất nội địa vào năm 2025 không?

Bộ trưởng Công Thương

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời, khi triển khai thực hiện Quyết định 68 của Chính phủ, Bộ đặt trọng tâm thực hiện 3 lĩnh vực: Linh kiện phụ tùng máy móc thiết bị; Công nghiệp hỗ trợ dệt may da giày; Hỗ trợ công nghệ cao.

"Sau 6 năm thực hiện với mục tiêu phải đạt 45% trở lên nhu cầu cho sản xuất nội địa, chúng ta đã đạt được về linh kiện kim loại đạt 85-90% nhu cầu của xe máy, 15-40% linh kiện cho ô tô tùy theo chủng loại xe, 40-60% linh kiện cho máy và máy động lực, ngành da giày 40-45%", ông Diên thông tin.

Tuy nhiên, trưởng ngành Công Thương nêu một số ngành đạt thấp như điện tử viễn thông, tin học, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 15%, công nghệ cao sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 10%.

Ông Diên cho rằng, kết quả thực hiện Quyết định 68 cũng giúp Việt Nam giảm dần phụ thuộc nguyên liệu của nước ngoài, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành chế biến, chế tạo trong cơ cấu công nghiệp nói chung, cơ cấu nền kinh tế, đóng góp vào công nghiệp chủ lực của Việt Nam.

Về nguyên nhân sản phẩm công nghiệp thấp hơn mục tiêu, ông Diên nói rằng do nguồn lực của Nhà nước đầu tư còn hạn chế, khó tiếp cận; chính thu hút FDI chưa khuyến khích và ràng buộc liên kết của doanh nghiệp nước ngoài và trong nước nên dẫn đến tình trạng này.

"Ngành Công nghiệp cơ khí thu hút vốn khó bởi thị trường hẹp, Việt Nam là nước đi sau nên khả năng cạnh tranh với các nước phát triển khó. Việc hợp tác với các cấp, ngành, cơ quan đơn vị và cả doanh nghiệp là chưa thật tốt. Chính sách là có nhưng chúng ta chưa thể tiếp cận được", ông Diên nhấn mạnh.

Về giải pháp để đạt được 65% nhu cầu nền kinh tế, Bộ trưởng Công Thương cho rằng: Cần hoàn thiện đồng bộ chính sách, trong đó cần ban hành Luật phát triển công nghiệp trọng điểm, phân bổ nguồn lực giữa trung ương và địa phương, bố trí đủ nguồn lực cho CNHT, đào tạo nhân lực có chất lượng và tăng cường CNHT Việt Nam đủ sức cạnh tranh.

Bộ trưởng Công Thương

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi suất, điều kiện vay thông thoáng hơn cho doanh nghiệp cho nền kinh tế. Ông này than phiền: "Chủ trương thì có nhưng điều kiện thì bó là không giải quyết được".

Về lo ngại của đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) về việc, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng có nền kinh tế có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp chính sách tốt sẽ đem lại nhiều hệ lụy, như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với biến động từ bên ngoài, xuất, nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng lao động, vẫn ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, nguy cơ bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn của Việt Nam. Việc đẩy mạnh đàm phá các FTAs chúng ta mới có vốn, kinh nghiệm quản trị và mở rộng thị trường.

Ông Diên cho rằng: Nếu kéo dài chủ trương thu hút vốn và mở rộng thị trường xuất khẩu, bỏ thuế nguy cơ sẽ đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế gia công, bẫy thu nhập trung bình.

Vì vậy, Bộ trưởng Công Thương cho rằng một mặt cần nâng cao năng lực hội nhập của nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng. Mặt khác cũng phải mở cửa thị trường thông qua thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, ký kết mới, nâng cấp FDI mới.

Theo ông Diên, ưu tiên hội nhập kinh tế của Việt Nam là chú trọng đàm phán với hoàn thiện thể chế trong nước, ưu tiên đối tác đàm phán chiến lược. Chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu đánh giá tác động FDI.

Tiêu chí chọn đàm phán, dựa vào quy mô tiềm năng của thị trường, ưu tiên các đối tác có tiềm năng tăng trưởng cao, Việt Nam có lợi thế; ưu tiên những nước có độ mở lớn, giảm thuế quan, giảm hàng rào phi thuế quan và khả năng hợp tác hỗ trợ phát triển, hợp tác nghiên cứu phát triển và cuối cùng là dựa vào tầm quan trọng chiến lược phát triển của đối tác trong khu vực về thế giới.

Liên quan đến vấn đề tỷ giá cao, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Tỷ giá cao ảnh hưởng đến nhập khẩu nhưng lại có lợi cho xuất khẩu. Kinh tế Việt Nam Việt Nam xuất khẩu là chủ đạo nên phần nào đó Việt Nam có lợi nhờ tỷ giá tăng.

"Chúng ta mong xuất khẩu bền vững đem lại giá trị gia tăng cao chứ không phải trông chờ vào tỷ giá", ông Diên nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem