Bước đi "đột phá" của Hà Nội trong việc thực hiện Đề án 06 Chính phủ
Bước đi "đột phá" của Hà Nội trong việc thực hiện Đề án 06 Chính phủ
Hoàng Thành
Thứ năm, ngày 27/06/2024 13:54 PM (GMT+7)
Quyết định thực hiện "phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin" - một giải pháp tháo gỡ được "điểm nghẽn" trong hoạt động đầu tư công nghệ phục vụ chuyển đổi số là điểm đột phá của TP.Hà Nội trong việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.
Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số của UBND TP.Hà Nội (Ban Chỉ đạo) vừa có báo cáo về tình hình, tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn TP.Hà Nội 6 tháng đầu năm 2024.
Báo cáo nêu rõ, với tinh thần quyết liệt trong triển khai thực hiện, tranh thủ sự hỗ trợ, chỉ đạo của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ và sự hỗ trợ của Văn Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, TP.Hà Nội thống nhất quan điểm chỉ đạo triển khai nhiệm vụ phải bảo đảm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả", "một việc - một đầu mối xuyên suốt".
VIDEO: Ngày 28/6, TP.Hà Nội công bố vận hành các ứng dụng nền tảng của Đề án 06 Chính phủ trên địa bàn Hà Nội.
Không còn cảnh người dân xếp hàng dài làm lý lịch tư pháp
Để công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ đạt hiệu quả, TP.Hà Nội đã chỉ đạo thành lập 5.024 Tổ chuyển đổi số cộng tham gia triển khai. Qua đó nhận được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, về định danh điện tử, tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 6,5 triệu công dân Thủ đô đã có CCCD, được cập nhật trong CSDL Quốc gia về dân cư.
Hiện nay hơn 5,2 triệu công dân Hà Nội có tài khoản định danh mức độ 2; 19/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thực hiện cập nhật số hóa hồ sơ dữ liệu hộ tịch điện tử…
Hệ thống thông tin giải quyết Thủ tục hành chính (TTHC) của TP.Hà Nội đã kết nối với CSDL quốc gia về dân cư đã giảm đáng kể thành phần hồ sơ do hệ thống kế thừa được dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư, khi giải quyết TTHC cho người dân trên địa bàn.
Đáng chú ý, về hệ thống thông tin giải quyết TTHC, trước năm 2021 TP.Hà Nội chưa có hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, tuy nhiên đến thời điểm tháng 4/2023, TP.Hà Nội đã hoàn thành việc thuê hệ thống tin giải quyết TTHC bảo đảm đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, kết quả triển khai đến thời điểm tháng 6/2024.
"Tổng số dịch vụ công đã được khai báo trên hệ thống là 1.191 thủ tục, trong đó có 318 dịch vụ công toàn trình, 873 dịch vụ công một phần, số thủ tục hành chính kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia là 1.911 thủ tục, bình quân một ngày có bình 1.000 hồ sơ LLTP nộp qua VneID…", báo cáo dẫn chứng.
Đặc biệt, về cấp LLTP trên VneID, từ ngày 22/4/2024 đến ngày 20/6/2024, TP.Hà Nội đã thực hiện tiếp nhận trên 86% hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng VNeiD.
"Người dân TP đã có thể thực hiện yêu cầu cấp Phiếu LLTP đơn giản, nhanh chóng; không còn tái diễn tình cảnh xếp hàng chờ đến lượt tại trụ sở Sở Tư pháp; mỗi người dân có thể tiết kiệm gần 400.000 đồng/1 yêu cầu cấp Phiếu (ước giảm thực tế sau 2 tháng thực hiện là 1,9 tỷ và dự kiến khoảng 10,7 tỷ/năm), số lượng công dân đến Sở Tư pháp giảm từ 200 – 300 công dân/ngày xuống còn khoảng 30 – 40 công dân/ngày do đặc thù hoặc tâm lý chưa thực sự tin tưởng việc thực hiện qua ứng dụng", báo cáo nhấn mạnh.
Ban Chỉ đạo cũng cho biết, TP.Hà Nội tiếp tục là địa phương đầu tiên trên toàn quốc tham mưu, báo cáo trình HĐND TP xem xét việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin LLTP cho người dân khi thực hiện qua VNeID và được thông qua tháng 5/2024.
Việc này ước tính chi phí cắt giảm của các cơ quan nhà nước khi giảm thiểu được các yếu tố phục vụ tại trụ sở như: Điện, nước, không gian, giấy, in, nhân lực, thời gian lao động - ước giảm 6,85 tỷ/15.114 hồ sơ/2 tháng và khoảng hơn 40 tỷ đồng/năm.
3 tăng 3 giảm
Đánh giá hiệu quả giá trị tổng thể, Ban Chỉ đạo cho rằng, sau thời gian ngắn triển khai, hiệu quả đạt được "3 tăng" "3 giảm" là: Tăng chất lượng dịch vụ; tăng tính minh bạch, công khai hoạt động thu phí; tăng niềm tin của người dân. Giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong thực hiện các yêu cầu TTHC, dịch vụ công và các tiện ích xã hội; giảm nhân lực thực hiện; giảm thủ tục hành chính.
"Ước tính việc tiết kiệm (do thất thu) cho người dân khoảng 10,2 tỷ đồng/năm và giảm chi ngân sách cho các doanh nghiệp trông giữ phương tiện khoảng hơn 4,2 tỷ/năm/64 điểm trông giữ", báo cáo dẫn chứng về lợi ích của việc thanh toán phí trông giữ xe không dùng tiền mặt.
Cũng theo Ban Chỉ đạo, TP.Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đã chủ động báo cáo, tham mưu trình HĐND TP ban hành 2 Nghị quyết.
Thứ nhất, là Nghị quyết quy định "mức thu bằng không" khi công dân thực hiện 82 TTHC qua dịch vụ công trực tuyến. "82 TTHC có quy định mức thu phí này thuộc thẩm quyền quyết định của UBND TP và thời hạn thực hiện đến hết ngày 31/12/2025 với mức thu ngân sách dự kiến khoảng 37 tỷ đồng/năm. Đây được đánh giá là sự quyết tâm của TP khi có bước chuẩn bị bước đầu cho việc khuyến khích của người dân trực tiếp tham gia vào Đề án 06", báo cáo nêu rõ.
Nghị quyết thứ hai là quy định hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin LLTP cho người dân khi có đề nghị cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID kể từ ngày 1/6/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Theo Ban Chỉ đạo, số tiền hỗ trợ của TP với công dân khi thực hiện yêu cầu cấp Phiếu LLTP qua VNeID là khoảng 9,7 tỷ/năm.
"Đây là một con số không nhỏ nhưng hiệu ứng đem lại là các giá trị về xã hội (giảm thiểu ô nhiễm môi trường; giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm về năng lượng....giảm chi phí đi lại của người dân, bảo vệ sức khỏe người dân; giảm các chi phí phát sinh và đặc biệt nâng cao tính chuyên nghiệp hóa của cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước.....).
Ước tính mỗi người dân tích kiệm được ít nhất gần 400.000 đồng/lần yêu cầu thực hiện (khoảng 23 tỷ đồng/năm) và cơ quan nhà nước có thể tiết giảm khoảng 9 tỷ đồng/năm và đặc biệt người dân có thể ở bất kỳ đâu, bất kỳ địa điểm nào, bất kỳ thời gian nào 'với chỉ 1 nút chạm' đã có LLTP", báo cáo nêu rõ.
Gỡ "điểm nghẽn" bằng việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cũng cho biết, từ thực tiễn triển khai, TP.Hà Nội nhận thấy một số vướng mắc trong các quy định pháp luật và đã chủ động quyết định thực hiện "Phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin" - một giải pháp tháo gỡ được "điểm nghẽn" trong hoạt động đầu tư công nghệ phục vụ chuyển đổi số đồng thời đảm bảo được hiệu quả khả thi khi hoàn toàn có thể sử dụng ngay đồng thời đảm bảo các yêu cầu bảo mật cần thiết.
"Đây cũng là điểm đột phá của TP.Hà Nội đã được Thủ tướng, Tổ công tác Chính phủ xem xét, nghiên cứu và chỉ đạo các Bộ, ngành sửa đổi các quy định còn chồng lấn gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các nhiệm vụ về CNTT của các địa phương hay vướng mắc trong giá trị pháp lý của hóa đơn điện tử đề phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển của ứng dụng điện tử trong đời sống", báo cáo nhấn mạnh và cho biết, việc thực hiện phương án thuê dịch vụ CNTT sẽ đáp ứng yêu cầu có sản phẩm công nghệ ngay để sử dụng, ngân sách đầu tư thấp hơn nhưng hiệu quả sản phẩm có ngay đồng thời giảm thiểu chi phí về duy trì, bảo dưỡng, không bị lỗi thời về công nghệ
"Đây có thể coi là một giải pháp giúp TP.Hà Nội triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 Chính phủ trên địa bàn Hà Nội nhanh, tiết kiệm, hiệu lực, hiệu quả góp phần phần thúc đẩy chuyển đổi số Thành phố phát triển nhanh và bền vững theo đúng định hướng của Chính phủ", báo cáo nhấn mạnh.
Thực hiện Đề án 06, Hà Nội xây dựng một văn minh xã hội mới
Trong báo cáo của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số TP.Hà Nội cho cho biết, việc thực hiện Đề án giúp thay đổi thói quen trong việc thực hiện giao tiếp giữa người dân – doanh nghiệp với cơ quan hành chính; xây dựng một văn minh xã hội mới các tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại hơn; gắn với văn hóa trong thời kỳ công nghiệp số và chuyển đổi số.
Về hiệu quả kinh tế, với nhận thức "làm chuyển đổi số không tốn tiền" – các giá trị lợi ích đem lại được minh chứng bằng các chi phí tiết giảm cho cả người dân và doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước; phương thức đầu tư thực hiện song hành cùng chuyển đổi xanh sẽ đem lại nhiều giá trị thặng dư bên cạnh như: Môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, giảm thiểu rác thải, giảm hiệu ứng nhà kính – tăng chất lượng đầu tư, tăng môi trường chuyên nghiệp.....mở rộng cơ hội đầu tư của Thành phố khi có hình thành môi trường đầu tư hiện đại – minh bạch.
Về an ninh trật tự - phòng chống tội phạm, với kết quả đạt được từ các hiệu quả quản lý thuế - quản lý giao thông đô thị - y tế - dịch vụ công .....hiệu quả công khai, minh bạch từ đó việc phòng chống tội phạm, ngăn ngừa tội phạm trong các lĩnh vực như: trốn thuế; lợi dụng chính sách trục lợi, bảo kê..... cơ bản được đẩy lùi; công cụ cho việc thực hiện đấu tranh phòng chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự địa bàn được thực hiện hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.