Lo nhà, lo áo cho trâu
Vừa qua khỏi lớp sương mù dày đặc trên đỉnh con dốc Cán Chư Sử (Si Ma Cai, Lào Cai) với hai hàm răng đánh vào nhau lập cập vì giá lạnh, chúng tôi bắt gặp ngay đám lửa hồng rực bên đường, nên vội ùa đến, xin chút hơi ấm.
|
Nông dân vùng cao Phù Yên, Sơn La đốt lửa suởi ấm cho gia súc mỗi khi rét đậm, rét hại. |
Trò chuyện cùng người đốt lửa, biết đó là lão nông Vàng A Nên ở thị trấn Si Ma Cai, vừa rời chợ phiên Cán Cấu trở về. Ông Nên bảo: Trời lạnh quá. Trong lúc đợi bạn ở cùng bản tan cuộc rượu ở chợ phiên để đi nhờ xe máy về, mình phải đốt đống lửa này để sưởi. Cứ rét thế này thì con trâu của mình lại chết mất thôi. Đầu năm nay mình đã chết mất 2 con nghé vì rét rồi đấy.
Cũng theo ông Nên, cái chuyện đưa trâu, bò xuống vùng thấp tránh rét với người dân vùng cao ở đây là khó thực hiện, bởi lẽ muốn đưa được đàn gia súc di chuyển hàng chục km xuống các xã, bản vùng thấp là phải mất 1-2 ngày đường.
Đến vùng thấp cũng phải có người quen giúp đỡ, có bãi để dựng lều lán cho trâu, bò ở; rồi lo thức ăn, củi sưởi hàng ngày; cắt cử người trông nom, canh giữ… nên rất phức tạp. Cách đó chỉ phù hợp với những chủ hộ có đàn lớn, có điều kiện kinh tế, có thông tin sớm về đợt rét và chỉ áp dụng khi đợt rét kéo dài.
"Cách tốt nhất là cứ để trâu, bò tại nhà; dựng lán, che cho kín để tránh mưa, gió; đốt lửa sưởi, cho uống nước nóng. Nếu cẩn thận hơn thì sắm cho mỗi con một cái áo như thế này", vừa nói, ông Nên vừa lôi trong bó bao bạt ra một tấm bao tải được khâu ghép từ 4 chiếc bao gai lại với nhau. Mỗi góc bạt lủng lẳng một đoạn dây thừng ngắn. Cứ choàng qua lưng, qua cổ, buộc túm lại là đỡ rét ngay.
Ông còn cho biết, cách này ông vừa mới học được của hàng xóm. Từ tuần trước, ông đã áp dụng ngay cho mấy con trâu, nếu không chắc lại có con chết.
Ưu tiên hết cho “đầu cơ nghiệp”
Tại những vùng cao khác như: Sa Pa, Mường Khương (Lào Cai); Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè (Lai Châu), Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái), Điện Biên Đông, Mường Nhé (Điện Biên)…, chúng tôi đã ghi nhận được sự chuẩn bị tích cực trong công tác phòng chống rét cho gia súc, gia cầm của các địa phương. Những hộ dân dù chỉ có 1-2 con trâu, bò cho tới những trang trại với hàng trăm con gia súc, cũng đã và đang bắt tay vào cuộc chiến thực sự chống giá rét.
Có mặt tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái vào đúng những ngày Tết Mông đang chìm trong giá rét. Cái nắng chỉ hửng lên một chút sau buổi trưa, rồi vội vàng trả lại không gian cho những đám sương mù dày đặc và gió lạnh đến rùng mình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu - ông Nguyễn Phúc Cường cho biết: Năm 2008, rét đã làm chết 1.300 con trâu, bò, vụ rét năm 2010 là 1.200 con; gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp của huyện. Năm nay, huyện sẽ quyết tâm hạn chế những thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, với sự chủ động cao nhất và sự vào cuộc của toàn cộng đồng.
Rét đe dọa hàng trăm ngàn gia súc
Theo tổng hợp từ Sở NNPTNT các tỉnh, đàn gia súc tại các tỉnh vùng Tây Bắc như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái hiện có hơn 1 triệu con trâu, bò; trong đó lớn nhất là tỉnh Sơn La với số lượng gần 170.000 con trâu, hơn 190.000 con bò. Tuy từ đầu vụ rét tới nay chưa có hiện tượng trâu, bò chết rét nhưng hầu hết số trâu, bò này đều nằm trong vùng bị đe doạ khi rét đậm, rét hại.
Ông Cường cho biết: Với phương châm "cầm tay chỉ việc"; "chính quyền chỉ đạo, nhân dân thực hiện, khuyến nông tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật", đến nay nhân dân các xã trong huyện đã trồng được 157ha cỏ, củng cố và tu sửa hơn 200 chuồng trại và trên 1.000 hộ chăn nuôi gia súc đã dự trữ được rơm khô. Việc tận thu phụ phẩm từ hơn 1.000 ha ngô cũng góp phần thiết thực giải bài toán thức ăn cho đại gia súc trong vụ rét này …
Cũng như đồng bào Mông ở những vùng cao khác, năm nay người Mông Trạm Tấu đã phải giảm đi nhiều hoạt động vui chơi đón tết truyền thống của mình để dành thời gian, vật lực cho công tác phòng chống rét.
Ông Vàng Nỏ Dia, thôn Làng Mảnh, xã Tà Xi Láng bảo: “Những năm trước, con trâu, con bò chết nhiều lắm. Tỉnh cái rượu tết là lại thấy tiếc của, thương cái thân mình thôi. Năm nay nhiều người ở bản ta không đi chơi nữa, tranh thủ đi xin thêm ít rơm khô ở bản bên về để dành cho con trâu, con ngựa. Cán bộ đã nói nhiều rồi, phải che chắn chuồng trại, cho trâu, bò uống nước muối ấm, cho ăn cám, đốt lửa sưởi ấm cho trâu bò; không chăn thả trâu bò vào ngày giá rét. Nếu làm được vậy thì trâu, bò cũng không chết rét, mà cái tết cũng vui thêm đấy”.
Nhóm PV Tây Bắc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.