Bùng nổ livestream bán hàng đại hạ giá: Nỗi lo xáo trộn thị trường, "kẻ khóc người cười"

Nguyễn Thịnh Thứ năm, ngày 11/07/2024 14:22 PM (GMT+7)
Sự bùng nổ của Megalive (phiên livestream có quy mô lớn) với các sản phẩm đại hạ giá, giá rẻ hơn nhiều so với thị trường khiến cho giới thương nhân gặp khó, dễ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Bình luận 0

Xu hướng livestream bán hàng đang ngày càng được đẩy mạnh. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ, việc nắm bắt và ứng dụng hiệu quả xu hướng này sẽ là chìa khóa giúp các doanh nghiệp và các nhà bán lẻ tăng trưởng doanh thu.

Thời gian gần đây, hình thức Megalive (phiên livestream có quy mô lớn) liên tục xuất hiện. Megalive thường có sự kết hợp trực tiếp giữa các nhãn hàng và những người nổi tiếng hay thậm chí cả sàn thương mại. 

Điều đáng nói, ở những phiên livestream có quy mô lớn này, hầu hết các sản phẩm đều được bán với mức giá thấp hơn so với thị trường. Điển hình là ở phiên livestream ngày 6/6 của một KOL có biệt danh "chiến thần review".

Bùng nổ livestream bán hàng đại hạ giá: Nỗi lo xáo trộn thị trường, "kẻ khóc người cười"- Ảnh 1.

Bùng nổ livestream bán hàng đại hạ giá. Ảnh chụp màn hình.

Ví dụ: Bình đun siêu tốc thủy tinh Goldsun 1.8 Lít GKT2607G được bán với giá 204.000 đồng, trong khi giá niêm yết của sản phẩm này tại cửa hàng Điện máy xanh là 279.000 đồng. Tượng tự với nồi cơm điện tử Kangaroo 1.8 lít KG18DR12 được bán trong livestream với mức giá 944.250 đồng, còn mức giá niêm yết tại cửa hàng Điện máy Xanh là 1.490.000 đồng.

Theo nghiên cứu của Statista, dự báo tốc độ phát triển thương mại điện tử của Việt Nam năm 2025 có thể lên đến 29% và tổng quy mô thị trường có thể đạt mức 39 tỷ USD.

Bình quân mỗi tháng, Việt Nam hiện có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream diễn ra, với hơn 50.000 nhà bán hàng. Trung bình người Việt dành đến 13 tiếng mỗi tuần để mua sắm qua các phiên livestream.

Ngoài ra còn hàng loạt các sản phẩm khác được “chiến thần review“ tung bán đại hạ giá, thấp hơn rất nhiều so với giá các đại lý đang bán. Nhiều người cho rằng các công ty đã đối xử không công bằng, thuê người nổi tiếng tự bán lẻ để cạnh tranh với chính các đại lý phân phối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của họ.

"Tôi từng chứng kiến phiên livestream của họ ("chiến thần review") bán dầu gội giá sốc khi chỉ có giá 18.000 đồng/chai. Trong khi công ty giao cho đại lý như chúng tôi giá 68.000 đồng/chai. Việc công ty thuê người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội livestream bán giá quá rẻ như thế khiến chúng tôi cảm thấy bị đối xử không công bằng. Liệu chúng tôi có thể tồn tại?", chị Nguyễn Nga - chủ một đại lý ở Nam Định chia sẻ.

Chuyên gia marketing Cao Tùng nói với PV Dân Việt về nỗi lo của những phiên livestream bán hàng đại hạ giá: "Ở các nước phát triển, ít có việc nhà sản xuất bán giá cao hơn so với nhà phân phối. Đơn cử như Apple, họ luôn giữ giá bán cao hơn các đại lý phân phối nội địa. Họ không giảm giá để cạnh tranh trực tiếp với các nhà bán lẻ mà có thì chỉ tung quyền lợi cho khách hàng khi mua tại cửa hàng Apple".

Ông Tùng nói thêm rằng giá bán rẻ qua các phiên livestream gây bất ổn và hoang mang trên thị trường: "Nhiều mặt hàng bán trong phiên livestream có giá thấp hơn nhiều so với giá bán tại đại lý, cửa hàng nên thu hút lượng khách hàng lớn trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như: TikTok, Shopee... Việc bán hàng với mức giá quá thấp, rẻ hơn thị trường khiến cho sự cạnh tranh không lành mạnh". 

Với thực trạng ấy, ông Tùng khẳng định, hiện nay nhiều nhãn hàng biết cách tận dụng thương mại điện và livestream để bán hàng nhưng lại bất chấp giảm giá sâu, không quan tâm đến hệ thống phân phối. Do đó, về lâu dài nhãn hàng đó sẽ mất đại lý.

Trong khi đó, Shark Lê Hùng Anh – Chủ tịch BIN Corporation Group tỏ ra khá gay gắt về vấn đề này: "Dạo này tôi thấy rất nhiều buổi livestream bán hàng đại hạ giá, ở nước ngoài cũng có chuyện này, livestream bán hàng giảm giá ầm ầm, sale tới 50%... Những cái đó sẽ phá nát thị trường.

"Một trong những cái cốt lõi của vấn đề là phải làm sao làm chủ được kênh bán hàng của chúng ta. Đừng quá thuộc vào những kênh bán hàng theo trào lưu".

Vấn đề nở rộ những phiên livestream bán hàng giá rẻ vừa qua cũng được các Đại biểu quốc hội đưa ra chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Trong đó, câu hỏi được quan tâm chính là hàng bán quá rẻ như vậy có phải hàng thật hay hàng giả, liệu có hiện tượng phá giá thị trường hay không?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem