Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Kêu gọi nhà đầu tư "rót vốn" vào đâu?

Thế Anh Thứ tư, ngày 23/10/2024 14:51 PM (GMT+7)
Tờ trình Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Chính phủ gửi Quốc hội nêu rõ một số hạng mục kêu gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện.
Bình luận 0

Chiều dài tuyến giữa các ga ngắn nhất

Tại Tờ trình Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam gửi Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được nghiên cứu, lựa chọn "ngắn nhất có thể".

Về hướng tuyến, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch của địa phương; đáp ứng các yêu cầu về điểm khống chế; chiều dài tuyến giữa các ga ngắn nhất; đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tạo êm thuận cho hành khách.

Dự án này, phù hợp với điều kiện địa hình khu vực tuyến đi qua; hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng; hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực tập trung đông dân cư, giảm thiểu ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu.

Dự án đường sắt tốc độ cao: Kêu gọi nhà đầu tư "rót vốn" vào đâu? - Ảnh 1.

Bên nhà ga đường sắt đang được khai thác.

Cùng đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam bảo đảm liên kết hành lang Đông - Tây, các tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc, Lào, Campuchia. Dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố thống nhất trên nguyên tắc thẳng nhất Phương.

Đối với các vông trình nhà ga, Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ có 23 ga hành khách.

Các nhà ga này được đầu tư phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương. Vị trí nhà ga đặt tại khu vực trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương hoặc khu vực gần trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch có tiềm năng phát triển mới, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất.

Nhà ga đường sắt bảo đảm kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông công cộng và bảo đảm khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện.

Kêu gọi nhà đầu tư tham gia

Trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến mỗi vị trí ga quy hoạch không gian vùng phụ cận từ 200 - 500ha tùy vị trí (trừ ga Thủ Thiêm), gồm 3 khu chức năng.

Trong đó, khu trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách, quảng trường, bãi đỗ xe có diện tích 6 - 8ha, tương đồng với quy mô nhà ga 4 đường của các tuyến đường sắt tại Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản; Khu vực dịch vụ, thương mại có diện tích từ 10 - 15ha; khu vực đô thị dịch vụ có diện tích 250 - 300 ha.

Trong phạm vi dự án, sử dụng vốn đầu tư công để đầu tư khu chức năng trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách.

Ngoài ra, phần phục vụ cho mục đích dịch vụ, thương mại và khu phát triển TOD sẽ do địa phương kêu gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện.

Riêng đối với ga Ngọc Hồi, là ga đầu mối đường sắt khu vực Thành phố Hà Nội, được tích hợp với các tuyến ĐSĐT, đường sắt quốc gia, được quy hoạch khoảng 250ha; ga Thủ Thiêm, tích hợp với các tuyến ĐSĐT, quy mô dự kiến khoảng 17,2ha.

Đối với ga hàng: Đề xuất xây dựng 5 ga hàng tại các đầu mối hàng hóa lớn kết nối với Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các cảng biển lớn, khu kinh tế ven biển và kết nối hệ thống đường sắt phục vụ vận tải liên vận quốc tế, thuận lợi cho công tác hậu cần phục vụ quốc phòng, an ninh, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu về kết hợp giữa phát triển kinh tế gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5 ha.

Trong bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, Tư vấn rà soát, nghiên cứu đề xuất vị trí, quy mô cụ thể các nhà ga phù hợp, bảo đảm đáp ứng đủ các yêu cầu cho các khu chức năng phục vụ chạy tàu, nhà ga trung tâm, quảng trường ga và các công trình kết nối đa phương thức.

Ngoài ra, trong quá trình khai thác, khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn", khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật khai thác sẽ giao cho địa phương chủ trì kêu gọi nhà đầu tư thực hiện.

Sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn: Khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Trong đó, các hạng mục chi phí bao gồm: Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: 150.148 tỷ đồng (khoảng 5,9 tỷ USD); Chi phí xây dựng: 846.014 tỷ đồng (khoảng 33,25 tỷ USD); Chi phí thiết bị: 280.771 tỷ đồng (khoảng 11,03 tỷ USD); Chi phí quản lý dự án: 20.282 tỷ đồng (khoảng 0,8 tỷ USD); Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: 91.946 tỷ đồng (khoảng 3,61 tỷ USD); Chi phí khác: 22.986 tỷ đồng (khoảng 0,9 tỷ USD); Chi phí dự phòng (gồm lãi vay): 301.401 tỷ đồng (khoảng 11,85 tỷ USD); Quy mô công trình xây dựng trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Công trình cầu chiếm khoảng 60%; Công trình hầm chiếm 10%; Nền đường là khoảng 30%.

Suất đầu tư dự án khoảng 43,7 triệu USD/km. Đây là mức trung bình so với một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem