Bộ Xây dựng: Áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản năm 2024 vẫn căng

Thái Nguyễn Thứ tư, ngày 10/07/2024 17:29 PM (GMT+7)
Theo Bộ Xây dựng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, nhất là áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản lên đến 115.663 tỷ đồng.
Bình luận 0

Trong báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024, Bộ Xây dựng đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý I/2024 còn nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, khối lượng phát hành trái phiếu quý I/2024 giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2024, ước tính có khoảng 279.219 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. 

Trong đó, phần lớn là trái phiếu bất động sản với 115.663 tỷ đồng, tương đương 41,4%. Lũy kế trong quý I/2024 có 14 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 13.060 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng. 

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm nay, nguồn cung nhà ở thương mại có 18 dự án hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới và 984 dự án đang triển khai; số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở: 32 dự án hoàn thành, 16 dự án được cấp phép mới và 519 dự án đang triển khai; có 8 dự án nhà ở xã hội hoàn thành.

Giá chào bán căn hộ chung cư bình quân toàn thị trường có xu hướng tăng từ cuối năm 2023 đến thời điểm hiện tại, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, nguyên nhân do thiếu nguồn cung. Loại hình nhà ở riêng lẻ và đất nền cũng ghi nhận giá giao dịch có xu hướng tăng. 

Có khoảng trên 253.000 giao dịch thành công trong 6 tháng đầu năm, bằng 110,26% so với 6 tháng cuối năm 2023, chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền. 

Bộ Xây dựng dẫn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 28/2 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.113.673 tỷ đồng. Về nguồn vốn FDI (tính đến ngày 20/6), kinh doanh bất động sản thu hút 1,89 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài, đứng thứ hai trong tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Bộ Xây dựng: Áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 vẫn căng- Ảnh 2.

Các ngân hàng mới giải ngân 1.234 tỷ đồng cho các chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội. Ảnh: Viết Niệm.

Bộ Xây dựng nhận định, 6 tháng đầu năm, thị trường đã có phản ứng tích cực với các tín hiệu như mức độ quan tâm, tìm kiếm thông tin về bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao. Thị trường ghi nhận có hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, mới mở bán. Bên cạnh đó, việc lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người mua nhà… cũng giúp gia tăng niềm tin cho khách hàng, tăng thanh khoản trên thị trường. Tuy nhiên, thị trường và doanh nghiệp bất động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Về tình hình thực hiện gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho biết, qua tổng hợp, đến nay mới có 32/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia với 73 dự án. Trong đó một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP.HCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)...

Các ngân hàng đã giải ngân 1.234 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm 1.202 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án và 32 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án (Ngân hàng Agribank: 531 tỷ đồng; Vietinbank: 306 tỷ đồng; BIDV: 134 tỷ đồng; Vietcombank: 2 tỷ đồng; TPbank: 170 tỷ đồng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem