Bộ Xây dựng: "Cò đất" hoành hành, thao túng đấu giá đất mang tính tổ chức
Bộ Xây dựng: "Cò đất" hoành hành, thao túng đấu giá đất mang tính tổ chức
Phương Thảo
Thứ ba, ngày 24/09/2024 17:11 PM (GMT+7)
Theo Bộ Xây dựng, hiện tượng đẩy giá rất cao một số lô đất rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng "giá ảo" để thao túng thị trường đấu giá đất nhằm thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến và thậm chí còn mang tính tổ chức.
Trong báo cáo về thị trường bất động sản mới gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng nêu, về việc đấu giá đất, ngoài việc những lợi ích đạt được thì việc này cũng đã bộc lộ một số hạn chế, tiêu cực. Chẳng hạn như, trong quá trình tổ chức thực hiện đấu giá, đặc biệt là đấu giá đất ở một số nơi còn có hiện tượng "cò đấu giá", "thông đồng,... làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng cho biết, có hiện tượng trả giá rất cao một số lô đất rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng "giá ảo" để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá khác nhằm thu lợi bất chính diễn ra khá bổ biến ở nhiều nơi và thậm chí còn mang tính tổ chức.
Gần đây xuất hiện một số trường hợp có kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm và cũng có tác động đến thị trường bất động sản khu vực.
Theo phản ánh ban đầu, tại một số địa bàn TP Hà Nội, kết quả đấu giá và giá trúng đấu giá được ghi nhận ở mức rất cao. Điển hình như đấu giá đất tại huyện Hoài Đức với mức trúng đấu giá cao gấp 18 lần so với giá khởi điểm.
Theo Bộ Xây dựng, có 3 nguyên nhân chính đã tác động đến kết quả đấu giá đất vừa qua.
Thứ nhất, do mức giá khởi điểm thấp thu hút lượng lớn người tham gia. Thứ hai là số tiền đặt cọc để tham gia đấu giá là khá thấp và cuối cùng là trong các cuộc đấu giá có nhiều hội nhóm đầu tư chuyên tham gia đấu giá rồi bán ngay để kiếm lời. Bên ngoài khu vực đấu giá, đông người môi giới trực chờ kết quả, sẵn sàng chào mua, bán đất với giá chênh từ 200 đến 500 triệu đồng/lô.
Thị trường bất động sản bị tác động tiêu cực khi giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.
Theo đó, mức giá trúng đấu giá sẽ làm mốc giá tham chiếu để xác định mặt bằng giá mới (thậm chí cao hơn nhiều) cho khu vực lân cận địa điểm đấu giá.
Điều này có lợi cho các dự án đã được giao đất và đã nộp tiền sử dụng đất, nhưng lại gây bất lợi cho các dự án đã được chấp thuận nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, các trường hợp trúng đấu giá với mức giá cao còn gây ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản đã hoặc đang chào bán lân cận địa điểm đấu giá.
Giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào và kéo theo tăng giá nhà ở, bất động sản. Các doanh nghiệp khó có cơ hội đầu tư dự án bình dân, giá thấp mà bắt buộc phải đầu tư bất động sản cao cấp, siêu sang phục vụ cho các đối tượng thu nhập rất cao trong xã hội mới có thể thu hồi vốn và kinh doanh có hiệu quả. Từ đó, gây thêm khó khăn cho người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình trong việc tạo lập nhà ở.
Bộ Xây dựng phân tích
Thực tế, giá trúng đấu giá đất thường là giá cơ sở để các tổ chức, cá nhân tham chiếu và xác định giá mua, bán, chuyển nhượng khi giao dịch bất động sản.
Ngoài ra, mặt bằng giá đất tăng quá cao sẽ khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không thể có phương án đầu tư, kinh doanh có hiệu quả dẫn đến không thu hút được đầu tư xây dựng trên địa bàn và làm suy giảm, hạn chế nguồn cung trong tương lai.
Cuối cùng, kết quả trúng đấu giá đất cao bất thường sẽ ảnh hưởng, gây khó khăn cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Điều này có thể dễ kích động người dân bị thu hồi đất đã nhận hoặc chưa nhận tiền bồi thường khiếu nại đòi mức cao hơn phương án đã được phê duyệt, gây mất ổn định xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.