Đó là khi tết vừa mới qua. Mùa này, sáng sớm nào cũng tràn ngập mù sương. Sương mờ phủ khiến ta nhìn mọi vật như bức tranh thủy mặc mơ màng. Mùa mù sương ấy khiến bụng dạ tôi nôn nao chờ nghe tiếng rao hàng thân quen văng vẳng từ dưới lòng sông vang lên những khuya khoắc đầu ngày. Đó là tiếng rao bán cá cháy.
Ba tôi nói, cá cháy (tên khoa học Macrura ruversil, cùng họ cá trích nhưng lớn hơn nhiều, thường từ biển vào sông để đẻ) là loại cá ăn sương mà lớn lên. Cho nên, sương mù càng dày đặc càng là mùa có nhiều cá cháy xuất hiện. Cá cháy chỉ xuất hiện quanh quẩn quanh lưu vực cuối nguồn sông Hậu là Vàm Tấn (nay là Đại Ngãi, Sóc Trăng), Tân Dinh (giờ là Tân Quy, Cầu Kè, Trà Vinh) và Trà Ôn (Vĩnh Long) khi những ngọn gió chướng từ Biển Đông “lùa” chúng vào.
Vẫn theo ba tôi, cá cháy là loài rất “đỏng đảnh”. Dù mới vừa bắt lên khỏi nước, cho vô khoang xuồng đầy nước liền, vậy mà chúng vẫn tắt thở, lìa đời! Để giúp người ta có những miếng tươi ngon nhớ đời, khi đánh bắt được số cá kha khá, là ngư phủ nhanh tay chèo ghe dài theo các bến sông với tiếng rao vang vọng trong sương sớm: “Cá cháy… đây…!”. Mỗi lần nghe tiếng rao cá âm vang đến nao lòng là má tôi vội vàng xuống bến sông kêu ngoắc họ lại. Bà chọn mua con cá vừa ý, có con nặng tới vài ba ký lô.
Tôi đã nhiều lần thức sớm, ra bờ sông coi má chọn cá trong ánh đèn dầu lù mù của buổi sáng tinh sương. Cá cháy từ lâu đã ăn sâu vào trong tâm thức tôi. Nên khi gió chướng lồng lộng trở về, nên khi mù sương dày đặc các ngả đường, nên khi xoài tượng sống bán đầy các chợ, là nhất định, bụng dạ tôi nôn nao nhớ đến con cá cháy mùa xưa.
PHÙ SA LỘC (Báo giấy)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.