Huyện Cần Giờ chú trọng đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản cho lao động nông thôn

Dung An Thứ năm, ngày 03/08/2023 09:39 AM (GMT+7)
Trong những năm qua Hội Nông dân Cần Giờ đã tổ chức đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động tại địa phương, trong đó chủ yếu là các ngành nghề liên quan đến nuôi trồng thủy sản.
Bình luận 0

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động tại địa phương.  

Theo đó, Hội Nông dân huyện đã phối hợp Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân TP, Trung tâm Khoa học trẻ của Thành Đoàn, Trung tâm Khuyến nông TP, Trạm khuyến nông huyện, Phòng Kinh tế, UBND các xã, thị trấn đào tạo nghề cho lao động nông thôn với hơn 2.400 người. Sau khi tham gia học nghề, có hơn 2.100 người có việc làm.

Huyện Cần Giờ chú trọng đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản cho lao động nông thôn - Ảnh 1.

Huyện Cần Giờ chú trọng đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản cho lao động nông thôn. Ảnh: G.T

Cụ thể, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân TP mở 3 lớp đào tạo nghề có cấp chứng chỉ về trồng rau ăn quả, lớp học thu hút 114 người tham gia, mở 1 lớp tập huấn cho 20 người tại xã Lý Nhơn về nuôi tôm công nghệ cao. Các học viên tham gia khóa học được đi học tập tại các tỉnh Kiên Giang, Huế, Nha Trang. Hiện, trong số các thành viên tham gia lớp học có 10 thành viên chuyển từ nuôi tôm truyền thống sang hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Hội Nông dân huyện Cần Giờ còn tổ chức các lớp tập huấn phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và an toàn tàu cá.

Riêng Hội Nông dân các xã, thị trấn đã phối hợp tổ chức 74 lớp dạy nghề, có hơn 1.900 người dự với các nội dung dạy nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm; trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao; tập huấn về văn minh trong thương mại số và an toàn thực phẩm trong sản xuất; tập huấn phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản…

Huyện Cần Giờ chú trọng đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản cho lao động nông thôn - Ảnh 3.

Cá dứa là sản phẩm tiêu biểu của ngành thủy sản huyện Cần Giờ (TP.HCM). Ảnh: Q.D

Không chỉ Hội Nông dân, trong lĩnh vực dạy nghề cho nông dân, UBND huyện Cần Giờ cũng đã ban hành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân của huyện với mục tiêu có 850 nông dân chuyên nghiệp, giai đoạn 2023-2025.

Theo UBND huyện Cần Giờ, về định hướng ngành nghề đào tạo sẽ đào tạo các nghề để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, đề án mả ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, như: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chương trình phát triển du lịch nông thôn; chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ; chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao; Chương trình khuyến nông; đề án phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Bên cạnh đó, bổ sung các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn và đáp ứng với các yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới, như dịch vụ nông nghiệp nông thôn, kinh doanh nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số; cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.

Để đạt mục tiêu có 850 lao động chuyên nghiệp trong 3 năm tới, huyện Cần Giờ đặt ra giải pháp phải củng cố, nâng cao năng lực cho các cơ sở dạy nghề và giáo viên, cán bộ quản lý công tác đào tạo nghề nông nghiệp.Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng dạy nghề cho đội ngũ giáo viên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện.

Vận động, khuyến khích các chuyên gia, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, người lao động có tay nghề, kinh nghiệm tại các Viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ sở sản xuất nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tham gia dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Đồng thời, hàng năm tổ chức các lớp đào tạo, bồi đưỡng nghiệp vụ quản lý và tư vấn đào tạo nghề cho cán bộ làm công tác đào tạo nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện. 

Theo ông Lê Văn Được - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ, huyện Cần Giờ đang hướng đến nâng cao trình độ, tay nghề cho nông dân địa phương; tăng cường việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Thông qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; thực hiện hiệu quả chương trình nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng "Nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông nghiệp hiện đại".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem