Cán bộ, hội viên, nông dân Lâm Đồng đi thăm mô hình nuôi trùn quế, thu hơn 30 triệu/tháng
Hội ND Lâm Đồng đưa cán bộ, hội viên, nông dân đi thăm mô hình nuôi trùn quế, thu hơn 30 triệu/tháng
Văn Long
Thứ tư, ngày 17/01/2024 13:08 PM (GMT+7)
Ngày 16/1, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức buổi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn huyện Đức Trọng cho khoảng 100 cán bộ, hội viên nông dân huyện Đạ Tẻh, TP. Đà Lạt, trong đó có mô hình nuôi trùn quế mang lại thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.
Theo đó, dự án nuôi trùn quế của anh Trần Hữu Nguyễn (31 tuổi, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) là mô hình được Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đưa đến thăm đầu tiên. Gần 100 cán bộ, hội viên, nông dân các huyện Đạ Tẻh, Đức Trọng và TP.Đà Lạt đều đánh giá rất cao mô hình này của anh Nguyễn bởi mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường.
Hiện nay, anh Nguyễn đang nuôi trùn quế trên diện tích khoảng 200 mét vuông. Với diện tích trên, anh Nguyễn chia làm 6 ô để nuôi giun, mỗi ô anh sử dụng khoảng 4 tấn phân bò để giun sinh trưởng và phát triển. Hiện nay, mỗi tháng anh Nguyễn bán ra thị trưởng khoảng 10 tấn phân trùn quế, tổng thu nhập khoảng 35 triệu đồng.
Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã đưa cán bộ, hội viên nông dân đi thăm mô hình nuôi trùn quế của anh Trần Hữu Nguyễn tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng.
Bà Hồ Thị Bích Linh – Trưởng Ban Kinh tế xã hội thuộc Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, mô hình nuôi trùn quế của anh Nguyễn đã có từ trước và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau đó, thực hiện Dự án "tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" tại tỉnh Lâm Đồng, Hội đã tuyên truyền và hướng dẫn thêm cho anh Nguyễn những kỹ thuật để nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả của mô hình.
"Mô hình của anh Nguyễn là mô hình điểm để Hội Nông dân hướng dẫn, nhân rộng ra toàn huyện Đức Trọng cũng như tỉnh Lâm Đồng. Mô hình nuôi trùn quế này của anh Nguyễn là mô hình tuần hoàn, khép kín mang lại hiệu quả rất cao. Mô hình vừa mang lại hiệu quả kinh tế cũng như bảo vệ môi trường theo mục tiêu của dự án "tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế", bà Linh cho hay.
Trực tiếp tham gia buổi tham quan, ông Nguyễn Mệnh Quý – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) cho rằng: "Mô hình nuôi trùn quế của anh Nguyễn là mô hình rất hiệu quả. Sau chuyến thăm này, chúng tôi sẽ phổ biến lại cho Hội viên ở xã Đạ Kho. Tại xã Đạ Kho, có rất nhiều hộ có chăn nuôi, có nguồn phân chuồng để có thể nuôi trùn quế. Phân trùn quế thì rất tốt để bón cho cây trồng, nếu bà con làm được thì sẽ tạo thành mô hình khép kín, tuần hoàn.
Bên cạnh đó, mô hình này cũng kiểm soát rất tốt việc ô nhiễm môi trường, tận thu được sản phẩm là con trùn quế để giúp việc chăn nuôi của người dân sẽ giảm được chi phí đầu vào".
Ngoài ra, Hội nông dân tỉnh Lâm Đồng cũng đưa cán bộ, hội viên nông dân đi thăm mô hình trồng nấm Hồng Ân của Công ty TNHH SXTM Hồng Ân do chị Phạm Thị Ân (30 tuổi, thôn Ninh Hòa, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng.
Chị Ân cho biết, cơ sở của chị chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm nấm linh chi thảo dược, rượu nấm, phôi nấm, nấm tươi, nấm khô và nấm chế biến. Bên cạnh đó, các loại nấm bào ngư xám, bào ngư trắng, nấm hương, nấm kim châm, nấm đùi gà, linh chi trắng, linh chi nâu, nấm đông trùng, hồng ngọc, hoàng kim, nataky, nấm mèo...cơ sở của chị cũng đều sản xuất được.
Ông Đa Cát Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Trong năm 2023, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ một phần vốn cũng như kỹ thuật để Công ty Hồng Ân phát triển sản xuất. Hiện nay, tình hình hoạt động của cơ sở này rất là tốt, mang lại hiệu quả cao theo hướng cũng như yêu cầu của Hội Nông dân tỉnh đưa ra từ đầu.
Từ hiệu quả kinh tế của các mô hình như nuôi trùn quế của anh Nguyễn hay chị Ân thì chúng tôi rất mừng. Qua đó, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động cho hội viên, nông dân khác đến tham quan, học tập và phát triển trong thời gian tới".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.