Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự cho 2 người vụ nữ sinh lớp 12 bị tông chết ở tỉnh Ninh Thuận
Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự cho 2 người vụ nữ sinh lớp 12 bị gây tai nạn tử vong ở tỉnh Ninh Thuận
Quang Trung
Thứ bảy, ngày 02/12/2023 07:06 AM (GMT+7)
Vợ và chú của cựu thiếu tá không quân gây tai nạn làm nữ sinh tử vong được miễn trách nhiệm hình sự do hành vi "ít nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian ngắn". Vậy quy định định cụ thể về việc này thế nào?
Hai người bao che cho tài xế tông chết nữ sinh được miễn trách nhiệm hình sự
Gia đình nữ sinh lớp 12 bị tông chết ở tỉnh Ninh Thuận cho biết, đã nhận được giấy triệu tập đưa vụ án ra xét xử bị cáo Hoàng Văn Minh (37 tuổi, ở tỉnh Ninh Thuận, cựu thiếu tá thuộc Trung đoàn 937, Sư đoàn 370) về tội "Vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Phiên tòa dự kiến diễn ra ngày 5/12, tại Tòa án Quân sự khu vực 2 - Quân khu 5 (Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Theo cáo trạng, trong quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra hình sự khu vực 3, Quân chủng Phòng không - Không quân căn cứ điểm a, khoản 2 Điều 29 Bộ luật hình sự miễn trách nhiệm hình sự cho ông Phạm Văn Võ (50 tuổi, chú cựu thiếu tá Minh) và bà Huỳnh Thị Kim Hằng (30 tuổi, vợ cựu thiếu tá Minh), ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với tội "khai báo gian dối", quyết định đình chỉ điều tra bị can, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với ông Võ và bà Hằng.
Theo nội dung của cáo trạng, hành vi của Phạm Văn Võ và Huỳnh Thị Kim Hằng đã cấu thành tội "khai báo gian dối" theo quy định tại khoản 1 Điều 382 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, tội mà các bị can phạm phải là tội ít nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, đều có nhân thân tốt. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Võ và bà Hằng nhận thức được sai phạm của mình, luôn thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Việc khai báo gian dối của hai người chỉ diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn, ngay sau đó đã tự nguyện, chủ động khai báo lại đúng sự thật.
Vì vậy việc đình chỉ điều tra vụ án đối với tội "khai báo gian dối", đình chỉ điều tra bị can đối với Phạm Văn Võ, Huỳnh Thị Kim Hằng của cơ quan điều tra được cho là có căn cứ, đúng pháp luật.
Quy định cụ thể về miễn trách nhiệm hình sự
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong tố tụng hình sự, lời khai của người làm chứng là rất quan trọng, nếu không có những chứng cứ vật chất, trực tiếp khác, lời khai của người làm chứng đôi khi quyết định đến việc giải quyết vụ án.
Bởi vậy, việc khai báo gian dối của các bị can có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án hình sự, dẫn đến oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm nên pháp luật quy định hành vi khai báo gian dối của người làm chứng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đây là một trong các tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tội danh này xử lý đối với hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối ảnh hưởng đến hoạt động tư pháp. Hình phạt là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Trường hợp hành vi khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội, hình phạt từ 3 đến 7 năm tù.
Theo ông Cường, trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định hành vi khai báo gian dối của ông Võ, bà Hằng được thực hiện trước khi khởi tố vụ án hình sự. Sau khi khởi tố vụ án hình sự, các bị can đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội, thể hiện thái độ ăn năn, hối cải.
Hành vi phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, nội dung khai báo sau này của các bị can góp phần tích cực cho cơ quan điều tra trong việc phát hiện, xử lý tội phạm nên cơ quan điều tra xem xét và quyết định đình chỉ điều tra và miễn trách nhiệm hình sự đối với hai bị can.
Điều 29 Bộ luật hình sự quy định, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi có quyết định đặc xá.
Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận…
Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền miễn trách nhiệm hình sự và ra quyết định đình chỉ vụ án.
"Việc miễn trách nhiệm hình sự là thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của pháp luật trên cơ sở khoa học pháp lý khi xét thấy không cần xử lý hình sự cũng có thể giải quyết được vấn đề, hành vi không còn nguy hiểm nữa, không cần thiết phải xử lý bằng chế tài hình sự cũng đủ giáo dục răn đe đối với người phạm tội về phòng ngừa chung đối với xã hội. Vì thế, việc miễn trách nhiệm hình sự đối với hai người trên là có căn cứ" – ông Cường nêu quan điểm.
Theo cáo trạng, sáng 28/6/2022, Minh lái ôtô 7 chỗ chở nhiều người trong gia đình (trong đó có Hằng và Võ) trên đường 16/4, TP Phan Rang - Tháp Chàm. Ôtô sau đó tông xe máy của em Hồ Hoàng Anh (đi lấy giấy báo thi tốt nghiệp THPT) chạy cùng chiều. Nữ sinh bị hất văng vào trụ điện, tử vong.
Thiếu tá không quân cùng vợ xuống kiểm tra, thấy nạn nhân bị thương nặng nên bảo người nhà đứng đợi, để đưa đi cấp cứu. Do lo sợ ảnh hưởng xấu đến bản thân và đơn vị, Minh nhờ Võ nhận là người lái xe gây tai nạn. Khi làm việc với công an, Võ nhận là tài xế, Hằng cũng xác nhận điều này.
Tuy nhiên, quá trình điều tra vụ án, nhà chức trách xác định vợ chồng Hằng khai báo gian dối, Minh mới là người lái xe gây tai nạn. Trong khi điều khiển ôtô, thiếu tá không quân đã sử dụng điện thoại, thiếu tập trung quan sát, không bảo đảm an toàn trong quá trình chuyển hướng, để xảy ra va chạm với xe máy Hoàng Anh khiến nạn nhân tử vong.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.