Cách tính nhận lương hưu một lần

Bảo Yến Thứ bảy, ngày 27/11/2021 14:07 PM (GMT+7)
Bên cạnh chính sách về hưu trí, Luật BHXH năm 2014 còn có chế độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần dành cho một số nhóm đối tượng chưa có số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu theo quy định.
Bình luận 0

Ai được nhận lương hưu 1 lần?

Trao đổi với Dân Việt về đối tượng nhận lương hưu 1 lần, luật sư Nguyễn Thị Huế - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, Điều 60 Luật BHXH năm 2014 quy đinh, đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội một lần là người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có yêu cầu.

Cùng với đó, những nhóm đối tượng này cần thuộc các trường hợp theo quy định của pháp luật như:

Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bên cạnh đó, trường hợp người lao động ra nước ngoài định cư cũng nằm trong nhóm đối tượng được hưởng BHXH một lần.

Chính sách về hưởng BHXH một lần cũng ưu ái dành cho người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế hoặc các bệnh mà có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không có khả năng hồi phục (Điều 5 Thông tư 14/2016/TT-BYT).

Không chỉ vậy, đối tượng người lao động thuộc trường hợp sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu cũng nằm trong nhóm đối tượng được hưởng BHXH một lần.

Cách tính nhận lương hưu 1 lần.png

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ được tính theo quy định tại khoản 2 Điều 60. Ảnh minh họa: Trang tin Đảng bộ TpP Hồ Chí Minh

Cách tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ được tính theo quy định tại khoản 2 Điều 60 như sau:

"Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội".

Một công nhân A làm cho công ty B và có tham gia BHXH bắt buộc từ tháng 01/2013 đến tháng 7/2016. Công nhân A đã nghỉ việc vào tháng 8/2016. Tháng 9/2017, công nhân A muốn nhận tiền BHXH một lần thì công nhân A sẽ nhận được tổng số tiền bao nhiêu?

Được biết, thời gian đóng bảo hiểm của công nhân A như sau:

- Từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2013, mức lương đóng BHXH là: 1.200.000đ

- Từ tháng 01/2014 đến tháng 9/2014, mức lương đóng BHXH là: 1.445.000đ

- Từ tháng 10/2014 đến tháng 12/2014, mức lương đóng BHXH là: 2.140.000đ

- Từ tháng 01/2015 đến tháng 6/2015: Nghỉ không lương, không đóng BHXH

- Từ tháng 07/2015 đến tháng 12/2015, mức lương đóng BHXH là: 2.140.000đ

- Từ tháng 01/2016 đến tháng 02/2016: mức lương đóng BHXH là: 2.140.000đ

- Từ tháng 03/2016 đến tháng 07/2016, mức lương đóng BHXH là: 2.515.000đ

Cách tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần:

 Theo quy định tại Thông tư số 42/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm 2013, 2014, 2015, 2016 tương ứng là 1,08; 1,03; 1,03; 1,00.

Do vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để hưởng BHXH một lần của công nhân A được tính như sau:

- Từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2013 (12 tháng): 1.200.000 x 12 x 1,08  = 15.552.000 đồng.

- Từ tháng 01/2014 đến tháng 09/2014 (9 tháng): 1.445.000 x 9 x 1,03 = 13.395.150 đồng

- Từ tháng 10/2014 đến tháng 12/2014 (3 tháng): 2.140.000 x 3 x 1,03 = 6.612.600 đồng

- Từ tháng 07/2015 đến tháng 12/2015 (6 tháng): 2.140.000 x 6 x 1,03 = 13.225.200 đồng

- Từ tháng 01/2016 đến tháng 02/2016 (02 tháng): 2.140.000 x 2 x 1.00 = 4.280.000 đồng

- Từ tháng 03/2016 đến tháng 07/2016 ( 5 tháng): 2.515.000 x 5 x 1.00 = 12.575.000 đồng

Tổng thời gian là: 12 + 9 + 3 + 6 + 2 + 5 = 37 tháng.

Tổng mức lương đóng BHXH của công nhân A là:

15.552.000 + 13.395.150 + 6.612.600 + 13.225.200 + 4.280.000 + 12.575.000 = 65.639.950 đồng

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là: 65.639.950/37 = 1.774.052 đồng

Thời gian đóng BHXH trước năm 2014 là 1 năm.

Trợ cấp BHXH một lần thời gian đóng BHXH trước năm 2014 là: 1.774.052 x 1 x 1,5 = 2.661.078 đồng

Thời gian đóng BHXH từ năm 2014 là 2 năm 1 tháng.

Trợ cấp BHXH một lần thời gian đóng BHXH từ năm 2014 là: 1.774.052 x 2,5 x 2 = 8.870.260 đồng

Tổng số tiền trợ cấp BHXH một lần công nhân A được hưởng là: 2.661.078 + 8.870.260 = 11.531.338 đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem