BSR sẽ đưa ra thị trường khoảng 1,4 triệu m3 xăng dầu trong hai tháng cuối năm
BSR sẽ đưa ra thị trường khoảng 1,4 triệu m3 xăng dầu trong hai tháng cuối năm
Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Thứ bảy, ngày 19/11/2022 21:48 PM (GMT+7)
Trong hai tháng cuối năm 2022, Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) sẽ đưa ra thị trường khoảng 1,4 triệu m3 sản phẩm xăng dầu, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường.
Theo Phó Tổng Giám đốc BSR Nguyễn Việt Thắng, thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới có những biến động phức tạp, còn thị trường trong nước có tình trạng trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ngay từ những ngày cuối tháng 10, BSR đã liên tục tăng công suất sản xuất của nhà máy lọc dầu từ 107% đến 109% và tăng lên cao nhất là 112 %.
Để đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho nhà máy, PVN đã chỉ đạo BSR phối hợp với các đơn vị khai thác dầu khí trong nước gia tăng sản lượng lên mức tối đa tại các mỏ như Bạch Hổ, Đại Hùng, Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Hải Thạch Mộc Tinh và gia tăng trên 400.000 thùng dầu thô cho hai tháng, đáp ứng công suất vận hành 112% đến hết năm 2022.
Tuy nhiên, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho vận hành vượt công suất thiết kế cũng đang là thách thức với BSR. Theo đó, việc tiếp cận các nguồn dầu thô trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Brunei hay các nguồn dầu thô ở xa hơn như Nga, Azerbaijan rất khó khăn. Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng cao, các phụ phí cũng như là các chi phí vận tải để đưa dầu thô về Việt Nam cũng bị tăng. Một khó khăn khác là cơ chế thuế cho nhập khẩu các nguyên liệu trung gian thay thế dầu thô vẫn phải chịu thuế 5% trong khi mức thuế suất nhập khẩu dầu thô là 0%. Đây chính là các khó khăn với doanh nghiệp trong việc tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho việc tăng sản lượng chế biến xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ông Thắng cho biết.
Đối với nguồn dầu thô trong nước, BSR đã có hợp đồng dầu thô 3-5 năm đối với các mỏ như Bạch Hổ, Đại Hùng. Hiện BSR tiếp tục làm việc và kiến nghị PVN hỗ trợ để ký hợp đồng dài hạn với các mỏ như Tê giác trắng, Hải Thạch Mộc Tinh, Rubby, Sư Tử Đen trong cái bối cảnh tổng sản lượng dầu thô trong nước sụt giảm.
Để duy trì công suất cao và đảm bảo vận hành cho nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Chính phủ cần chỉ đạo điều chỉnh Nghị định về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 95, Nghị định 83) phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo phản ánh đủ các chi phí của nhà sản xuất cũng như các thương nhân. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu về 0% đối với các nguyên liệu ngoài dầu thô đưa về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhằm gia tăng cái sản lượng và tăng độ linh hoạt vận hành. Đặc biệt, Chính phủ và PVN cần tiếp tục hỗ trợ mua các cái nguồn dầu thô trong nước dài hạn đưa về nhà máy trên cơ sở quyền mua của nước chủ nhà để chủ động nguồn cung và đảm bảo an toàn vận hành, ông Thắng đề xuất.
Trong 10 tháng của năm 2022, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đưa ra thị trường là trên 6,6 triệu mét khối xăng dầu các loại, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.