Cải cách tiền lương: Nhân viên ngành y tế nói "Chúng tôi còn đặc thù hơn, sao tiền lương không được ưu tiên?"

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 10/11/2023 10:07 AM (GMT+7)
Cải cách tiền lương tới đây sẽ ưu tiên xếp bảng lương của giáo viên cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Tuyên bố này nhận được sự ủng hộ của các thầy cô giáo, nhưng cũng dấy lên sự không hài lòng và so bì của lao động ở nhiều ngành nghề khác…
Bình luận 0

Cải cách tiền lương ngành y tế cũng cần được quan tâm

Mới đây, việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ tuyên bố tiền lương của giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp khi cải cách tiền lương đã nhận được sự ủng hộ của hàng triệu giáo viên trong cả nước. Nhưng, ở một góc độ khác, tuyên bố ấy cũng làm cho nhiều công chức, viên chức, người lao động đang làm việc ở những ngành nghề đặc thù khác cảm thấy tủi thân không kém.

Sau khi báo Dân Việt có bài viết: "Sau cải cách tiền lương, lương giáo viên cao cỡ nào?”, nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến liên quan tới việc xếp lương cho công chức, viên chức nói chung, trong đó có bảng lương giáo viên nói riêng.  

Chị Nguyễn Thị Phương (Hà Nội) chia sẻ: “Cải cách tiền lương, ngành nào được tăng thu nhập thì mừng cho ngành đó nên không muốn ý kiến. Nhưng tôi muốn hỏi, ngành y tế thì sao, liệu có được xếp bảng lương cao nhất. Nếu tiền lương cho cán bộ giáo viên cao nhất thì tiền lương của ngành nghề nào sẽ cao nhì, cao ba đây?”.

cải cách tiền lương ngành y tế

Cải cách tiền lương ngành y tế liệu có giải quyết được vấn đề tiền lương thấp và chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế? Ảnh: Danviet

Chị Phương đặt ra một loạt các câu hỏi hộ nhân viên y tế: Để vào được trường y thì phải cố gắng phấn đấu vất vả, hao tốn thế nào so với trường sư phạm?; Điểm đầu vào so với trường sư phạm thì thế nào? So với sinh viên sư phạm thì sinh viên y khoa có thời gian học có dài hơn không, có vất vả tốn kém hơn không? Khi làm việc, ngành nào chịu độc hại, nguy hiểm và vất vả hơn?

“Nhân viên y tế, các y, bác sĩ đủ sức nhận ra những vấn đề đó nên họ sẽ suy nghĩ thế nào về phát ngôn này của Bộ trưởng Trà”, chị Phương băn khoăn.

Cùng chung quan điểm, một bạn đọc giấu tên cũng nêu băn khoăn: “Cải cách tiền lương, xây dựng thang bảng lương không khoa học sẽ gây tranh cãi. Hiện nay nhiều giáo viên có mức lương và phụ cấp lên tới 13 triệu đồng/tháng. Nếu cải cách tiền lương, tiền lương mới có được 15 triệu đồng không?”.

Điều mà bạn đọc này lo lắng chính là: “Rồi nhân viên y tế sẽ so sánh phân bì xem giáo dục hơn hay y tế hơn. Theo tôi thấy, nhân viên ngành y tế thật sự vất vả và nguy hiểm hơn giáo viên. Giáo viên thì cứ giảng bài giảng hoài, khỏe hơn y tế. Người làm công việc y tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, mầm bệnh, lại phải trực đêm hôm… công việc quá vất vả. Không cẩn thận sai sót có khi ở tù. Bởi vậy, nên xem xét lại chế độ tiền lương cho nhân viên ngành y tế khi cải cách tiền lương”.

Nhân viên y tế trông đợi gì khi cải cách tiền lương?

Chia sẻ về vấn đề tiền lương, chị Nguyễn Thị Lan (32 tuổi), điều dưỡng của một bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội cho biết, nghe thôi đã thấy có sự bất công trong đó rồi.

"Nghề của chúng tôi học hành vất vả. Ra trường đi làm vẫn phải liên tục học lên để nâng cao tay nghề. Công việc thì suốt ngày làm việc trong môi trường độc hại, căng thẳng. Có ngày trực 24 giờ liên tục. Vậy mà tiền trực cũng chỉ có 300 nghìn/1 ngày, tiền lương sau gần 10 năm làm việc của tôi cũng mới được 5 triệu đồng. Cộng tất cả khoản phụ cấp... thì thu nhập được chừng 12-13 triệu đồng/tháng", chị Lan nói.

Theo lời chị Lan, rất nhiều đồng nghiệp của chị đã không thể bám trụ được, nhiều người xin ra làm bệnh viện tư, phòng khám tư, thậm chí có người nghỉ luôn việc, đổi nghề về nhà bán hàng online.

"Hôm nào mà trực 24 giờ là người tôi đau mỏi, cứ làm về tới nhà là ngủ lăn ra, chẳng biết trời đất gì nữa. Nghe chuyện Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định ưu tiên xếp lương cho giáo viên vào hàng cao nhất trong bảng lương tôi lại chạnh lòng. Mấy hôm rồi đồng nghiệp của tôi cũng thể hiện thái độ không đồng tình với quan điểm này", chị Lan kể thêm.

Chị Lan cho biết thêm, không chỉ chị mà đồng nghiệp và những nhân viên trong ngành y tế trông chờ rất nhiều vào đợt cải cách tiền lương sắp tới. Mọi người mong đợi cải cách tiền lương giúp tăng lương cho cán bộ, nhân viên ngành y tế, nhưng đồng thời quan trọng hơn là tạo được sự công bằng trong các tính lương giữa cách ngành nghề, giữa các vị trí, công việc khác nhau.

cải cách tiền lương ngành y tế

Phát ngôn ưu tiên xếp bảng lương cho giáo viên khiên nhân viên ngành y rất tủi thân. Ảnh: Gia Khiêm

"Nhiều đồng nghiệp của tôi rất mong chờ cải cách tiền lương tới đây. Mọi người đều bảo cố lên, đợi sang năm cải cách tiền lương thì lương cao hơn, đừng bỏ nghề vội", chị Lan chia sẻ.

Từng chia sẻ câu chuyện này với phóng viên Báo Dân Việt, ông Phạm Minh Huân - Chuyên gia tiền lương cho rằng, vấn đề xây dựng thang bảng lương cho công chức, viên chức khi cải cách tiền lương là vấn đề rất khó. Đặt ngành nào lên trước, ngành nào xuống sau tùy ý chí của người xây dựng bảng lương.

Tuy nhiên, theo ông Huân có 3 yếu tố chính để cấu tạo nên tiền lương đó là: Trình độ đào tạo; 2 là điều kiện làm việc; 3 là mức độ ưu đãi với công việc đó. Lấy yếu tố nào làm chuẩn để xác định tiền lương trong 3 yếu tố đó tùy thuộc vào người xây dựng thang bảng lương.

Như vậy, có thể thấy việc cất nhắc đưa tiền lương của nhóm nào lên trước, bảng lương thế nào, ưu tiên ra sao cũng phải được cất nhắc dựa trên 3 yếu tố đó.

"Nói là lương giáo viên được ưu đãi, xếp cao nhất nhưng thực tế khi triển khai thì đơn vị nào cũng sẽ kêu là ngành đặc thù cần ưu đãi. Câu chuyện này từng xảy ra trước đây khi làm tiền lương", ông Huân nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem